Chú trọng tiêu dùng nội địa giúp doanh nghiệp vượt qua Covid-19
Cập nhật: 27/02/2021
Australia doanh nghiệp không có khả năng thanh toán tăng cao
FRISO GOLD PRO 100% nhập khẩu từ Hà Lan đã có mặt tại Đà Nẵng
VOV.VN - Chú trọng vào thị trường nội địa với 100 triệu dân sẽ trợ giúp của các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Dịch bệnh hoành hành khiến cho giao thương hàng hóa bị tắc nghẽn, điều này đã tác động mạnh đến hoạt động xuất, nhập khẩu. Theo các chuyên gia và nhiều doanh nghiệp (DN), việc chú trọng vào thị trường nội địa với 100 triệu dân là một trong những yếu tố quan trọng, giúp các DN vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Doanh nghiệp chuyển hướng tiêu thụ sản phẩm
Đại diện một DN chuyên xuất khẩu cà phê ở Hà Nội cho biết, từ thời điểm dịch bệnh Covid-19 xuất hiện trở lại, các thị trường mà DN này xuất khẩu hàng hóa chủ yếu lại đang là những “điểm nóng” của dịch bệnh như Mỹ, châu Âu... cho nên việc giao thương, ký kết các hợp đồng mới hầu như không được thực hiện, khiến DN đứng trước vô vàn khó khăn.
Tuy nhiên, ngay trong lúc gian nguy nhất, DN đã nhận ra rằng, cần phải tập trung nghiên cứu và khai thác thị trường trong nước, đây chính là mảnh đất màu mỡ để các DN nội mở rộng thị phần, thay vì phải khó khăn khi đi khai thác thị phần xa trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp.
Với chiến lược đưa sản phẩm chinh phục thị trường trong nước, DN chuyên xuất khẩu cà phê này tiếp tục nghiên cứu tâm lý, thói quen tiêu dùng của người dân Việt mà trước đến nay còn bị bỏ ngỏ. Đại diện DN cà phê nhận ra rằng, chính nhu cầu của người tiêu dùng trong nước cũng rất khắt khe, đòi hỏi các sản phẩm đến tay họ phải thật đẹp từ bao bì đến chất lượng, rõ ràng xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm…
“Từ việc nắm rõ được tâm lý, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước, DN đã có kế hoạch thay đổi khẩu vị, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm cũng như chú trọng mẫu mã và cách tiếp thị nên dần dần các sản phẩm cà phê của DN đã từng bước được người tiêu dùng đón nhận”, ông chủ DN cà phê cho biết.
Không chỉ là hàng hóa tiêu dùng, nhiều DN trước đây từng chú trọng xuất khẩu những mặt hàng chủ lực của Việt Nam nay cũng hướng về thị trường nội địa khi đại dịch Covid -19 hoành hành.
Tập đoàn Minh Phú thời gian qua vốn nổi tiếng với các sản phẩm thủy sản xuất khẩu đến các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản... thế nhưng dịch bệnh khiến hàng hóa không thể tiêu thụ, lưu thông được. Tập đoàn này đã quyết định hướng mạnh vào thị trường nội địa bằng những sản phẩm thủy sản thế mạnh được chế biến phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Việt Nam.
Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB), thị trường nội địa Việt Nam đang phát triển có thể bổ sung một phần, thậm chí đối trọng với thị trường nước ngoài. Hiện, khoảng 1/6 dân số Việt Nam đã gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu với chi tiêu bình quân đầu người hơn 15 USD/ngày.
“Nếu duy trì được tốc độ hiện tại, mỗi năm Việt Nam sẽ có thêm 1 triệu người tham gia nhóm tiêu dùng này”, WB cho hay đồng thời đánh giá, tầng lớp trung lưu mới nổi sẽ không chỉ tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ nhiều hơn mà còn yêu cầu chất lượng sản phẩm, dịch vụ tốt hơn. Điều này đòi hỏi các DN cần phải nâng cao năng lực sản xuất để nâng chất sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, như vậy mới có thể cạnh tranh được với hàng hóa nước ngoài.
Giảm thiểu trung gian trong phân phối nội địa
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để kích cầu nội địa trong dịch Covid-19 cần phải phát huy những tiềm năng vốn có của thị trường nội địa. Nhất là khi các kênh thương mại truyền thống chưa được quan tâm đúng mức, cùng lúc phải cạnh tranh một cách quyết liệt với kênh thương mại hiện đại của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú chỉ rõ, muốn phát triển thị trường nội địa, kích cầu tiêu dùng cá nhân trước hết cần phải phải tạo công ăn việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống của người lao động trong toàn xã hội. Muốn tăng sức mua xã hội cần phải tăng cung hàng hóa có chất lượng, có giá cả cạnh tranh, mẫu mã hàng hóa đa dạng phong phú, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
“Sản xuất và phân phối nhất thiết phải lập được các chuỗi hoạt động một cách hiệu quả, lợi nhuận của từng khâu trong chuỗi phải được xác định hợp lý nhằm kích thích chuỗi phát triển bền vững. Hàng hóa sản xuất phải đi thẳng từ sản xuất đến bán lẻ, vừa giảm khâu trung gian, giảm chi phí, hạ giá thành và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt ở thị trường nội địa”, ông Phú nói.
Ngoài ra, muốn kích cầu thị trường nội địa, theo ông Vũ Vinh Phú, cần phải xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối quốc gia, bao gồm các vùng sản xuất tập trung theo thế mạnh. Đi đôi với các trung tâm dự trữ hàng hóa, nhà máy chế biến, hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics,… cần sớm thiết lập hệ thống các chợ đầu mối nhằm đảm bảo cho hàng hóa được giao dịch một cách công khai, minh bạch trên thị trường.
Nhận định về tầm quan trọng của thị trường nội địa trong bối cảnh hiện nay, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với chặng đường hơn 10 năm qua đã thực sự lan tỏa, phần lớn người Việt vẫn lựa chọn kênh phân phối truyền thống, đó chính là thế mạnh của các DN, từ đó khẳng định vị trí của mình trên sân nhà.
“Để khai thác tốt thị trường nội địa trong bối cảnh “bình thường mới” khi dịch bệnh được đẩy lùi, bản thân mỗi DN cần phải chủ động hơn trong việc xây dựng thương hiệu hàng hóa, tạo niềm tin cho người tiêu dùng cũng như tiếp cận nhanh nhất với thương mại điện tử, 4.0...”, TS. Võ Trí Thành nêu quan điểm./.
Từ khóa: hàng hóa tiêu dùng, phân phối hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm, thị trường trong nước, thị trường nội địa
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN