Chủ tịch Quốc hội: Hoạt động của HĐND vừa truyền cảm hứng, vừa giữ lửa
Cập nhật: 22/02/2023
Tổ chức thành công Đại hội Chi bộ Tàu Cảnh sát biển 3008
Mua Krab và K9A1, Ba Lan có lực lượng pháo binh cơ động lớn nhất châu Âu
VOV.VN - Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023, công tác giám sát của Thường trực HĐND cấp tỉnh, thành phố được cho là đã có nhiều đổi mới theo hướng thực chất hơn khi có Nghị quyết số 594 của UBTVQH.
Nghị quyết số 594 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tạo chuyển biến, chuẩn hóa, theo hướng đồng bộ
Phát biểu tham luận tại hội nghị, đa số các đại biểu đều nhấn mạnh, Nghị quyết số 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND các cấp là cơ sở pháp lý rất quan trọng, thiết thực nhằm tạo chuyển biến, chuẩn hóa, theo hướng đồng bộ, hiệu quả hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử.
Theo Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Thường trực HĐND thành phố đã thường xuyên nghiên cứu, tiếp thu các kinh nghiệm, cách làm hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tham khảo cách làm của một số tỉnh, thành phố để tiếp tục đổi mới, cải tiến hoạt động giám sát theo hướng bản lĩnh, thẳng thắn, thực chất, khoa học, hiệu quả, bám sát các quy định của luật và tình hình thực tiễn của thành phố để giải quyết các vấn đề.
Cụ thể, Hà Nội đã ban hành quy định về các chế tài trong thực hiện kết luận giám sát, đây là thực tiễn đặt ra để xem xét chuyển cơ quan chức năng như thanh tra, ủy ban kiểm tra và các cơ quan điều tra xem xét, xử lý với các vi phạm nghiêm trọng. Việc thực hiện các kết luận giám sát cũng là tiêu chí để cơ quan tổ chức xem xét, đánh giá cán bộ và xét thi đua, khen thưởng. Vì thế, việc thực hiện chế tài là nội dung hết sức quan trọng.
Từ thực tiễn công tác, theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan, thực hiện điểm mới của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là Ủy ban thường vụ Quốc hội đã sớm ban hành và tổ chức hội nghị triển khai chương trình giám sát của Quốc hội. Trên cơ sở đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức triển khai kế hoạch giám sát đến Thường trực Hội đồng nhân dân các ban của Hội đồng nhân dân và các ngành. Đây là một kinh nghiệm rất thiết thực hiệu quả thể hiện sự cùng vào cuộc với tinh thần chủ động từ sớm của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, trong việc triển khai các hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội.
Bà Hoàng Thị Thúy Lan đề nghị: "Sau khi kết thúc hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, đề nghị Đoàn giám sát và các cơ quan liên quan gửi cho HĐND cấp tỉnh, các nghị quyết, các báo cáo kết quả giám sát, để tỉnh vừa tổ chức triển khai thực hiện theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị của Đoàn giám sát tại địa phương, vừa để HĐND tỉnh nghiên cứu tiếp thu học tập kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động giám sát chuyên đề tại địa phương. Thứ hai, khi các đoàn giám sát của Quốc hội yêu cầu cả ba cơ quan của địa phương báo cáo, nên giao cho một đầu mối là đoàn đại biểu Quốc hội theo dõi, đôn đốc các cơ quan, địa phương triển khai gửi báo cáo đúng thời hạn, đồng thời việc xác định thời hạn báo cáo cần linh hoạt phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương".
Tăng thêm tiếng nói đại diện của người dân ở các địa phương trong HĐND các cấp
Trăn trở về việc tiếp xúc cử tri còn nhiều lối mòn, trùng lắp, Bí thư Tỉnh ủy Long An, Chủ tịch HĐND Nguyễn Văn Được nêu một thực tiễn trong việc tiếp xúc cử tri, đó là, trước đây, việc tổ chức các cuộc tiếp xúc của các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện, xã tổ chức riêng lẻ. Như vậy, cử tri phải tham dự 3,4 lần và chính quyền địa phương cũng phải tổ chức 3, 4 cuộc. Điều này đã đẩy các chi phí khác gia tăng.
"Nhiệm kỳ này, thường trực HĐND tỉnh Long An quyết định lồng ghép các cuộc tiếp xúc cử tri. Như vậy, sẽ giải phóng được chi phí cơ hội và đỡ tốn nhiều thời gian. Điều này đã được cử tri trong tỉnh đồng tình. Đặc biệt, thành phần tiếp xúc cử tri là các cơ quan chính quyền người địa phương, các cơ quan sở tại buộc phải là Thủ trưởng hoặc tối thiểu là Phó Thủ trưởng dự và nghe tiếp xúc cử tri, để những vấn đề cử tri đề nghị có thể trả lời được và giải quyết được ngay tại hội nghị thì chỉ đạo triển khai. Những vấn đề gì còn phải tiếp thu, trao đổi, sẽ có văn bản trả lời sau", ông Được cho biết.
Dưới một góc nhìn khác, Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi cho biết, trong nhiệm kỳ 2021-2026, thành phố Đà Nẵng thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị theo Nghị quyết của Quốc hội, theo đó, 8 quận và 45 phường trên địa bàn thành phố không còn tổ chức hội đồng nhân. Vì thế, công tác tiếp xúc cử tri trong điều kiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị cũng được đổi mới và nâng cao chất lượng theo hướng tăng cường tiếp xúc cử tri chuyên đề.
Vì thế, theo bà Nguyễn Thị Anh Thi, công tác tiếp xúc cử tri trong điều kiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị cũng được đổi mới. Nổi bật là Thường trực HĐND thành phố tổ chức có hiệu quả 3 Chương trình “HĐND với cử tri”. Qua đó, nhiều vấn đề bất cập, các vụ việc nổi cộm trên địa bàn thành phố được kịp thời xử lý, khắc phục sớm, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân Thành phố.
Từ thực tiễn và những vấn đề mới đặt ra đối với hoạt động khi thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, Thường trực HĐND thành phố Đà Nẵng kiến nghị, đề xuất đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng thêm số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND thành phố Đà Nẵng theo hướng tăng thêm số lượng Ủy viên chuyên trách của các Ban HĐND thành phố; đồng thời quan tâm phân bổ thêm cho thành phố biên chế công chức để HĐND, tăng nguồn lực cho cơ quan giúp việc nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 119 của Quốc hội.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định ông Hồ Quốc Dũng đề xuất: "Chúng ta có thể không tăng nhiều đại biểu hoạt động chuyên trách, ảnh hưởng đến nguồn ngân sách nhưng có thể tăng đại biểu hoạt động không chuyên trách để tăng thêm tiếng nói đại diện của người dân ở các địa phương. Cùng với đó cần có đề án để nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, đặc biệt là HĐND cấp tỉnh, các ban của Hội đồng".
Cũng trong ngày hôm nay, các đại biểu đã có những tham luận trong hoạt động tiếp công dân, tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; công tác chuẩn bị cho kỳ họp; những kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND chuyên trách.
HĐND tổ chức thực hiện Quy định số 96 của Bộ Chính trị nghiêm túc, tránh hình thức, chiếu lệ
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, năm 2022, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nước ta đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ với kết quả khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật. Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, HĐND các cấp tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cả về công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và của các địa phương; tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển, thực hiện các đột phá chiến lược, rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, khơi thông, giải phóng các nguồn lực và tạo động lực mới cho thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…..
"Có làn gió tươi mới trong hoạt động của HĐND các cấp, các vùng miền. Đổi mới hoạt động cơ quan dân cử nói chung là ý Đảng lòng dân, thì năm nay có được càng vững chắc hơn. Nhiều bài học quý cách làm hay, số tỉnh thành có điểm nhấn trong hoạt động ngày càng nhiều lên. Chất lượng hiệu quả được nâng lên lên rõ rệt. Bám sát nhu cầu thực tiễn, thiết thực hơn, trách nhiệm hơn, không phân biệt cơ quan trong hệ thống chính trị, tất cả vì mục tiêu chung cho sự phát triển. Làn gió này có tính chất lan toả, vừa truyền cảm hứng, vừa giữ lửa cho hoạt động của Hội đồng nhân dân", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Điểm lại những hoạt động nổi bật của HĐND các tỉnh, thành phố năm 2022, từ diễn đàn này, thay mặt UBTV Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội biểu dương những nỗ lực, đổi mới và các kết quả cơ bản, nổi bật của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc giám sát hoạt động của HĐND, đặc biệt là giám sát trong các văn bản quy phạm pháp luật, kỷ luật kỷ cường tài chính ngân sách, giải ngân thấp và vai trò của HĐND trong phòng chống tham nhũng.
Trên cơ sở thành tựu và bài học năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị HĐND các tỉnh, thành phố thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung để thực thi đồng bộ các chủ trương mới của Đảng, Nhà nước, nhất là các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội các Vùng.
Đặc biệt, HĐND phải giữ vai trò quan trọng trong đổi mới quản trị ở địa phương theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, tập trung quản lý phát triển; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân; góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, khoa học, trong sạch, công khai, minh bạch, tiếp tục nêu cao tinh thần phục vụ Nhân dân và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, từng bước rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường trách nhiệm của HĐND các thành phố trực thuộc Trung ương trong điều kiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị, nhiều nhiệm vụ của HĐND cấp dưới đang dồn lên HĐND cấp tỉnh/thành phố.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yều cầu, HĐND cấp tỉnh nghiên cứu và ban hành các nghị quyết về tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia.
Xây dựng và tổ chức chương trình giám sát năm 2023 phù hợp, chặt chẽ và hiệu quả, làm tốt nhiệm vụ kiểm soát quyền lực ở địa phương, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đặc biệt, năm 2023, Quốc hội và HĐND sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 96 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.
"Đề nghị HĐND tổ chức thực hiện tốt Quy định số 96, các văn bản của Quốc hội, UBTVQH với nhận thức việc lấy phiếu tín nhiệm là công tác trọng tâm của nhiệm vụ trọng tâm, từ đó, xây dựng kế hoạch và các giải pháp khả thi, cụ thể để tiến hành nghiêm túc, tránh hình thức, chiếu lệ", Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm, năng lực, uy tín của đại biểu HĐND các cấp gắn chặt với nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ đại biểu HĐND. Đây là công việc quyết định thành bại. Đề nghị Thường trực HĐND các địa phương cần bám sát chỉ đạo của cấp ủy Đảng, soát xét tổng thể phương hướng nhân sự đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2026-2031, tiếp tục đổi mới công tác quy hoạch đại biểu chuyên trách nhằm xây dựng đội ngũ đại biểu kế cận thật sự coi trọng chất lượng với cơ cấu. Đổi mới cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động của các đại biểu HĐND; xử lý nghiêm các trường hợp sa sút về phẩm chất chính trị, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật, không còn xứng đáng với sự tin tưởng của cử tri và Nhân dân địa phương./.
Từ khóa: tổng kết công tác HĐND, tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân, đại biểu HĐND chuyên trách
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN