Chủ tịch Quốc hội dự Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2020
Cập nhật: 07/01/2020
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai
Tổng kiểm kê tài sản công để khai thác hiệu quả các nguồn lực của đất nước
VOV.VN -Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ngành tòa án, tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
Sáng 6/1, tại Hà Nội, Tòa án Nhân dân Tối cao tổ chức Hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2020.
Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2020 |
Đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu, quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng xét xử và những kết quả mà ngành tòa án đã đạt được trong năm qua, Chủ tịch Quốc hội nêu 5 điểm nổi bật của tòa án trong năm 2019, trong đó có việc tòa án các cấp đã tập trung mọi nguồn lực, nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án.
Trong bối cảnh số lượng các vụ án Tòa án phải thụ lý mỗi năm tăng trên 10% nhưng phải tinh giản biên chế theo yêu cầu chung, Tòa án nhân dân tối cao đã đề ra 14 giải pháp đột phá và tập trung các nguồn lực triển khai thực hiện. Kết quả là, tỷ lệ giải quyết án đạt cao (gần 90%), chất lượng ngày càng được nâng lên, hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản theo yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội. Trong quá trình xét xử, các Tòa án đã đề cao nguyên tắc tranh tụng, bảo đảm nguyên tắc độc lập xét xử, suy đoán vô tội và các nguyên tắc tố tụng khác.
Trong những năm gần đây chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Các vụ án lớn, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm như các vụ giết người đặc biệt nghiêm trọng, xâm hại tình dục trẻ em, các vụ án ma túy lớn… đã xét xử kịp thời, nghiêm minh, được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Nhiều vụ án đã đi vào lịch sử tố tụng bởi tính chất đặc biệt nghiêm trọng, với số lượng lớn các bị cáo, luật sư, người tham gia tố tụng được triệu tập lên tới hàng trăm người.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao tặng Huân chương lao động hạng Nhất cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. |
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chưa khi nào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh và thu được kết quả nổi bật, rõ nét như hiện nay. Năm 2019, Tòa án các cấp đã đưa ra xét xử 279 vụ với 636 bị cáo phạm các tội tham nhũng, trong đó có nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng và được dư luận xã hội quan tâm như: vụ án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG; vụ án Phan Văn Anh Vũ về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ” xảy ra tại Đà Nẵng và một số địa phương; vụ án Nguyễn Ngọc Sự và đồng phạm về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” v.v.
Việc xét xử với tinh thần là “rõ đến đâu, xử đến đó, không có vùng cấm, không có ngoại lệ bất kể người đó là ai”; kịp thời đưa các vụ án ra xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; tuyên hình phạt công bằng, nghiêm minh đạt mục tiêu trừng trị, giáo dục, răn đe nhưng cũng rất nhân văn, được dư luận xã hội đồng tình và đánh giá cao; khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta
"Điểm sáng trong các phiên tòa xét xử các vụ án tham nhũng vừa qua đó là đã áp dụng đồng bộ các biện pháp để thu hồi triệt để tài sản tham nhũng ngay trong quá trình xét xử. Như vụ án MobiPhone mua 95% cổ phần của AVG, Hội đồng xét xử đã cho tạm dừng phiên tòa, tạo mọi điều kiện để bị cáo nộp lại tài sản tham nhũng, và ngay trước ngày tuyên án, bị cáo đã nộp đủ 66 tỷ đồng tiền nhận hối lộ. Đây là kinh nghiệm rất tốt cho việc xét xử các vụ án tham nhũng thời gian tới. Cùng với đó, Tòa án các cấp qua mỗi vụ án đã chú trọng việc đưa ra các kiến nghị về xây dựng, hoàn thiện pháp luật, quản lý nhà nước, quản lý cán bộ, phòng ngừa và phát hiện vi phạm, tội phạm"- Chủ tịch Quốc hội nói.
Tòa án cũng đã tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động xét xử; tích cực tham gia xây dựng thể chế, tăng cường công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Hội nghị. |
Tòa án nhân dân tối cao đã trình Quốc hội Dự án Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án, đây là một phương thức mới trong giải quyết tranh chấp, khiếu kiện trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc thỏa thuận, tự định đoạt của các bên nhằm giảm tải cho các tòa án. Đây là dự án luật được các đại biểu Quốc hội đồng tình, đánh giá cao.
Tiếp thu ý kiến của Quốc hội, những năm qua, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành nhiều Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn các luật trong lĩnh vực tư pháp, qua đó tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật, góp phần đưa Hiến pháp và pháp luật đi vào cuộc sống. Công tác phát triển án lệ được Tòa án chú trọng. Các án lệ được công bố đã góp phần khắc phục những khiếm khuyết của hệ thống pháp luật, được các chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là các cán bộ tố tụng, giới luật sư đón nhận. Đến nay, đã có hàng trăm bản án áp dụng án lệ để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra…v.v.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội biểu dương những cố gắng, nỗ lực và những thành tích, đóng góp to lớn của tòa án; nhấn mạnh, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân là rất cao quý: bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tòa án Nhân dân Tối cao thực hiện 5 nhiệm vụ, đó là tiếp tục thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội như triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp vừa được ban hành tại Kỳ họp thứ 8. Tiếp tục tham gia tích cực vào việc tổng kết 15 năm thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp của Đảng, đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ cho Chiến lược cải cách tư pháp giai đoạn mới.
"Tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Đây là trách nhiệm chính trị của Tòa án các cấp, của các Thẩm phán trước Đảng, trước Nhân dân. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm của Tòa án các cấp là phải tập trung nâng cao chất lượng xét xử, bảo đảm xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tâm phục, khẩu phục, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Hạn chế đến mức thấp nhất các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán; kiên quyết khắc phục việc để án quá hạn luật định, vi phạm thời hạn tố tụng. Tăng cường xem xét, giải quyết các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm"- Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Đối với việc xét xử các vụ án tham nhũng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, phát huy thành quả và kinh nghiệm vừa qua, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án; áp dụng đồng bộ các biện pháp để có thể thu hồi triệt để tài sản ngay trong giai đoạn xét xử; chú trọng kiến nghị khắc phục những sơ hở của cơ chế, chính sách, sự buông lỏng trong quản lý cán bộ. Đối với việc xét xử các vụ án hành chính, cần đánh giá đầy đủ nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trong xét xử loại án này thời gian qua và có các giải pháp cụ thể khắc phục thời gian tới.
Năm 2020 đất nước có nhiều sự kiện chính trị quan trọng. Trong đó, hệ thống Tòa án nhân dân kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập. Trước những thời cơ và thách thức mới, nhiệm vụ của Tòa án các cấp rất nặng nề. Song với bề dày truyền thống 75 năm xây dựng và trưởng thành, khắc ghi lời dạy của Bác Hồ kính yêu: mỗi cán bộ Tòa án phải thực sự là người “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, phải thực sự “hiểu dân, gần dân, giúp dân và học dân”, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, Tòa án sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và sự kỳ vọng của Nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội chụp ảnh cùng các đại biểu dự hội nghị. |
Từ khóa: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, công tác Tòa án năm 2020, oan sai
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN