Chủ tịch Quốc hội: Bản án nghiêm minh của Toà án là sức mạnh của quyền tư pháp
Cập nhật: 28/10/2020
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Theo Chủ tịch Quốc hội, để làm được điều này, hoạt động Tòa án phải đảm bảo sự bình đẳng trước pháp luật, tính công khai, minh bạch, vô tư, độc lập trong việc ra phán quyết.
Sáng nay (28/10), tại trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao, TP Hà Nội đã diễn ra Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV và kỷ niệm 75 năm truyền thống Tòa án nhân dân; đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Tòa án nhân dân và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho Tòa án quân sự Trung ương. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự và chỉ đạo Đại hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trải qua các thời kỳ cách mạng, công tác của Tòa án đã luôn bám sát và hoàn thành tốt các yêu cầu, nhiệm vụ chính trị đề ra trong các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội. Đặc biệt, trong những năm qua, số lượng các vụ án phải thụ lý tăng mạnh, mỗi năm tăng khoảng 10%, trong bối cảnh phải tinh giản biên chế theo yêu cầu chung, song Tòa án các cấp đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với kết quả là tỷ lệ giải quyết án đạt cao, trên 90%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; chất lượng xét xử không ngừng được nâng lên.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, cải cách tư pháp, Tòa án nhân dân đã tham gia tích cực vào nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế với việc chủ trì soạn thảo và phối hợp soạn thảo trình Quốc hội ban hành nhiều đạo luật quan trọng. Công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật được tăng cường, đạt nhiều kết quả quan trọng. Công tác phát triển án lệ là điểm sáng trong tiến trình cải cách tư pháp, đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xét xử góp phần vào việc áp dụng thống nhất pháp luật.
Những thành tựu mà hệ thống Toà án đạt được trong 75 năm xây dựng và phát triển có sự đóng góp quan trọng từ kết quả của các phong trào thi đua yêu nước đã được phát động thường xuyên, liên tục; là sự tiếp nối truyền thống quý báu được vun đắp bởi nhiều thế hệ cán bộ Toà án qua các giai đoạn phát triển của đất nước.
Cùng với cả nước, 5 năm qua, nhiều Tòa án địa phương, Tòa án quân sự đã sáng tạo, đổi mới cách làm, tổ chức nhiều phong trào thi đua với chủ đề hành động dễ nhớ, dễ thực hiện như: phong trào “2 tăng, 2 giảm, 3 không trong công tác nghiệp vụ”; phong trào “Làm hết việc, không làm hết giờ”; phong trào “Cấp trên nêu gương, đơn vị kỷ cương, cấp dưới tự giác, công tác hiệu quả”; phong trào “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, quyết thắng”; phong trào “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ”; phong trào “Nghĩa tình đồng đội”; phong trào “Tham gia xây dựng nông thôn mới” v.v.
Qua các phong trào thi đua đã có 63 tập thể và 96 cá nhân điển hình tiên tiến được tôn vinh; 19 Thẩm phán mẫu mực, 56 Thẩm phán tiêu biểu và 281 Thẩm phán giỏi được vinh danh; 3 tập thể, cá nhân được tặng thưởng “Huân chương Hồ Chí Minh”; 4 tập thể, cá nhân được tặng thưởng “Huân Chương độc lập”; 172 tập thể, cá nhân được tặng thưởng “Huân chương Lao động”…
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng và biểu dương những nỗ lực, thành tích và đóng góp của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức hệ thống Toà án đã đạt được trong 75 năm phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; chúc mừng các gương điển hình tiên tiến, những Thẩm phán giỏi, Thẩm phán tiêu biểu và Thẩm phán mẫu mực… đại diện xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước Toà án nhân dân giai đoạn 2015-2020.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, trong thời gian tới, nhận thức sâu sắc nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ mới, với vị trí là trung tâm của hệ thống tư pháp, phát huy truyền thống và kinh nghiệm thực tiễn của 75 năm xây dựng và hoạt động, trong những năm tới, phong trào thi đua yêu nước của hệ thống Toà án cần tập trung làm tốt những nội dung như: Tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử; không để xảy ra việc xét xử oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, vì giá trị cốt lõi của Toà án là mang lại lẽ phải, sự công bằng cho xã hội và tạo được niềm tin của người dân vào công lý. Do vậy, bản án nghiêm minh của Toà án chính là sức mạnh của quyền tư pháp, khôi phục các giá trị đã bị xâm phạm, xử lý và phòng ngừa hiệu quả tội phạm, vi phạm và các tranh chấp. Để làm được điều đó, hoạt động Tòa án phải đảm bảo sự bình đẳng trước pháp luật, tính công khai, minh bạch, vô tư, độc lập trong việc ra phán quyết. Đây chính là trách nhiệm chính trị của Toà án, nhất là của đội ngũ Thẩm phán trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Hoạt động tranh tụng trong xét xử và bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự phải được xem là giải pháp căn cơ để chống xét xử oan, sai; việc tăng cường hoà giải, đối thoại trong các vụ việc dân sự, hành chính phải là giải pháp quan trọng để hoá giải các mâu thuẫn, tạo sự đồng thuận trong xã hội; làm tốt công tác giám đốc việc xét xử để kịp thời phát hiện, rút kinh nghiệm, khắc phục những sai sót về nghiệp vụ. Bảo đảmquyền con người, quyền công dân; oan, sai mới được loại trừ và Toà án mới thực sự giữ vị trí là trung tâm của hệ thống tư pháp. Các Toà án cần tiếp tục tổ chức tốt các phong trào thi đua gắn với việc nâng cao chất lượng xét xử, có những giải pháp cụ thể, thiết thực để đạt hiệu quả cao.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, ngành Tòa án phải xây dựng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, Thẩm phán vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sạch về phẩm chất, lối sống, dũng cảm đấu tranh bảo vệ công lý; tinh thông về pháp luật; đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
"Thẩm phán phải là những chiến sỹ kiên trung trên mặt trận đấu tranh bảo vệ pháp chế, bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật; gương mẫu, đi đầu trong thực hiện trách nhiệm nêu gương. Các Toà án phải tăng cường công tác chính trị, tư tưởng; rèn luyện phẩm chất đạo đức để mỗi cán bộ, Thẩm phán luôn nhận thức đầy đủ, rõ ràng trách nhiệm trong thực thi công vụ. Hoạt động trong môi trường xét xử, phán quyết tính đúng sai của các sự kiện pháp lý, cán bộ, Thẩm phán thường xuyên phải đối mặt với những cám dỗ của tiền bạc, vật chất, quyền lực, lợi ích cá nhân. Vì vậy, hơn lúc nào hết, hệ thống Toà án càng phải chăm lo giữ vững bản chất cách mạng và tính tiên phong của Đảng; tuyệt đối không để người dân nghi ngờ về đức thanh liêm của Thẩm phán", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị ngành tòa án khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ cải cách tư pháp đã đặt ra để hướng đến xây dựng nền công lý tiến bộ, tích cực nghiên cứu, đề xuất các nội dung để xây dựng Toà án thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý. Bên cạnh việc triển khai tốt Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án mới được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Tòa án cần phát huy vai trò hỗ trợ của mình đối với các kênh giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án như: trọng tài, thương lượng… nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội, giảm tải số lượng vụ việc phải đưa đến Toà án xét xử, đúng như lời dạy của Hồ Chủ tịch "Xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử thì càng tốt hơn”.
Quán triệt sâu sắc tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân rất tâm đắc và ủng hộ phong trào “Thi đua vì Công lý” mà Tòa án nhân dân tối cao vừa phát động; cho rằng, đây là một sáng kiến đáng biểu dương và rất phù hợp với nội dung nhiệm vụ công tác của Toà án.
Tại Đại hội, thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao tặng “Huân chương Độc lập hạng Nhất” cho Tòa án nhân dân và danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho Tòa án quân sự trung ương.
Cũng trong sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dự Lễ khánh thành Trụ sở tòa án Nhân dân Tối cao, công trình chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII./.
Từ khóa: Tòa án Nhân dân tối cao, Đại hội Thi đua yêu nước, Chủ tịch Quốc hội, 75 năm truyền thống Tòa án Nhân dân
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN