Chiến dịch Biên giới 1950 và phong cách cầm quân đặc trưng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Cập nhật: 06/10/2020

VOV.VN - Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giao “trọng trách đặc biệt” với quyền hạn lãnh đạo, chỉ huy lớn.

Chiến dịch Biên giới (Thu - Đông 1950) là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của quân dân Việt Nam, mở ra bước ngoặt mới cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Thắng lợi ấy là kết quả hợp thành từ nhiều nhân tố, nhưng sự chỉ đạo chiến lược đúng đắn, sáng tạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh giữ vai trò quyết định. Thắng lợi ấy có sự đóng góp to lớn của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh kiêm Chính ủy chiến dịch.

Tháng 6/1950, Trung ương Đảng, Chính phủ quyết định mở chiến dịch quy mô lớn ở vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc nhằm mục đích: “Tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch; giải phóng một phần biên giới, mở thông đường giao thông với các nước xã hội chủ nghĩa; mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc”. Tuy nhiên, việc lựa chọn hướng chính của chiến dịch vẫn chưa thống nhất. 

Để bảo đảm giành thắng lợi, ngày 25/7/1950, Thường vụ Trung ương Đảng ra quyết định thành lập Đảng ủy Mặt trận Biên giới và Bộ Chỉ huy chiến dịch. Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng (Tư lệnh) kiêm Chính ủy chiến dịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng quyết định sẽ trực tiếp đi mặt trận tham gia chỉ đạo, theo dõi, động viên cán bộ, chiến sĩ, đồng bào. Ngoài ra, chiến dịch còn được sự giúp đỡ tích cực về vũ khí, lương thực từ chính phủ Trung Quốc, đặc biệt là có Đoàn cố vấn Trung Quốc bên cạnh Sở chỉ huy.

Trước khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường ra mặt trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ thị: “Chiến dịch này hết sức quan trọng, chỉ được thắng không được thua!”. Thường vụ Trung ương Đảng cũng nhấn mạnh lại quyết tâm: “Phải thực hiện cho bằng được những nhiệm vụ chiến dịch đã nêu ra ở trên” .

Như vậy, chiến dịch Biên giới mang ý nghĩa chiến lược rất to lớn. Sự thành bại của chiến dịch ảnh hưởng quyết định đến sự thay đổi của cục diện chiến tranh, đến lòng tin của quân và dân ta đối với đường lối kháng chiến của Đảng, đến quá trình xây dựng, trưởng thành của quân đội trong giai đoạn cách mạng mới. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giao “trọng trách đặc biệt” với quyền hạn lãnh đạo, chỉ huy lớn. Đây cũng chính là cơ sở quan trọng để Đại tướng có những quyết đoán mang tính độc lập sáng suốt, thể hiện tài thao lược và phong cách cầm quân đặc trưng.

Thay đổi phương án tác chiến: Mở màn chiến dịch bằng trận đánh Đông Khê 

Để bảo đảm trận đầu ra quân chắc thắng, tránh sự chủ quan khinh suất, ngày 5/8/1950, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng một số cán bộ cơ quan tham mưu trực tiếp đi trinh sát nghiên cứu thực địa Cao Bằng. Đại tướng nhận thấy: Địch ở Thị xã Cao Bằng có lực lượng khá đông (gồm hai tiểu đoàn Âu - Phi tinh nhuệ), có hệ thống công sự trận địa phòng thủ rất kiên cố; nếu ta cố đánh sẽ gặp khó khăn to lớn, bộ đội thương vong nhiều.

Mặt khác, khi ta giải phóng Thị xã Cao Bằng, nhiều khả năng địch sẽ không đưa quân tái chiếm. Trong khi đó, nếu chuyển hướng xuống đánh Đông Khê (cách Thị xã Cao bằng 40 km về phía Đông) là nơi địch yếu hơn (chỉ khoảng một tiểu đoàn chốt giữ) thì vừa bảo đảm chắc thắng, vừa dễ kéo quân viện từ Thất Khê lên giải tỏa, đồng thời buộc địch từ Cao Bằng rút về, ta có điều kiện vận động chiến tiêu diệt phần lớn quân địch ngoài công sự.

Từ nhận định đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị thay đổi phương án tác chiến, đó là: Đánh Đông Khê trước để mở màn chiến dịch. Chiến dịch sẽ thực hiện theo hai bước: Bước thứ nhất, tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Khê, đồng thời đánh địch ra ứng cứu Đông Khê bằng cả đường bộ và đường không; sau đó chuyển lực lượng xuống đánh Thất Khê hoặc đánh địch vận động quanh Thất Khê. Bước thứ hai, sau 10 - 15 ngày nghỉ ngơi chỉnh đốn, bộ đội sẽ chuyển lên đánh Cao Bằng. Phương châm chiến dịch là “đánh điểm diệt viện”.

Tuy nhiên, trong Đảng ủy Mặt trận cũng có ý kiến cho rằng: Thường vụ Trung ương Đảng đã có quyết định đánh Cao Bằng, mọi công tác chuẩn bị về tham mưu, hậu cần đã hướng cả về Cao bằng, nêu bây giờ thay đổi, chiến dịch sẽ bị chậm lại! Với trọng trách đặc biệt được giao, ở thời khắc quan trọng này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết đoán: “Thường vụ quyết định mục tiêu chiến dịch là tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch quan trọng, giải phóng Cao Bằng để mở thông biên giới. Chủ trương mở đầu chiến dịch bằng đánh Cao bằng là do Tổng Quân ủy đề xuất. Nếu thấy mở đầu chiến dịch như vậy không bảo đảm thực hiện mục tiêu chiến dịch, ta cần báo cáo xin quyết định của Thường vụ. Trong khi chờ sự chỉ đạo của Trung ương, mọi công tác chuẩn bị vẫn tiếp tục” .

Đề nghị mở màn chiến dịch bằng trận đánh Đông Khê đã được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chấp thuận; sau đó được chính thức phổ biến thông qua trong nghị quyết của Đảng ủy chiến dịch (ngày 21/8/1950) . Phương án tác chiến mới cũng nhận được sự đồng tình ủng hộ của Đoàn cố vấn Trung Quốc.

Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, sáng ngày 16/9/1950, ta sử dụng hai trung đoàn bộ binh (174 và 209) được tăng cường 2 tiểu đoàn bộ binh (11, 426) tiến công cụm cứ điểm Đông Khê. Địch dựa vào hệ thống công sự chống cự quyết liệt. Sau 3 ngày liên tục chiến đấu, sáng ngày 18/9, ta tiêu diệt toàn bộ quân phòng ngự, kết thúc thắng lợi trận then chốt mở màn chiến dịch, tạo ra thời cơ rất thuận lợi đánh quân địch tiếp viện ứng cứu. Thắng lợi mở đầu này cũng khẳng định quyết định thay đổi hướng mở đầu chiến dịch của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là đúng đắn, sáng suốt, là bài học rất quý báu cho các cấp lãnh đạo, chỉ huy của quân đội, đúng như Trung tướng Vương Thừa Vũ - nguyên Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 trực tiếp tham gia chiến dịch Biên giới 1950 đánh giá: “Nếu nói đây là bài học về tác phong sâu sát thực tế cần có của một người chỉ huy quân sự cũng đúng; và, nếu nói đây là một trong những nội dung của nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch của người chỉ huy cũng cũng hoàn toàn là điều có lý” .

Ngày 14/10/1950, chiến dịch Biên giới kết thúc thắng lợi, hoàn thành xuất sắc mục tiêu đề ra. Trải qua 29 ngày đêm chiến đấu (16/9 - 14/10/1950), ta diệt và bắt hơn 8.000 địch, thu 3.000 tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh, giải phóng khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập (Lạng Sơn), góp phần làm thay đổi cục diện chiến tranh. Riêng lượng vũ khí thu được có thể đủ trang bị cho hai trung đoàn chủ lực của ta. Suốt 30 năm chiến tranh cách mạng (1945 - 1975), hiếm có một chiến dịch nào đánh tiêu diệt hay và gọn quân địch trong vận động như chiến dịch Biên giới (Thu - Đông 1950).

Chiến dịch Biên giới (Thu - Đông 1950) là minh chứng khẳng định tài thao lược và phong cách cầm quân đặc trưng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là: nắm chắc tình hình địch - ta, tìm cách đánh phù hợp nhất để giảm thiểu tổn thất hy sinh của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, mà vẫn hoàn thành mục tiêu cao nhất đề ra. Tài thao lược, phong cách cầm quân ấy đã làm nên “vị tướng huyền thoại” của Quân đội nhân dân Việt Nam; và sẽ được chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp tái hiện ở mức độ cao nhất, rõ nhất trong chiến dịch Điện Biện Phủ năm 1954, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp.

70 năm đã qua đi, song Chiến dịch Biên giới (Thu - Đông 1950) mãi là dấu mốc quan trọng trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Thắng lợi ấy là minh chứng góp phần khẳng định đường lối kháng chiến độc lập tự chủ, đúng đắn sáng tạo của Trung ương Đảng ta trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng.

Những bài học lịch sử quý báu

Thắng lợi chiến dịch lịch sử này đã để lại cho cách mạng Việt Nam những bài học lịch sử quý báu.

Một là, cách mạng Việt Nam muốn giành thắng lợi, thì trước tiên phải có đường lối kháng chiến độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo, nhất là tại thời điểm có ý nghĩa quyết định “xoay bản lề” cho cục diện chiến tranh. 

Hai là, biết phát huy cao độ sức mạnh tinh thần yêu nước, khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong hoàn cảnh bị bao vây cô lập, gặp vô vàn khó khăn như vậy, mà ta có thể huy động lực lượng dân công lên đến 12 vạn người phục vụ bảo đảm cho chiến dịch thắng lợi. Đây rõ ràng là một thành công rất lớn, vượt ra ngoài dự đoán của phía thực dân Pháp. 

Ba là, phải xây dựng những binh đoàn chủ lực mạnh làm nòng cốt cho kháng chiến. Và thực tế, ngay sau chiến thắng Biên giới 1950, ta thành lập thêm các 5 đại đoàn chủ lực mạnh (312, 316, 320, 325, 351), trên cơ sở đó, chủ động mở thêm nhiều chiến dịch lớn, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 giành thắng lợi quyết định. 

Bốn là, trên tinh thần độc lập, tự chủ, cần tranh thủ sự ủng hộ, viện trợ quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp cao hơn địch. Những bài học lịch sử ấy được Trung ương Đảng tiếp tục chắt lọc, vận dụng sáng tạo trong các chặng đường lãnh đạo cách mạng giai đoạn sau, nhất là những năm cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975)./.
 

Từ khóa:

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập