Chuyên gia người Việt toàn cầu chung tay giúp Việt Nam chống dịch Covid-19
Cập nhật: 02/09/2021
Cuối tuần qua, Nhóm phản ứng nhanh chống Covid-19 (Taskforce Covid-19) của Hội khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) tổ chức hai cuộc hội thảo trực tuyến về các chủ đề rất thiết thực là “Hiểu rõ về F0 để chăm sóc hiệu quả” và "Hiểu về tâm lý để an tâm giữa mùa dịch". Các webinar này nằm trong chuỗi hội thảo chuyên đề để những chuyên gia người Việt có kinh nghiệm tham gia chống Covid-19 tại các nước phát triển cùng trao đổi và cung cấp thông tin cũng như các khuyến nghị quan trọng hỗ trợ chính phủ và nhân dân Việt Nam chống dịch trong ngắn và dài hạn.
Nhiều thông tin thiết thực đã được các bác sỹ, nhân viên y tế, chuyên gia tâm lý người Việt có uy tín đang trực tiếp tham gia chống dịch Covid-19 tại Pháp, Mỹ, Tổ chức y tế thế giới, Hội hô hấp châu Âu… chia sẻ và thảo luận trong hai cuộc hội thảo này. Cụ thể là các kiến thức và kinh nghiệm về chăm sóc F0 tại bệnh viện hay tại nhà như thế nào cho hiệu quả với từng đối tượng, để không gây quá tải cho hệ thống bệnh viện đồng thời không làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng; hay việc sử dụng thuốc có Corticoid như thế nào trong điều trị các bệnh nhân Covid-19... Các chuyên gia cũng phân tích các vấn đề Covid-19 gây ra cho nhiều đối tượng khác nhau, nặng nề nhất là tình trạng lo lắng và thậm chí trầm cảm ở người cao tuổi; “kiệt sức nghề nghiệp” ở bác sỹ và các nhân viên y tế; căng thẳng và xung đột gia đình – xã hội – doanh nghiệp do giãn cách kéo dài… và nêu một số đề xuất giải pháp cho từng đối tượng như người già nên tập thở, tập thiền; lắng nghe và thấu cảm với các nhân viên y tế; hay gia đình cùng tìm các hoạt động chung để gần gũi trong thời gian giãn cách…
Trong vai trò điều phối chương trình hội thảo, TS. Nguyễn Thụy Phương - Phó Giám đốc mạng lưới giáo dục AVSE Global, Chủ tọa diễn đàn Giáo dục Việt Nam VES nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị đầy đủ và toàn diện tâm lý - tinh thần - thể chất để đối phó hiệu quả và lâu dài với đại dịch. TS. BS. Thân Hà Ngọc Thể - Phó Chủ tịch thường trực Hội Y học Chăm sóc giảm nhẹ Việt Nam, Phó Chủ tịch Chi hội Lão khoa TP. Hồ Chí Minh đề xuất giải pháp tâm lý đối với người cao tuổi: “Xin gửi lời đến những người cao tuổi, hãy tập thở, tập mỉm cười, hãy tập nói lời yêu thương. Yêu thương bản thân mình và yêu thương những người xung quanh.”
Thạc sỹ Trương Nguyễn Xuân Quỳnh, nghiên cứu sinh tại Đại học Boston, Hoa Kỳ, Đại học Chulalongkorn, Thái Lan; Giảng viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM; thành viên Ban chấp hành Hội Y học Chăm Sóc Giảm Nhẹ Việt Nam gửi gắm mong muốn cộng đồng tuân thủ các yêu cầu giãn cách và thấu cảm với các bác sỹ, nhân viên y tế: “Tôi mong các nhân viên y tế đang ở tuyến đầu chống dịch hãy tự chăm sóc bản thân. Và mong tất cả mọi người đồng cảm và chia sẻ những gì nhân viên y tế đang trải qua; hãy hỗ trợ về tinh thần cho họ, đôi khi chỉ cần nghe họ chia sẻ, than thở cũng đã là giúp họ.”
Chia sẻ những cảm xúc nặng nề tại các gia đình ở Việt Nam do giãn cách kéo dài và dịch bệnh căng thẳng, tương tự những gì từng diễn ra tại Pháp, châu Âu và Mỹ trước đó, chuyên gia Joshep Văn Võ, Tiến sĩ tâm lý Công nghệ và Thương mại tại Đại học Paris Panthéon Sorbonne (Pháp), Đại học Sacramento State (Mỹ) nhắn nhủ: “Xin mọi người hãy nghĩ trong cái rủi có cái may, vấn đề gì cũng có hai mặt. Dịch bệnh khiến mọi thứ đảo lộn; nhưng cũng giúp chúng ta nhìn nhận lại nhiều điều. Các gia đình hãy dành thời gian ở nhà để gần gũi nhau làm những việc mà trước do quá bận rộn chưa làm được. Không ai biết tương lai sẽ như thế nào thì trước hết cứ dùng thời gian ở bên nhau quan tâm đến nhau, ông bà, con cháu, vợ chồng có nhiều thời gian cho nhau.”
Trước đó, từ đầu tháng 8, nhóm phản ứng nhanh chống Covid 19 đã phối hợp với Công đoàn Bộ Ngoại giao và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức hội thảo trực tuyến về các vấn đề cấp bách như hiểu đúng về vắc –xin, hay mối nguy hiểm của chủng Delta và cách phòng tránh… Khuyến cáo lớn nhất mà các chuyên gia người Việt có uy tín trực tiếp tham gia chống dịch tại Pháp, châu Âu, Mỹ là cần phải nhanh chóng tiêm vắc xin tối đa cho mọi người dân. GS. TS. BS Đinh Xuân Anh Tuấn - Bệnh viện Cochin, Paris, Pháp & Thành viên Taskforce Hội chứng Covid mãn tính của Hội Hô hấp Châu Âu nhấn mạnh: “Phải tiêm hết cho mọi người khi đã có đủ vắc xin; vì nếu không virus sẽ hoành hành, lây nhiễm và tạo ra thêm nhiều biến chủng mới; làm cho các vắc xin hiện nay sẽ không có công hiệu nữa và chúng ta sẽ bị quay lại tình trạng cũ. Về hiệu quả của các loại vắc xin thì giờ truyền thông hay đưa ra các con số so sánh, ví dụ Pfizer 95%, Moderna 96% hay Aztra Zeneca chỉ 67%; nhưng cho dù các con số đó có chính xác đi chăng nữa, thì đó là số liệu về tránh lây nhiễm. Nhưng nếu xét riêng tác dụng của vắc xin là giảm tử vong và tránh nguy cơ bị bệnh nặng nếu có nhiễm virus, thì tất cả các vắc xin đó đều có công hiệu như nhau. Vì thế, tôi xin nhấn mạnh nếu có vắc xin, xin mọi người hãy cứ tiêm và tiêm 2 mũi và sẽ có nhiều hy vọng không bị bệnh nặng dù có nhiễm virus.”
Nhóm phản ứng nhanh chống Covid 19 của Hội khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu được thành lập vào cuối tháng 5, khi dịch bệnh hoành hành nặng nề tại Việt Nam, với mục tiêu đồng hành cùng quê hương chống dịch. Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Hiền - Chuyên gia cao cấp Sinh Y, Bệnh viện Đại học Aalborg, Đan Mạch; Giám đốc nhóm phản ứng nhanh cho biết: hiện nhóm có hơn 60 thành viên đến từ 15 quốc gia hoạt động trong 8 lĩnh vực và mỗi lĩnh vực được dẫn đầu bởi các chuyên gia đầu ngành ví dụ y tế, tâm lý, truyền thông, kinh tế… Bà Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết kết quả ban đầu của của nhóm phản ứng nhanh - Task Force là rất đáng khích lệ: “Mục tiêu của Task Force thì trong ngắn hạn, muốn đưa các nghiên cứu về các giải pháp chống Covid-19, y tế, công nghệ, tìm kiếm nguồn vắc xin, thuốc chữa và trang thiết bị y tế từ nhiều quốc gia; về dài hạn là nghiên cứu các giải pháp kinh tế để vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch và các giải pháp y tế để thúc đẩy ứng phó với các nguy cơ trong tương lai... Sau 10 tuần hoạt động, đã làm được các việc như: tham gia hỗ trợ tiếp cận thúc đẩy hợp tác vắc xin với một số quốc gia châu âu mỹ, làm việc với Covax, 5 webinar chuyên đề, và đặc biệt huy động nguồn trang thiết bị y tế nhiều chục triệu đô la và chuyến hàng đầu tiên đã về TP Hồ Chí Minh.” Được biết, nhóm phản ứng nhanh đang thúc đẩy một chương trình ca nhạc trực tuyến và lập Quỹ “Joining Hands” (Chung tay) để gây quỹ giúp đưa các trang thiết bị y tế được tài trợ về nước./.
Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, chuyên gia người Việt, toàn cầu, chung tay bàn chống dịch Covid-19
Thể loại: Tổng hợp Video
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5