Chưa hết năm học, trường đã thông báo đóng phí giữ chỗ năm sau

Cập nhật: 15/05/2020

VOV.VN - Dù lần đầu đăng ký vào trường, hay đang học tại trường Newton, HS cũng phải đóng phí giữ chỗ từ 5-8 triệu tùy từng hệ, như một khoản "đặt cọc" trước".

Vài năm trước, Hà Nội đã từng rộ lên làn sóng “phí giữ chỗ”, “phí ghi danh” đầu năm học tại các trường tư. Sau khi bị dư luận phản đối và cơ quan quản lý ngành giáo dục chấn chỉnh, các trường buộc phải trả lại khoản phí này cho phụ huynh. Nhưng đến nay, việc này lại được tiếp tục tại trường Tiểu học Newton (Hệ thống trường Liên cấp Newton, Từ Liêm, Hà Nội).

Mới đây, phụ huynh của trường Tiểu học Newton không khỏi thắc mắc khi nhận được thông báo về khoản phí này.

Cụ thể, ngày 2/5, trường Tiểu học Newton đã có văn bản về kế hoạch tuyển sinh bổ sung và thu phí giữ chỗ năm học 2020-2021.

Theo đó, phụ huynh các khối từ lớp 1 đến lớp 5 có nguyện vọng cho con học tiếp tại trường sẽ phải đóng phí giữ chỗ trước ngày 31/5/2020.

chua het nam hoc, truong da thong bao dong phi giu cho nam sau hinh 1
Trường liên cấp Newton cơ sở Hồ Tùng Mậu.

Với hệ A (hệ bán quốc tế), mức phí là 5 triệu đồng, hệ G (quốc tế) là 8 triệu đồng. Sau khi vào năm học, phí này sẽ được trừ vào quỹ phát triển trường và không hoàn lại với những học sinh không theo học tại trường.

“Sau ngày 31/5, nếu quý cha mẹ học sinh không đóng phí giữ chỗ cho con, nhà trường hiểu rằng cha mẹ học sinh không tiếp tục cho con tham gia học tại trường trong năm học 2020-2021 và sẽ tuyển bổ sung học sinh nơi khác vào chỗ đó. Quý cha mẹ học sinh đóng phí giữ chỗ trước ngày 31/5/2020 thì được hưởng ưu đãi giảm 10% phí Quỹ phát triển trường năm học 2020-2021”, thông báo của trường nêu rõ.

Đồng thời, trường cũng thông báo, từ năm học 2020-2021, khi xảy ra các trường hợp bất khả kháng, phải thay đổi hình thức dạy học cho học sinh thì nhà trường sẽ thu đủ 10 tháng học phí như đã niêm yết để đảm bảo chất lượng dạy học, đảm bảo chương trình năm học, đảm bảo việc vận hành ổn định hệ thống giáo dục của nhà trường.

chua het nam hoc, truong da thong bao dong phi giu cho nam sau hinh 2
Thông báo của nhà trường về việc thu phí giữ chỗ.

Trước thông báo này, chị T.T.T, có con đang theo học tại trường cơ sở Hồ Tùng Mậu cho rằng trường thu phí giữ chỗ với cả những học sinh đang học tại trường là điều “không bình thường”. Dù không đồng tình, nhưng do nhà gần trường, tiện đưa đón, nên chị T.T.T vẫn chấp nhận khoản phí trên. “Ai cũng có thể nhận thấy rằng trong giáo dục, việc tạo niềm tin về chất lượng dạy và học quan trọng hơn nhiều việc thu phí giữ chỗ. Nếu học không tốt, năm sau tôi vẫn sẵn sàng mất 5 triệu để cho con chuyển trường, vì số tiền này không mua lại được 1 năm học của con. Đến giờ chất lượng giáo dục của trường vẫn chưa thực sự khiến phụ huynh yên tâm. Nhiều bài tâp về nhà của con đôi khi còn sai”.

Phụ huynh này cũng cho biết, nhà trường không hề thỏa thuận trước với phụ huynh về khoản phí này.

Chị P.M.T, hiện có con đang theo học lớp 2, hệ A tại trường Tiểu học Newton cơ sở Hồ Tùng Mậu cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh, toàn xã hội đều đang gặp khó khăn, khoản thu này sẽ có thể quá sức với nhiều phụ huynh, nhà trường không nên thu trong thời điểm này.

“Nếu trường khiến phụ huynh tin tưởng vào chất lượng giáo dục thì việc theo học lâu dài và điều đương nhiên. Việc tạo niềm tin, nâng cao chất lượng quan trọng hơn phí giữ chỗ rất nhiều”, chị P.M.T cho biết.

Có hay không, khoản phí “giữ chỗ”?

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng phòng Luật sư Chính pháp (Hà Nội)cho rằng, phí ghi danh, phí giữ chỗ, phí nhập học, phí tuyển sinh,… là tên gọi của những khoản tiền khác nhau mà các bậc phụ huynh phải nộp khi đăng ký cho con mình học tại một số trường ngoài công lập, các trường quốc tế.

Tùy vào cách gọi, các trường sẽ đưa ra những loại phí khác nhau ở các mức thu khác nhau. Thông thường khi thông báo tuyển sinh, ngoài tiền học phí và quỹ xây dựng trường, các trường còn thông báo những khoản đóng góp thêm như: phí ghi danh, phí giữ chỗ, đặt cọc, tiền hỗ trợ đầu tư phát triển nhà trường,… những khoản này có thể được hoàn lại hoặc không hoàn lại nếu học sinh rút hồ sơ tùy theo quy định cụ thể của từng trường.

Việc hoàn lại có thể cũng phải kèm theo một số điều kiện về việc thông báo hoặc có lý do chính đáng. Theo nhà trường thì việc thu phí này là thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh, phụ huynh đồng ý với điều kiện của nhà trường và tự nguyện nộp. Nhưng thực tế các phụ huynh đều phản ánh rằng đây là một hình thức thu phí “tự nguyện kiểu ép buộc”. Bởi phụ huynh chấp nhận nộp tiền nhưng không có nghĩa là họ tự nguyện, mà bởi vì cực chẳng đã, nếu không nộp thì họ không đăng ký được cho con vào học. Khoản thu này thực tế là thỏa thuận, nhưng lại đánh vào tâm lý, nhu cầu cấp bách cần tìm trường cho con học của phụ huynh nên phụ huynh rất khó từ chối nộp.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật Kết nối (Hà Nội) cũng cho biết, trong Luật Giáo dục không có bất cứ quy định nào về “phí giữ chỗ”.

Bản chất số tiền giữ chỗ mà phụ huynh phải đóng là tiền đặt cọc để có được lợi ích của trường.

“Theo như thông báo của trường Newton thì rõ ràng nếu như phụ huynh học sinh không đóng phí giữ chỗ thì “Nhà trường hiểu rằng cha mẹ học sinh không tiếp tục cho con tham gia học tại trường trong năm học 2020-2021 và sẽ tuyển bổ sung học sinh nơi khác vào chỗ đó”. Như vậy, đây hoàn toàn là hành vi ép buộc “trên tinh thần tự nguyện” của phụ huynh học sinh. Các phụ huynh sẽ phải chấp nhận nộp tiền, nếu không đóng tiền thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền được học tập, giáo dục của con, bị cho thôi học để tuyển học sinh từ nơi khác vào học tập thay cho con”, Luật sư Hùng cho biết.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, việc đóng phí này là vô lý, Điều 99 Luật giáo dục năm 2019 quy định: “Học phí là khoản tiền người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo. Mức học phí được xác định theo lộ trình bảo đảm chi phí dịch vụ giáo dục, đào tạo do Chính phủ quy định; đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục đại học.

Đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập được tự quyết định mức thu học phí theo khoản 3 Điều 3 Nghị định 86/2015/NĐ-CP.

Tuy nhiên tại khoản 2 Điều 14 Nghị định này có quy định: “Cơ sở giáo dục ngoài công lập sử dụng học phí theo quy định của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường”.

Căn cứ quy định tại Điều 14 Nghị định 69/2008/NĐ-CP về Nguồn thu của cơ sở thực hiện xã hội hóa: “Cơ sở thực hiện xã hội hóa được tự quyết định mức thu trên cơ sở đảm bảo trang trải chi phí cần thiết cho quá trình hoạt động và có tích lũy để đầu tư phát triển”.

Theo các quy định này, học sinh sẽ phải đóng học phí để đảm bảo chi trả cho hoạt động giáo dục đào tạo. Tuy nhiên việc đưa ra “phí giữ chỗ” đối với phụ huynh học sinh của trường Newton là khiên cưỡng, không có bất cứ quy định nào về loại phí này. Nếu đã là phí để xây dựng trường thì đó là phí xây dựng. Không được đánh đồng các loại phí này với nhau.

“Qua đó, việc đưa ra các loại phí giữ chỗ này không những không đúng quy định của pháp luật mà còn làm xấu hình ảnh của giáo dục trong mắt học sinh, phụ huynh. Các trường nên giữ học sinh bằng chất lượng đào tạo, chứ không phải tự đặt ra các khoản phí rồi yêu cầu học sinh và phụ huynh phải làm theo, nếu đã là tự nguyện thì hãy thu trên tinh thần tự nguyện chứ không phải là phải đóng tiền mới được học tiếp”, Luật sư Hùng cho biết./.

Từ khóa: phí giữ chỗ, trường Tiểu học Newton, học sinh, đặt cọc, năm học mới

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập