"Chọn người vào Quốc hội có tâm, có tầm chứ không vì thân quen mà nể nang nhau"

Cập nhật: 18/03/2021

VOV.VN - Nhiều ý kiến nhấn mạnh, người của các cơ quan Trung ương ứng cử ĐBQH khóa XV cần chọn được các đại biểu có tâm, có tầm, có uy tín với nhân dân chứ không vì tình cảm, thân quen mà nể nang nhau.

Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức sáng nay (18/3) đã thông qua danh sách sơ bộ 205 người của các cơ quan Trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. 

Báo cáo của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho thấy, tổng số đại biểu của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được phân bổ giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV là 207 đại biểu, thực tế các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu là 205 người. Tất cả 205 người được giới thiệu ứng cử đều được 100% cử tri tín nhiệm giới thiệu. Trong đó, có 204 người được cử tri nơi công tác bày tỏ sự tín nhiệm bằng hình thức biểu quyết giơ tay, 1 người được bày tỏ tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Cụ thể, các cơ quan Đảng giới thiệu 11 người. Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước giới thiệu 3 người. Các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội (đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương) giới thiệu 130 người. Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ (bao gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Công an) giới thiệu 15 người.

Trong lực lượng vũ trang, Quân đội giới thiệu 12 người và Bộ Công an giới thiệu 2 người. TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước mỗi đơn vị giới thiệu 1 người.  Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên giới thiệu 29 người.

Rà soát kỹ để tránh tình trạng đưa người nhà vào làm ĐBQH

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam cho rằng, người của các cơ quan Trung ương ứng cử ĐBQH khóa XV ngoài vấn đề cơ cấu phải bảo đảm tiêu chuẩn ĐBQH, nhất là phẩm chất đại diện được tiếng nói của dân, dám đấu tranh với những tiêu cực, sai trái. Đặc biệt, cần rà soát thật kỹ để tránh tình trạng đưa, gửi gắm người nhà vào làm đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu chuyên trách.

“Nếu điều đó xảy ra, chúng ta có lỗi với dân” - ông Túc nói và nhấn mạnh trong các tiêu chí, tiêu chuẩn thì bối cảnh hiện nay, không tham nhũng, kiên quyết chống tham nhũng, “cần, kiệm, liêm, chính - chí, công, vô, tư” là đặc biệt quan trọng. Mặt trận phải chú ý giám sát vấn đề này. Tờ khai thu nhập cần phải được giám sát, kiểm tra và phát hiện không trung thực thì không giới thiệu tham gia ứng của ĐBQH và HĐND các cấp.

Ông Lù Văn Que - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng cho rằng, việc thỏa thuận lập danh sách sơ bộ người của các cơ quan Trung ương ứng cử ĐBQH khóa XV cần chọn được các đại biểu có tâm, có tầm, có uy tín với nhân dân chứ không vì tình cảm mà nể nang nhau.

"Thông qua Hội nghị Hiệp thương chỉ mới chọn danh sách sơ bộ. Chúng tôi cảm thấy chúng ta nên rút kinh nghiệm các kỳ trước đây. Có người đưa anh, em họ hàng, con cái mà chất lượng không tốt. Kỳ này lựa chọn cho kỹ, làm sao loại bỏ những động cơ không tốt, những người không đủ tư cách, Quốc hội mới xứng đáng là Quốc hội của dân, do dân và vì dân” - ông Lù Văn Que nêu quan điểm.

Tại hội nghị, các ý kiến cũng băn khoăn về việc tổng số đại biểu của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được phân bổ giới thiệu người ứng cử ĐBQH khoá XV là 207 đại biểu nhưng các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ giới thiệu 205 người, như vậy là giới thiệu chưa đủ.

Giải thích về sự điều chỉnh này, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, theo phân bổ có 207 đại biểu Trung ương, hiện 205 người được giới thiệu. Căn cứ tình hình thực tiễn và thực hiện các bước của hiệp thương cơ cấu, thành phần của các cơ quan, đơn vị thì khối Đảng giới thiệu 11/10, tăng thêm 1. Đây chính là tăng nhân sự Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, vì đây là khối tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư nên cần thiết tăng thêm.

Ngoài ra bà Thanh cũng cho biết, căn cứ tình hình thực tiễn, sau khi làm việc các địa phương, 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, các cơ sở khám chữa bệnh rất quan trọng, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Vì vậy, giới thiệu tăng cho bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Chợ Rẫy. Cùng với đó, theo quan điểm của Ủy ban TVQH trong quá trình triển triển khai sẽ thực hiện đúng theo tinh thần Trung ương đó là tăng đại biểu chuyên trách từ 35-40%”.

Tại hội nghị, 100% đại biểu đã biểu quyết thông qua danh sách sơ bộ 205 người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương Trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị phối hợp với MTTQ địa phương tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm cử tri nơi cư trú đối với người được giới thiệu ứng cử; đồng thời xác minh, trả lời các vụ việc mà cử tri nêu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có Nghị quyết điều chỉnh lần thứ 2 cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

“Thời gian chỉ còn 1 tháng nữa sẽ diễn ra Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để thảo luận, lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội. Rút kinh nghiệm từ Hội nghị hiệp thương lần thứ 2, các cơ quan liên quan cần tích cực phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn trong quá trình tổ chức thực hiện để Hội nghị hiệp thương lần thứ ba thành công tốt đẹp” - ông Trần Thanh Mẫn đề nghị./.

Từ khóa: Đại biểu quốc hội, hiệp thương lần 2, ông Trần Thanh Mẫn, ứng cử ĐBQH

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập