Chiến tranh biên giới Tây Nam: Cuộc chiến tranh tự vệ, chính nghĩa

Cập nhật: 1 ngày trước

VOV.VN -"Cho đến nay, lịch sử đã trả lời không những cho chúng ta mà nhân dân tiến bộ toàn cầu thấy rằng, Việt Nam tiến hành cuộc chiến tranh mang tính tự vệ, hoàn toàn chính nghĩa trong sự nghiệp bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc mình".

Từ những người chung chiến hào, chiến đấu chống kẻ thù chung, sau khi lên nắm quyền Tổng Bí thư, Thủ tướng đất nước Campuchia, Pol Pot đã gây dựng phong trào Khmer Đỏ, thực thi chế độ diệt chủng, tàn sát ngay chính đồng bào mình. Đồng thời, thi hành chính sách thù địch, chống phá Việt Nam, nhiều lần xua quân đánh chiếm, xâm phạm chủ quyền biên giới Việt Nam.

Tổ quốc lâm nguy, chủ quyền lãnh thổ bị xâm phạm, dân tộc Việt Nam đã thực hiện quyền tự vệ chính đáng, đánh đuổi quân xâm lược Pol Pot, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ.

Việt Nam không thể nhân nhượng, đàm phán hòa bình

Tháng 4/1975, Pol Pot lên làm Thủ tướng Campuchia, bắt đầu thực hiện chính sách diệt chủng nhân dân Campuchia. Đồng thời, thi hành chính sách dân tộc cực đoan, hẹp hòi, xác định Việt Nam là kẻ thù số 1.

Pol Pot đã xây dựng nên một xã hội quái gở không tiền tệ, không quan hệ gia đình, không tôn giáo, không trường, không chợ. Đất nước Campuchia bị biến thành một lò sát sinh khổng lồ, kinh khủng nhất trong thế kỷ 20, là một địa ngục trần gian chìm trong máu và nước mắt.

Đối với Việt Nam, Tập đoàn phản động Pol Pot thực thi phương châm chấp nhận hy sinh 2 triệu người Campuchia để tiêu diệt 60 triệu người Việt Nam. Tháng 1/1975, Pol Pot đã cho quân đánh chiếm nhiều nơi, xâm phạm lãnh thổ Việt Nam từ Hà Tiên đến Tây Ninh. Tiếp đó, chúng đưa quân đánh chiếm đảo Thổ Chu, Phú Quốc và bắt hơn 500 dân thường Việt Nam.

Cùng với đó, chúng đốt phá trường học, bệnh viện, nhà thờ, chùa chiền, cướp, giết trâu bò, hãm hiếp phụ nữ, gây bao đau thương tang tóc cho nhân dân Việt Nam. Đó là tội ác trời không dung, đất không tha của bè lũ xâm lược.

Vận mệnh Tổ quốc lâm nguy, chủ quyền lãnh thổ bị xâm phạm, chúng ta không thể tiếp tục nhân nhượng, đàm phán hòa bình mà buộc phải dùng sức mạnh quân sự đáp trả.

GS.TS Võ Văn Sen, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM cho rằng: "Chúng ta quyết định đưa quân sang nước bạn là không còn con đường nào khác và đây là con đường sống còn của chúng ta. Bởi vì họ đã mở 10/19 sư đoàn ở biên giới trên tổng số 23 sư đoàn, tổng lực tấn công và muốn tiêu diệt đất nước ta. Nếu chúng ta hành động chậm hơn nữa thì có thể mất nước. Tình hình hết sức nguy hiểm, khi họ hành động như vậy cũng là thời điểm chúng ta phải phản công để bảo vệ vững chắc biên giới, đồng thời cứu nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng của Pol Pot. Cùng với đó, có sự kêu gọi của Mặt trận Cứu nước Campuchia để trong - ngoài chính nghĩa, rõ ràng".

 

Việc Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện cuộc phản công, tiến sâu vào Thủ đô Phnom Penh truy quét tàn quân Pol Pot là hành động chính nghĩa, cao cả. Trước hết, vì Pol Pot luôn nuôi dưỡng âm mưu và ý đồ xâm lược Việt Nam, nếu không truy quét, chúng sẽ có cơ hội tập hợp lực lượng, tiếp tục cuộc chiến tranh chống phá Việt Nam.

Thứ hai, dân tộc Campuchia lúc đó đang đứng trước bờ diệt vong, nếu Tập đoàn Pol Pot trỗi dậy và quay lại, nhân dân Campuchia sẽ tiếp tục phải sống trong áp bức cùng cực. Mặt khác, vào thời điểm đó, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đã khẩn thiết kêu gọi và đề nghị Đảng, Nhà nước Việt Nam giúp sức để giải phóng Campuchia. Do vậy, hành động của Quân đội nhân dân Việt Nam là phù hợp với pháp lý, đạo lý và chân lý của thời đại. Và đó là cuộc chiến tranh tự vệ, chính nghĩa.

PGS.TS Đinh Quang Hải, nguyên Viện trưởng Viện Sử học phân tích, thắng lợi của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới ở Tây Nam không chỉ khẳng định quyết tâm trừng trị thích đáng những hành động phản động, hiếu chiến của kẻ thù mà qua đó, thể hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, trong sáng và vô tư của Quân đội và nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Campuchia. Đó như một hồi chuông thức tỉnh nhân dân tiến bộ trên thế giới trước nguy cơ của chủ nghĩa phát xít mới.

Thiếu tướng Bùi Thanh Sơn, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320 cho rằng, đây là cuộc chiến tranh hoàn toàn chính nghĩa để bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước ta. Theo yêu cầu của bạn, ta giúp nhân dân nước bạn thoát khỏi nạn diệt chủng. Đây là cuộc chiến tranh mang đầy tình nghĩa, tình hữu nghị giữa hai dân tộc, không chỉ trong hòa bình và nhất là những khi hoạn nạn. Đặc biệt là nhân dân Campuchia đang đứng trước nạn tiệt chủng, được quân đội Việt Nam phối hợp với lực lượng cách mạng yêu nước Campuchia giải phóng đất nước nên nhân dân Campuchia rất phấn khởi.

Hành động hết sức cao cả và hoàn toàn chính nghĩa

Chân lý của thời đại là "không có gì quý hơn độc lập, tự do". Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có quyền thiêng liêng bảo vệ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ độc lập, tự do và hòa bình. Do vậy, trước sự tấn công, xâm lược từ bên ngoài, dân tộc nào cũng có quyền tự vệ chính đáng.

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, Đảng, Nhà nước, dân tộc Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam đã nêu cao tinh thần chính nghĩa và tinh thần nhân văn cao cả khi chấp nhận những hy sinh mất mát, kể cả những hiểu lầm của cộng đồng quốc tế để cứu giúp dân tộc Campuchia đang đứng trước thảm họa diệt vong.

Thiếu tướng Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho rằng, việc Quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia đánh đổ Tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary tuyệt đối không phải là “hành động xâm lược” như những lời vu cáo của các thế lực thù địch, mà xuất phát từ tình đoàn kết, hữu nghị, gắn bó lâu đời giữa nhân dân hai nước láng giềng, từ thiện chí và sự đồng cảm của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, từng chịu bao thảm cảnh đau thương của chiến tranh. Đây là hành động hết sức cao cả và hoàn toàn chính nghĩa.

"Cho đến nay, lịch sử đã trả lời không những cho chúng ta mà nhân dân tiến bộ toàn cầu thấy rằng, Việt Nam tiến hành cuộc chiến tranh mang tính tự vệ, hoàn toàn chính nghĩa trong sự nghiệp bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc mình. Đồng thời còn là một người bạn lớn, "một đội quân nhà Phật" - theo như người Campuchia nói, giúp đỡ nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng và làm một cuộc hồi sinh lịch sử của dân tộc mình", Thiếu tướng Vũ Quang Đạo cho biết.

Hòa bình là tài sản vô giá của mỗi quốc gia, dân tộc. Hòa bình của đất nước Campuchia hôm nay có được từ sự hy sinh xương máu của hàng vạn anh hùng Quân tình nguyện Việt Nam và bộ đội Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia. Hòa bình đó cũng thấm đẫm bao máu xương của hàng triệu người dân Campuchia vô tội, bị tàn sát bởi bọn độc tài Pol Pot.

Do vậy, những ai đang cố tình quên đi ngày 7/1/1979, hoặc cố tình xuyên tạc, bóp méo sự kiện lịch sử vĩ đại đó, họ không chỉ là người vô ơn đối với những người đã cứu giúp dân tộc Campuchia mà còn xem thường hơn 3 triệu linh hồn người dân Campuchia đã bị chết oan uổng bởi chế độ diệt chủng Pol Pot.

Mỗi người dân Campuchia được sống trong hòa bình hôm nay, họ hiểu hơn ai hết hòa bình đó có từ đâu. Và họ luôn biết rằng, uống nước nhớ nguồn, trú dưới bóng mát nhớ người trồng cây. Sống biết nhớ, biết đáp đền ân nghĩa mới là người có lương tri, đạo đức. Đó có lẽ cũng là nền tảng, tài sản tinh thần vô giá để Đảng, Nhà nước, nhân dân, quân đội và thế hệ trẻ hai nước Việt Nam – Campuchia tiếp tục vun đắp cho mối quan hệ và tình hữu nghị hai nước ngày càng tin cậy, bền chắt và thắm thiết.

Từ khóa: biên giới tây nam, chiến tranh biên giới Tây Nam,Pol Pot, chế độ diệt chủng Pol Pot, quân đội nhân dân Việt Nam

Thể loại: Nội chính

Tác giả: trường giang/vov

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập