Chính phủ lấy ý kiến về dự thảo báo cáo rà soát văn bản quy phạm pháp luật
Cập nhật: 09/10/2023
Sắp xếp tổ chức tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. (28/11/2024)
Rà soát các chính sách phát triển điện lực, tránh dàn trải nguồn lực, khả thi (25/11/24)
VOV.VN - Sáng 21/9, tại Văn phòng Chính phủ diễn ra Hội nghị của Chính phủ lấy ý kiến về dự thảo Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát văn bản quy phạm luật để trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 6 tới.
Kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật do Tổ công tác của Thủ tướng tổng hợp đã phân loại thành 24 nhóm lĩnh vực với 22 lĩnh vực trọng tâm gồm: Đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước, tài chính công, hợp tác công tư, xã hội hóa các các dịch vụ công, đầu tư, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu, doanh nghiệp, giám định, định giá.
Dự thảo báo cáo đã nêu rõ số văn bản phát hiện có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, vướng mắc trong các luật và văn bản dưới luật có liên quan. Tại hội nghị, các bộ ngành, địa phương phân tích và đề xuất sửa đổi những vướng mắc, chồng chéo của văn bản pháp luật hiện hành với sự phát triển kinh tế, xã hội.
Liên quan đến sửa đổi những bất cập của quy định pháp luật về trái phiếu, chứng khoán, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết: “Đối với nghị định 153 về chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trong quá trình triển khai có ý kiến của Bộ Công an và một số bộ, chúng tôi đã tổng hợp và trên cơ sở đó cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 65 năm 2022. Và tiếp theo đó, căn cứ vào diễn biến thị trường, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ ban hành Nghị định 08 sửa Nghị định 65. Cùng với đó cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 86 về phát triển thị trường vốn, rồi các chỉ thị về tăng cường kiểm tra giám sát, chấn chỉnh hoạt động đầu tư, kinh doanh dịch vụ, thị trường phát hành riêng lẻ và chỉ thị về tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát để đảm bảo ổn định thị trường chứng khoán”.
Đề xuất tại hội nghị nêu rõ các cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các cơ quan đơn vị liên quan có trách nhiệm nghiên cứu, sử dụng kết quả rà soát tại báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật để nghiên cứu, chủ động đề xuất xử lý các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến, hoàn chỉnh báo cáo để ngày 26/9 trình Chính phủ thông qua và báo cáo Quốc hội trong kỳ họp thứ 6 tới.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, đây là một cơ hội tốt để Chính phủ rà soát, đề xuất với Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội để xem xét bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Phải tập trung những nội dung có tác động lớn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt trong lĩnh vực hành pháp, hành chính và nó cản trở việc huy động các nguồn lực, hay là kẽ hở, bất cập để lợi dụng hành vi tham nhũng tiêu cực.
"Luật của mình vừa có trình tự, vừa có nội dung, trình tự thủ tục mà rườm rà, mất thời gian gây lãng phí cho xã hội nói chung cũng phải có đánh giá nghiên cứu rút ngắn lại, vấn đề này rất quan trọng" - ông Lê Minh Khái nói.
Từ khóa: văn bản quy phạm pháp luật, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, chính phủ rà soát văn bản quy phạm pháp luật, kỳ họp thứ 6 Quốc hội,
Thể loại: Nội chính
Tác giả: nguyên nhung/vov1
Nguồn tin: VOVVN