Chiến sự Idlib: Nga-Thổ thay đổi luật chơi, Mỹ và NATO nín lặng
Cập nhật: 06/03/2020
Xây dựng hình ảnh Bắc Giang qua tuần văn hóa du lịch
Cambodian localities seek transportation, tourism cooperation with Kien Giang
VOV.VN - Giới phân tích cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khó cầu viện hỗ trợ về mặt quân sự của Mỹ và NATO nếu đối đầu trực diện với Nga trên trận địa Idlib (Syria).
Một ngày sau khi kết thúc hạn chót mà Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra buộc các lực lượng của chính phủ Syria phải rút ra khỏi các trạm quan sát của nước này tại Idlib, Ankara đã ra đòn tấn công mạnh mẽ: bắn hạ 2 máy bay chiến đấu của Syria, triển khai máy bay không người lái tấn công các cứ điểm của quân đội Syria. Đây là động thái mà một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ mô tả là “cuộc cách mạng về quân sự” nhằm thể hiện sức mạnh công nghệ của Ankara trên chiến trường.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Ảnh: AFP/Getty. |
Thay đổi luật chơi
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ phe đối lập Syria trong cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này, nhưng đây là lần đầu tiên Ankara triển khai UAV tấn công các cứ điểm của quân đội Syria. Hoạt động này kết hợp với các cuộc không kích của máy bay chiến đấu dọc biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ và pháo hạng nặng đã làm thay đổi đáng kể tình hình trên trận địa.
“Việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai máy bay không người lái trên không phận Syria là một sự thay đổi chiến thuật. Có một số khu vực có thể thay đổi thế cân bằng về quân sự chẳng hạn như Saraqeb, Neirab và Atarib ở Idlib. Bằng cách này, Thổ Nhĩ Kỳ có thể tạo ra sự khác biệt trong những cuộc tấn công chớp nhoáng ở Syria”, ông Can Kasapoglu giải thích.
Ankara đã sử dụng máy bay không người lái có vũ trang trong chiến dịch Nhành Oliu chống lại Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) năm 2018. Nhưng đây là lần đầu tiên nước này triển khai UAV được sản xuất trong nước gồm ANKA-S và Bayraktar-TB2 với quy mô và cường độ lớn như vậy. Theo ước tính có hơn 10 chiếc tham gia đợt tấn công này.
Máy bay không người lái không chỉ tấn công vào các cứ điểm và đoàn xe của lực lượng chính phủ Syria cùng đồng minh dọc chiến tuyến mà còn thâm nhập sâu vào các khu vực do Damascus kiểm soát, nhắm vào những sân bay quân sự gần các thành phố Aleppo và Hama. Hôm qua (2/3), hãng thông tấn Anadolu dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết, quân đội nước này đã phá hủy 2 máy bay chiến đấu Su-24, 2 máy bay không người lái, 135 xe tăng, 5 hệ thống phòng không của Syria.
Mặc dù sự yểm trợ bằng máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ cho phép phe đối lập Syria tiến hành cuộc tấn công đáp trả và ngăn chặn bước tiến của quân đội Syria, nhưng điều này không đủ để làm thay đổi đáng kể cục diện chiến sự tại khu vực tây bắc Syria.
“Tổng thống Assad đã bị áp đảo về tâm lý sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ồ ạt triển khai pháo binh và máy bay không người lái. Các lực lượng của chính phủ Syria khó có thể chiến đấu dưới hỏa lực lớn như vậy, vì thế họ tạm thời bị tê liệt. Nhưng không chắc phe đối lập Syria do Ankara hậu thuẫn có thể giành lại những cứ điểm mà họ đã mất”, Kirill Semenev, chuyên gia phân tích về Trung Đông tại Moscow nhận định. Ông cũng bày tỏ nghi ngờ về con số thiệt hại về người và của mà phía Syria phải chịu theo công bố của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng tổn thất của chính phủ Syria là “lớn nhưng không nghiêm trọng”.
Tín hiệu "đèn xanh" từ phía Nga?
Một trong những yếu tố khiến Thổ Nhĩ Kỳ mạnh dạn thực hiện chiến dịch tấn công bằng UAV là bởi Nga đã giảm các hoạt động quân sự ở phía Tây Bắc Syria. Al Jazeera dẫn thông tin từ một chỉ huy phe đối lập Xyria cho biết, các cuộc không kích của Nga diễn ra trong vài ngày qua tương đối ít.
Theo ông Kirill Semenev, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có một thỏa thuận ngầm, theo đó quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể sử dụng máy bay không người lái tại khu vực giảm căng thẳng ở Idlib và các lực lượng Nga sẽ không can thiệp. Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng Moscow muốn tránh leo thang căng thẳng mức độ lớn hơn với Ankara vào thời điểm này.
Cùng chung quan điểm trên, chuyên gia Kasapolgu chỉ ra rằng, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tập trung sức mạnh pháo binh và máy bay không người lái ở phía đông Idlib, nơi các lực lượng của chính phủ Syria cùng dân quân thân Iran đang chiến đấu nhưng lại giảm cường độ ở phía Nam Idlib - nơi có mặt đơn vị quân cảnh Nga. Những diễn biến mới này diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Erdogan và Tổng thống Nga Putin dự kiến có cuộc gặp tại Moscow ngày 5/3 để thảo luận về tình hình Syria. Thời gian gần đây đã có nhiều cuộc thảo luận giữa các phái đoàn của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cùng những cuộc điện đàm giữa các thành viên của 2 chính phủ.
Ông Marwan Kabalan, thuộc Trung tâm nghiên cứu và chính sách Arab ở Doha, Qatar, cho rằng, với hành động quân sự leo thang mới nhất tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ muốn gây sức ép buộc Nga nhất trí về một thỏa thuận mới ở tây bắc Syria trước cuộc gặp Thượng đỉnh.
“Phía Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tới cuộc gặp Thượng đỉnh với một vị thế mạnh hơn rất nhiều trên thực địa so với thời điểm trước đó. Theo đánh giá của tôi, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đạt được một thỏa thuận mới”, ông Marwan Kabalan nói.
Theo nhà phân tích này, Ankara lo sợ chính phủ Syria sẽ tiếp quản các tuyến giao thông huyết mạch M4, M5 và chỉ để lại một dải đất nhỏ vốn không có triển vọng phát triển về kinh tế và cơ sở hạ tầng cho 3 triệu người tị nạn Syria, biến nó thành một “dải Gaza khác” cần phải có sự hỗ trợ tài chính từ Thổ Nhĩ Kỳ. Đường cao tốc M4 nối thành phố cảng Latakia với biên giới Syria-Jordan, trong khi đường cao tốc M5 nối tỉnh Aleppo với thủ đô Damascus và kéo dài tới tận biên giới với Jordan.
Vì lý do kể trên, Tổng thống Erdogan sẽ gây sức ép buộc Tổng thống Putin nhất trí về một khu vực giảm leo thang mới cùng một thỏa thuận quản lý chung các tuyến đường M4 và M5. Nếu điều này đạt được, cuộc tấn công của Thổ Nhĩ kỳ có thể lắng xuống sau ngày 5/3, ông Kabalan đánh giá.
Liệu Mỹ và NATO có can thiệp?
Trong trường hợp Nga và Thổ Nhĩ Kỳ không đạt thỏa thuận, chiến sự tại Idlib sẽ trở nên khốc liệt hơn. Cây bút Simon Tisdall của tờ The Guardian cho biết, những gì xảy ra tại tây bắc Syria giờ không còn là một cuộc chiến ủy nhiệm nữa mà nó trở thành cuộc đối đầu trực diện giữa hai nước láng giềng có vũ trang hạng nặng. Nếu không đạt thỏa thuận, Thổ Nhĩ Kỳ dễ lún sâu vào xung đột quân sự với Nga. Trong trường hợp đó, Ankara phải nhờ đến sự hỗ trợ của Mỹ và NATO, nhưng liệu các đồng minh này có sẵn sàng giang tay giúp đỡ?
Giới phân tích cho rằng, Mỹ và NATO sẽ không vận dụng nguyên tắc phòng vệ tập thể được quy định Điều 5, Hiến chương NATO để bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ bằng biện pháp quân sự.
Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper ngày 2/3tuyên bố,Mỹ sẽ không yểm trợ trên không cho Thổ Nhĩ Kỳ tại điểm nóng Idlib, còn một quan chức cấp cao khác của Washington cho biết: “Tổng thống Trump đã than phiền về những cuộc chiến không hồi kết và việc Mỹ lãng phí hàng tỉ USD tại Trung Đông. Ông nói rằng ông sẽ rút khỏi khu vực này”.
Phản ứng của ông Trump không gây ngạc nhiên cho các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ - những người tin rằng nhà lãnh đạo Mỹ sẽ không làm mất lòng các cử tri bằng cách dấn thân vào một cuộc xung đột quân sự mới trong năm bầu cử. MEE dẫn một số nguồn tin cho biết, Lầu Năm Góc sẽ gạt đi đề nghị hỗ trợ triển khai tên lửa Patriot của Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ từ chối với lý do “không muốn phát động một cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 3” với Nga chỉ để xóa bỏ mớ hỗn độn mà Thổ Nhĩ Kỳ đã gây ra.
Về phía NATO, giới quan sát cho rằng, trong lịch sử 75 năm kể từ ngày ra đời, khối này chỉ áp dụng điều 5 sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9 tại Mỹ, nhưng hoạt động chỉ giới hạn ở các cuộc tuần tra chung trên không và trên biển, không có sự can dự trực tiếp về quân sự. Trước thực tế này, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu các vấn đề ứng dụng về an ninh quốc gia (của Nga), ông Alexandr Zhilin đánh giá, NATO khó có thể dính dáng vào cuộc chiến tại Idlib, mà chỉ có thể “ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ bằng lời nói”.
Điều tốt nhất mà Ankara nhận được trong trường hợp xảy ra chiến tranh là tuyên bố từ Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg lên án Nga và Syria, cùng khuyến nghị về một giải pháp ngoại giao và giảm thiểu nguy cơ khủng hoảng nhân đạo. Nó khác xa với sự hỗ trợ cụ thể về quân sự chẳng hạn như cung cấp hệ thống phòng không Patriot hoặc triển khai hành động của NATO tại khu vực cấm bay ở Idlib như Thổ Nhĩ Kỳ kỳ vọng.
Nói cách khác, NATO sẽ chỉ ủng hộ chính quyền của ông Erdogan bằng lời nói, còn hành động thì nhường lại Ankara và như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có hai sự lựa chọn hoặc là rút lui hoặc một mình chống chọi trong cuộc chiến quy mô lớn. Cả hai lựa chọn này đều không mang lại kết thúc tốt đẹp cho Ankara./.
Trận quyết đấu cuối cùng tại Idlib: Thổ Nhĩ Kỳ ra uy để “giữ thể diện”?
3 lý do khiến Thổ Nhĩ Kỳ thất bại nếu gây chiến với Syria tại Idlib
Dọa tung đòn tấn công Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ tính “vượt mặt” Nga?
Từ khóa: chiến sự Idlib, xung đột Idlib, máy bay không người lái, tình hình Syria, Nga
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN