Chủ tịch Quốc hội: Xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo với chất lượng cao nhất

Cập nhật: 1 giờ trước

VOV.VN - Nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, chiều tối nay, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt ĐBQH là nhà giáo, nguyên là nhà giáo cán bộ quản lý giáo dục.

Dự buổi gặp mặt có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân. Cùng dự có các Phó chủ tịch Quốc hội; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố. Đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; các ĐBQH là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. 

Các ĐBQH là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã có đóng góp lớn trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn  bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nói chung, các đại biểu Quốc hội hiện đang công tác trong ngành giáo dục nói riêng đạt nhiều thành tựu mới trong sự nghiệp trồng người; chúc sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước nhà ngày càng phát triển.

Nhắc lại khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: "nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang"; “không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục - không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế - văn hóa”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm trong các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo. Nhiều chủ trương, chính sách chăm lo, phát triển đội ngũ nhà giáo đã được ban hành và tổ chức thực hiện trong thực tế. 

Đặc biệt buổi sáng hôm nay, Quốc hội cũng đã tiến hành thảo luận ở hội trường về Luật Nhà giáo với nhiều ý kiến thể hiện sự tri ân, ghi nhận, tôn vinh, tôn trọng với những quy định mới tốt hơn đối với nhà giáo.

Cùng với sự chăm lo của cả hệ thống chính trị và sự quan tâm của toàn xã hội, đội ngũ nhà giáo đã có bước phát triển lớn mạnh, với nhiều nhà giáo giỏi, tận tâm với nghề. Các thế hệ thầy giáo, cô giáo đã nỗ lực, sáng tạo đóng góp to lớn cho sự nghiệp "trồng người", nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Nhiều thầy giáo, cô giáo đã hy sinh tuổi thanh xuân, công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên cương, hải đảo. 

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ xúc động nhắc lại trong cơn bão số 3 vừa qua, khi chứng kiến các thầy cô giáo đã không quản hiểm nguy, vượt qua lũ dữ, khu vực sạt lở, kiên trì bám trụ, bảo đảm an toàn cho các em học sinh. 

Chủ tịch Quốc hội Quốc Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, với sự tâm huyết, yêu nghề và am hiểu thực tiễn sâu sắc, các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã có đóng góp lớn trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng, giám sát tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo. 

Đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã từng bước được hoàn thiện, bao quát những vấn đề cốt lõi, cần thiết nhất, tạo hành lang pháp lý cho việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Hoạt động giám sát về giáo dục và đào tạo được Quốc hội chú trọng  thường xuyên. Kết quả giám sát đã cung cấp thông tin quan trọng, phục vụ trực tiếp cho công tác thẩm tra các dự án luật; kịp thời chấn chỉnh những bất cập, hạn chế và đưa ra những quyết sách quan trọng, giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Thay mặt Ủy ban TVQH, Chủ  tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, biểu dương và trân trọng cảm ơn về những đóng góp to lớn của các thế hệ thầy giáo, cô giáo cả nước, đặc biệt là 115 đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục của nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15. 

Có chính sách đặc thù, vượt trội để tôn vinh, bảo vệ nhà giáo

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tự hào về những đóng góp to lớn của đội ngũ nhà giáo, nhưng cũng không khỏi trăn trở khi việc thể chế hoá một số chủ trương của Đảng về nhà giáo chậm được ban hành; hệ thống pháp luật có liên quan tới nhà giáo còn rườm rà, phức tạp với 248 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới nhà giáo đã được ban hành và đang có hiệu lực pháp lý.  

Chính sách chăm lo, phát triển cho đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên công tác ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn còn nhiều bất cập. Tình trạng giáo viên xin nghỉ việc có xu hướng tăng. Các điều kiện bảo đảm cho nhà giáo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn còn hạn chế. Tính riêng trong giáo dục phổ thông, cả nước còn hơn 59.500 phòng học chưa được kiên cố hóa; thiếu 63.920 phòng học bộ môn. 

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong gia đoạn tới, chất lượng của nguồn nhân lực tiếp tục đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chăm lo, phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng về số lượng, chất lượng và cơ cấu là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi các biện pháp vừa cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài. 

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan có liên quan, các địa phương tập trung xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo với chất lượng cao nhất, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng; chính sách đặc thù, vượt trội để tôn vinh, bảo vệ nhà giáo; tạo môi trường thuận lợi để nhà giáo làm việc, khuyến khích sự sáng tạo trong hoạt động nghề nghiệp, phát triển chuyên môn nghiệp vụ; bảo đảm đời sống để nhà giáo yên tâm công tác, toàn tâm toàn ý cống hiến cho nghề. Tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về nhà giáo; chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, công bằng. Quan tâm đào tạo thầy giáo, cô giáo tốt để có trò tốt. Phối hợp giữa nhà trường, xã hội để làm sao có một thế hệ học sinh tương lai. Bởi đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển. 

Chủ tịch Quốc hội cũng mong muốn mỗi thầy giáo, cô giáo sẽ luôn là tấm gương sáng về đạo đức, ứng xử văn hóa; nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, tâm huyết, trách nhiệm, yêu nghề, thương trò; không ngừng nỗ lực trau dồi nâng cao trình độ chuyên môn.

Đặc biệt, quán triệt tinh thần phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ngày 18/11 vừa qua là: mục tiêu cao nhất hiện nay phải tập trung thực hiện bằng được "hoàn thành sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo, hoàn thành mục tiêu tạo nguồn nhân lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc trong nhiệm kỳ Đại hội 14 của Đảng".  

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, với kinh nghiệm thực tiễn, tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nghề, các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục sẽ tiếp tục đóng góp hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục, đào tạo; giám sát việc tổ chức thực hiện của hệ thống chính quyền các cấp cũng như đóng góp vào các quyết định quan trọng của đất nước.

 Trước đó phát biểu tại cuộc gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, cuộc gặp mặt là sự kiện có ý nghĩa khích lệ, động viên rất lớn đối các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đại diện cho khoảng 1,6 triệu nhà giáo, đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Quốc hội đối với đội ngũ nhà giáo và ngành Giáo dục nói chung.

Để đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân theo quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, trong những năm qua, ngành giáo dục đã không ngừng nỗ lực, vượt qua các khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển và bảo vệ đất nước.

Bộ trưởng cho biết, sau khi Dự thảo Luật Nhà giáo được trình bày tại Quốc hội đã nhận được sự động viên rất tích cực từ lãnh đạo Đảng, nhà nước. Đặc biệt có nhiều ý kiến của các ĐBQH trao đổi và tranh luận, thể hiện tinh thần xây dựng, ủng hộ, chăm lo, tôn vinh đối với các thầy giáo, cô giáo để phát triển lực lượng nhà giáo, qua đó để phát triển ngành giáo dục nói riêng, phát triển đất nước nói chung.

Từ khóa: Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Ngày nhà giáo Việt Nam, Luật nhà giáo

Thể loại: Nội chính

Tác giả: lê tuyết/vov

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập