Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo thúc đẩy các dự án cao tốc tại ĐBSCL
Cập nhật: 1 giờ trước
VOV.VN - Chiều nay (20/11), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc với 13 tỉnh, thành ĐBSCL về việc thúc đẩy các dự án đường cao tốc khu vực ĐBSCL.
Theo Bộ Giao thông vận tải, khu vực ĐBSCL đang triển khai 4 dự án đường bộ cao tốc, trọng điểm gồm cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh; cao tốc Cao Lãnh - An Hữu; cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau và Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Trong 3 dự án đang tổ chức thi công có 2 dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025, gồm dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau và dự án thành phần 1 Cao Lãnh - An Hữu. Riêng Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026, đưa vào khai thác sử dụng năm 2027.
Về Công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án cao tốc cơ bản đáp ứng tiến độ triển khai thi công, cụ thể: Dự án Cần Thơ - Cà Mau đạt 99,9%; Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đạt 99%; Dự án Cao Lãnh - An Hữu đạt 100%.
Đối với nguồn vật liệu đắp nền đường, đến nay, đã xác định nguồn cung ứng vật liệu cát đắp nền đường với tổng trữ lượng khoảng 56,75 triệu m3/54,45 triệu m3 cho 4 dự án. Trong đó: đã đủ điều kiện khai thác khoảng 38,4 triệu m3, đang hoàn thiện thủ tục cung ứng cho 18,35 triệu m3 và chưa xác định được nguồn 7,45 triệu m3.
Cũng theo Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải mặc dù trữ lượng cơ bản đáp ứng nhưng công suất khai thác của các mỏ cát còn hạn chế, chưa đáp ứng tiến độ thi công.
"Một số mỏ tại tỉnh Đồng Tháp cung ứng cho Dự án Cần Thơ - Cà Mau) phải dừng nên không đảm bảo khối lượng (còn 0,476 triệu m3 chưa thể khai thác). Tỉnh An Giang triển khai dự án nạo vét sông Vàm Nao để sử dụng khoáng sản thu hồi cung ứng cho dự án Cần Thơ-Cà Mau nhưng đã phải dừng khai thác do hết công suất. Các dự án nạo vét có thể tăng năng suất khai thác, còn 0,63 triệu chưa thể khai thác, đã dừng 6/9 mỏ từ cuối tháng 10.2024 do hết trữ lượng khai thác, chất lượng một số mỏ không đáp ứng, một số mỏ khai thác quá độ sâu hoặc có nguy cơ sạt lở bờ sông", Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn nói.
Ngoài ra, nhiều mỏ tại tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng khi khảo sát, đánh giá chất lượng, trữ lượng không đáp ứng yêu cầu, phải tìm kiếm các mỏ khác thay thế ảnh hưởng đến tiến độ cấp mỏ. Các mỏ cát sông thuộc tỉnh Sóc Trăng có đủ trữ lượng nhưng công suất khai thác rất hạn chế, cần chủ động sử dụng cát biển để giảm áp lực nguồn cát sông….
Bộ Giao thông vận tải kiến nghị các địa phương tháo gỡ vướng mắc, hoàn thành thủ tục cấp phép các mỏ đã đủ thủ tục để cung ứng cho các dự án; nâng công suất các mỏ theo đúng thời gian được duyệt...
Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương cũng đã báo cáo tình hình chậm tiến độ thi công và nêu nhiều kiến nghị để Trung ương xem xét tháo gỡ.
Ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, qua khảo sát ban đầu, tỉnh có 8 mỏ cát có thể khai thác, tuy nhiên khi đánh giá lại 4 mỏ cát không đảm bảo trữ lượng, chất lượng. Đối với khai thác cát biển, hiện nay, chưa có ranh giới chính thức trên biển giữa tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Trà Vinh, nên việc giao mỏ cát biển tại Tiểu khu B1.3 cho nhà thầu thi công còn gặp khó khăn.
"Tôi xin kiến nghị với Phó Thủ tướng, đây là việc chung của cả nước, trước mắt chưa xác định được ranh giới, phạm vi, quản lý vùng biển, cho nên đề nghị cho Sóc Trăng đã làm thủ tục rồi khai thác để phục vụ cho các yêu cầu của các công trình trọng điểm. Sau khi xác định rõ, nếu vùng này của Trà Vinh thì chúng tôi sẽ bàn giao cho Trà Vinh tiếp tục khai thác", ông Lâm Hoàng Nghiệp nói.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao sự nỗ lực, quyết liệt, trách nhiệm của các địa phương trong triển khai các dự án trọng điểm. Đồng thời nhấn mạnh, đây đều là dự án đặc biệt quan trọng tác động mạnh đến phát triển kinh tế-xã hội của khu vực và của đất nước.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo các bộ, ngành, các địa phương, ban quản lý dự án, nhà thầu cùng phối hợp tháo gỡ nhanh những khó khăn vướng mắc để cùng đẩy nhanh tiến độ thi các dự án. Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các địa phương xác định nhu cầu vật liệu san lấp, đồng thời dựa trên thực tế xác định phạm vi đánh giá lại toàn bộ tài nguyên cát sông và cát biển tại ĐBSCL. Bộ xây dựng rà soát lại tất cả các quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với vật liệu phục vụ, ứng dụng cho mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực san lấp, …
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, cần phối hợp với các địa phương xác định nhu cầu vật liệu san lấp, đồng thời dựa trên thực tế xác định phạm vi đánh giá lại toàn bộ tài nguyên cát sông và cát biển. Cát biển hiện nay đã Bộ Tài nguyên và môi trường có cấp cho Sóc Trăng, chỉ có điều nằm ở ranh giới giữa Sóc Trăng và Trà Vinh thì cái này chúng tôi đang nợ, chúng tôi cũng xin các đồng chí cho tôi về sẽ chỉ đạo Bộ nội vụ, Tài Nguyên và môi trường cố gắng trong quý 1 năm sau làm xong việc này.
Bên cạnh đó, để xử lý nút thắt về giá cung cấp cát từ các mỏ thương mại cho dự án cao tốc, Phó Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp khai thác, nhà thầu, địa phương, các Bộ, ngành cùng làm việc, thống nhất về giá cát với phương châm "Lợi ích hài hòa, khó khăn thì chia sẻ".
Từ khóa: cao tốc, cao tốc, Trần Hồng Hà, dự án cao tốc
Thể loại: Nội chính
Tác giả: thạch hồng/vov-đbscl
Nguồn tin: VOVVN