Chuyên gia Nga: “Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại một di sản trí tuệ tuyệt vời“
Cập nhật: 16/05/2020
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Chuyên gia Nga Grigory Lokshin: "Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta một di sản trí tuệ tuyệt vời...".
Sinh thời, để tìm đường cứu nước cũng như xây dựng đất nước sau khi đã giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đến Liên Xô, ngày nay là Liên bang Nga, có nhiều cuộc gặp, làm việc với giới lãnh đạo và các chuyên gia Liên Xô. Bác là người đã đặt nền móng cho tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.
Nhiều chuyên gia Liên Xô được gặp Bác và đã không thể nào quên những ấn tượng sâu đậm về Người, đặc biệt hơn, họ còn nhớ suốt đời những Di huấn thiêng liêng của Bác, đang tiếp tục chỉ lối, soi đường cho Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đất nước phát triển trong tình hình mới.
Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác, phóng viên VOV có cuộc phỏng vấn chuyên gia Grigory Lokshin - cán bộ nghiên cứu khoa học cao cấp của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN-Viện Viễn Đông-Viện Hàn Lâm khoa học Nga, một nhà Việt Nam học, đã từng được gặp Bác.
Chuyên gia Grigory Lokshin trả lời phỏng vấn |
PV: Thưa ông, từng được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một số cuộc hội nghị, hội thảo quốc tế, ông có thể kể về các cuộc gặp này? Điều gì làm ông nhớ nhất?
Ông Grigory Lokshin: Tôi rất hạnh phúc là trong đời vài lần được quan sát Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các hội nghị quốc tế, đặc biệt là được tiếp xúc gần với vai trò phiên dịch. Điểm nổi bật đáng nhớ ở Người đó là sự thông thái nhưng giản dị dễ gần.
Có một cuộc gặp tôi nhớ nhất đó là vào năm 1964. Khi đó tôi làm việc ở Liên Xô, chịu trách nhiệm làm việc với Hội đồng Hòa bình thế giới. Chúng tôi cùng với Hội đồng Hòa bình Thế giới tổ chức Hội nghị kỷ niệm 10 năm ký Hiệp định Geneve (năm 1954) được tổ chức tại Hà Nội. Sau khi kết thúc bài thuyết trình tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời các vị khách nước ngoài vào nhà sàn trong Phủ Chủ tịch tại Hà Nội. Cuộc trò chuyện diễn ra không theo nghi thức.
Biết chút tiếng Việt, tôi hỏi Người: Chính sách đối ngoại của Bác trong bối cảnh khó khăn này như thế nào? Người đã trả lời: "Rất đơn giản: càng nhiều bạn càng tốt và càng ít kẻ thù càng tốt". Lúc đó tôi đã thấy rất thú vị. Nhưng càng về sau, tôi càng thấm thíanhững lời sáng suốt của Người, nó cho thấy bản chất của chính sách đối ngoại không chỉ của Việt Nam, mà bất kỳ quốc gia nào, nếu lãnh đạo của nước đó quan tâm đến lợi ích của nước mình.
Ngày nay, khi chúng ta xem xét và muốn đánh giá chính sách đối ngoại của bất kỳ nước nào, kể cả nước Nga, bạn có thể đặt câu hỏi này. Câu trả lời theo tôi vẫn chỉ có thể là thêm bạn, bớt thù bởi đó là chính sách đối ngoại đúng đắn. Tôi luôn nhớ công thức này, coi đó là chìa khóa để hiểu về mọi vấn đề của chính sách đối ngoại.
PV: Ông đánh giá như thế nào về tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước Việt Nam và LB Nga mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng?
Ông Grigory Lokshin: Kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp rất quan trọng để một lần nữa tưởng nhớ tới một con người vĩ đại, người đã đặt nền móng cho tình hữu nghị Nga-Việt và người con vĩ đại của nhân dân Việt Nam.
Trong nhiều bài viết và bài phát biểu của mình, nói về V.I. Lênin, Cách mạng Tháng Mười và Liên Xô, Hồ Chí Minh thường sử dụng câu tục ngữ "Uống nước, nhớ nguồn". Người đã dạy điều này cho mọi người, cho các đồng chí của mình. Nhưng quan trọng là điều này đã đặt nền móng cho tình hữu nghị mà các thế hệ lãnh đạo kế nhiệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến nay vẫn luôn giữ gìn. Tôi nhìn thấy ở đây cơ sở to lớn mà giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, chính phủ Việt Nam đã ủng hộ tình cảm khắc ghi của nhân dân về tình hữu nghị và sự đóng góp, giúp đỡ của Liên Xô, các dân tộc Liên Xô dành cho Việt Nam để giải phóng đất nước. Trong khi nhiều nước đã không nhớ đến sự giúp đỡ của Liên xô để giải phóng họ khỏi phát xít...
Tôi đang nghĩ về mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện LB Nga và Việt Nam. Trong kế hoạch chính trị của chúng ta không có sự bất đồng. Các vấn đề chính trị tại các tổ chức quốc tế của Liên hợp quốc, ở ASEAN, quan điểm của chúng ta trùng nhau, gần gũi với nhau.
Khó khăn của chúng ta là mối quan hệ kinh tế thương mại. Đáng tiếc là hiện ở Nga tình hình khó khăn, ở Việt Nam cũng không dễ. Hiện nay đầu tư của Việt Nam vào Nga nhiều hơn từ Nga vào Việt Nam. Việt Nam đang hoạt động ở nhiều vùng của Nga, trong đó có khai thác dầu khí và các lĩnh vực khác. Nhưng chúng ta chưa có những dự án lớn mang tính đột phá. Tôi cho rằng, Nga phải chú ý tới điều này. Tôi hy vọng, đất nước sẽ vượt qua khó khăn hiện nay và các mối hợp tác về kinh tế- thương mại, kỹ thuật quân sự của hai nước sẽ tiếp tục.
PV: Ông đánh giá thế nào về tính thời sự của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự phát triển của Việt Nam cho đến hiện nay?
Ông Grigory Lokshin: Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta một di sản trí tuệ tuyệt vời. Người không phải là một nhà lý luận-nhà Mác-xít, mặc dù, chủ nghĩa Mác là hệ tư tưởng của Người. Người là một nhà thực hành cách mạng. Và những gì Người để lại cho nhân dân, cho các đồng chí của mình vẫn còn nóng hổi cho đến ngày hôm nay.
Tuyên ngôn Độc lập, do Người viết và công bố vào ngày 2/9/1945 trên Quảng trường Ba Đình ở Hà Nội, trở thành biểu tượng nhà nước của Việt Nam. Từng câu, từng chữ trong Bản Tuyên ngôn độc lập ấy mỗi người dân Việt Nam không ai không biết. Cũng như ở Nga, trong những năm đầu tiên của chính quyền Xô Viết, mỗi người dân được học đọc và viết bắt đầu bằng các từ: “Chúng ta không phải là nô lệ, nô lệ không phải là chúng ta”.
“Không có gì quý hơn độc lập và tự do" - Thông điệp này Người đã truyền tới đồng bào mình trên làn sóng Đài Tiếng nói của Việt Nam ngày 7/7/1966, thời điểm khó khăn khi đế quốc Mỹ leo thang xâm lược ở miền Nam và các vụ ném bom dữ dội ở miền Bắc. Tư tưởng này khi được quần chúng thấm nhuần, đã trở thành sức mạnh vật chất lớn nhất cho phép nhân dân Việt Nam giành được chiến thắng. Sau chiến thắng, vào những thời khắc khó khăn, thông điệp ấy lại được vang lên bằng những từ “đoàn kết-đoàn kết-đại đoàn kết, thành công-thành công - đại thành công”.
Toàn thế giới đã ngạc nhiên vì Việt Nam đã rất thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Đó chính nhờ sự đoàn kết ở Việt Nam. Đoàn kết xung quanh Đảng Cộng sản Việt Nam, đó là sự ổn định chính trị khác với nhiều nước khác trong khu vực
Chính nỗ lực của Đảng Cộng sản và người dân ủng hộ nỗ lực đó đã hạn chế được những ảnh hưởng của dịch bệnh. Việt Nam là hình mẫu cho nhiều nước trong đó có các nước ASEAN trong công cuộc chiến đấu chống đại dịch. Chính nhờ khẩu hiệu đoàn kết- đại đoàn kết Việt Nam có thể vượt qua được mọi khó khăn do đại dịch gây nên và hiện nay đã có những biện pháp để khắc phục ảnh hưởng đại dịch
PV: Vậy Việt Nam cần làm gì để đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa trong phát triển kinh tế-xã hội, thưa ông?
Ông Grigory Lokshin: Tôi thấy rằng, Việt Nam đang đi trên con đường đúng đắn. Việt Nam đang chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ 13, với các cuộc thảo luận trong các giới khác nhau, trong cộng đồng khoa học, giữa các nhà báo, các nhà trí thức về nhiều vấn đề, tiếp tục phát triển kinh tế như thế nào, xây dựng chủ nghĩa xã hội ra sao với những đặc trưng của Việt Nam.
Theo tôi, rất đơn giản và mục tiêu ấy đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh định hình, đó là Chủ nghĩa xã hội - vì nhân dân ấm no, đất nước giàu mạnh, xã hội văn hóa và văn minh. Bất kỳ người nào ở thế giới nào đều luôn đồng tình với công thức này, bởi vì chủ nghĩa xã hội ấy vì lợi ích của mọi dân tộc.
Vấn đề đối với Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay là củng cố, thanh lọc những tiêu cực như cuộc chiến chống tham nhũng đang tiến hành, đề ra kế hoạch phát triển công nghiệp, nông nghiệp. Tôi nghĩ rằng, trên con đường này, những thành tựu mới, thắng lợi mới đang chờ Việt Nam. Còn chúng tôi với tình cảm lớn, có thể dõi theo việc này và thể hiện sự hiểu biết, ủng hộ của mình.
PV: Xin cảm ơn chuyên gia Grigory Lokshin./.
Từ khóa: chuyên gia Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính sách ngoại giao, đối ngoại
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN