Chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng sản xuất phóng sự tài liệu phát thanh trên VOV
Cập nhật: 15/06/2023
Sáng nay (14/6), tại Trung tâm Phát thanh Quốc gia (58 Quán Sứ, Hà Nội), Liên Chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) phối hợp với Chi hội nhà báo Ban Văn hóa - Xã hội (VOV2), tổ chức Hội thảo chủ đề “Phóng sự tài liệu phát thanh: Kỹ năng và giải pháp”.
Trong xu thế phát triển chung của truyền thông quốc tế, VOV đang từng bước cải tổ để bắt kịp với tốc độ phát triển không ngừng của nhiều loại hình truyền thông mới. Phát thanh nói riêng càng phải nhận thức rõ vị trí và khẳng định chỗ đứng trong lòng công chúng thông qua việc đổi mới và nâng cao chất lượng nội dung, đặc biệt là tạo điểm nhấn với các thể loại khó, cần sự đầu tư lớn về nhân lực và nguồn lực.
VOV đã thực hiện nhiều chương trình phát thanh tổng hợp, có thời lượng dài nhưng chưa chuyên sâu để sản xuất thể loại phóng sự tài liệu phát thanh. Do vậy, phóng sự tài liệu phát thanh vẫn là một thể loại khá mới mẻ và chưa được triển khai ở các đơn vị biên tập của VOV.
Toàn cảnh hội thảo “Phóng sự tài liệu phát thanh: Kỹ năng và giải pháp”
Phát biểu tại hội thảo, nhà báo Phạm Mạnh Hùng - Phó Tổng Giám đốc VOV cho biết, VOV là “anh cả” trong ngành phát thanh cả nước, có rất nhiều thể loại báo chí mà chúng ta mới chỉ được tiếp cận được trong vài năm trở lại đây, trong đó, phóng sự tài liệu phát thanh không phải là thể loại được nhiều đơn vị truyền thông của Đài có thể thực hiện một cách nhuần nhuyễn. Khi tham gia giải thưởng ABU của Hiệp hội phát thanh - truyền hình châu Á - Thái Bình Dương, nơi quy tụ 270 đài phát thanh, truyền hình lớn nhất thế giới đến từ 70 quốc gia và vùng lãnh thổthì chúng ta mới tiếp cận với thể loại này.
Nhà báo Phạm Mạnh Hùng - Phó Tổng Giám đốc VOV phát biểu tại hội thảo
Hiện, một số kênh của VOV như VOV1, VOV2, VOV4 cũng đãthực hiện những phóng sự tài liệu như vậy. Đây là thể loại đặc biệt, đòi hỏi kỹ năng triển khai thực hiện chương trình cũng như trình độ tác nghiệp của PTV, BTV. Đây là một hướng đi mới để đổi mới, nâng cao chất lượng các kênh phát thanh, các sản phẩm báo chí phát thanh của đài phát triển đồng đều, đa loại hình, đa phương tiện,
“Hội thảo sẽ cung cấp thông tin, kỹ năng, giúp các đồng nghiệp VOV có thêm kinh nghiệm để thực hiện các phóng sự tài liệu phát thanh. Hy vọng các sản phẩm phát thanh này sẽ xuất hiện ngày càng nhiều trên các kênh của VOV và trên các nền tảng số”, nhà báoPhạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Kỹ năng - giải pháp để phóng sự tài liệu phát thanh đột phá
Tại hội thảo, nhiều tham luận đã được các PV, BTV của VOV trình bày, chia sẻ những kỹ năng, kinh nghiệm sản xuất một tác phẩm Phóng sự tài liệu phát thanh.
Theo phóng viên Bá Duy - Chi hội nhà báo Ban Văn hóa - Xã hội (VOV2): “Phóng sự tài liệu phát thanh là một dạng của phóng sự phát thanh, được kể bằng ngôn ngữ phát thanh, có thời lượng đủ dài và tập trung tái hiện về con người, sự việc, sự kiện xảy ra trong đời sống xã hội ở cả quá khứ và hiện tại. Nó không đơn thuần là tường thuật lại sự kiện, sự việc, con người mà tập trung khai thác sâu về chủ đề với những chi tiết cụ thể, chân thực, sinh động, lối kể chuyện hấp dẫn, chân thực và có tác động mạnh mẽ cảm xúc của người nghe, từ đó đưa ra thông điệp hoặc một giải pháp cụ thể”.
Phóng viên Bá Duy - Chi hội nhà báo Ban Văn hóa - Xã hội (VOV2)
Đây là một đặc trưng nổi bật của phóng sự tài liệu so với phóng sự phát thanh thông thường. Cùng một chủ đề, đề tài nhưng một phóng sự phát thanh có thời lượng từ 3-6 phút thường chỉ khai thác một khía cạnh, một lát cắt nào đó của sự kiện, nhân vật. Ngược lại, với một phóng sự tài liệu có thời lượng 15-30 phút, thậm chí 60 phút, nhà sản xuất có đủ thời gian để đề cập sâu chủ đề. Những mâu thuẫn, góc khuất, những chi tiết đắt được khai thác một cách tối đa mà không bị ràng buộc quá lớn về thời lượng.
“Với thể loại này, dù là một sự kiện lịch sử được kể lại, một vấn đề của đời sống xã hội được nêu ra hay chân dung một con người thì cuối cùng tác phẩm cũng phải đưa ra một thông điệp cụ thể, rõ ràng hoặc một giải pháp nào đó. Nó phải trả lời được cho câu hỏi, tác giả kể câu chuyện này với mục đích gì. Thông điệp có thể được truyền tải trực tiếp qua người kể chuyện, qua nhân vật hoặc bằng một chi tiết, “hình ảnh” âm thanh, thậm chí qua tiếng động, âm nhạc. Thông điệp phóng sự tài liệu phát thanh thường hướng đến giá trị nhân văn: Tôn trọng sự khác biệt, bình đẳng giới, bảo vệ nhóm người thiểu số, yếu thế, giải quyết các vấn đề xã hội”, phóng viên Bá Duy nhấn mạnh.
Phóng viênNguyễn Trần Anh Thu - Chi hội nhà báo Ban Văn hóa - Xã hội (VOV2) thì cho biết, chị rất thích làm phóng sự tài liệu phát thanh. “Khi sản xuất phóng sự tài liệu phát thanh, tôi cảm giác mình gần như phải học lại từ đầu kỹ năng làm báo như cách thuyết phục, cách phỏng vấn… Đặc biệt, khi thực hiện tác phẩm “Minh Minh” vừa rồi, tôi nghĩ sau khi hoàn thành tác phẩm tôi có thể đi làm tư vấn tâm lý hoặc là nhân viên bán hàngđược rồi. Vì tôi phải nghiên cứu tâm lý nhân vật, ứng biến khi nhân vật phản ứng, rồi cách thuyết phục để nhân vật mở lòng…Tôi như sống cuộc đời của chính họ”.
Phóng viên Nguyễn Trần Anh Thu - Chi hội nhà báo Ban Văn hóa - Xã hội (VOV2)
Chia sẻ về khó khăn khi thực hiện thể loại Phóng sự tài liệu phát thanh, phóng viên Anh Thu cho hay, tư liệu âm thanh của cơ quan và cả cá nhân phóng viên về một sự kiện lịch sử dường như không có. Đây chính là điều làm nên sự khác biệt của phóng sự tài liệu với các phóng sự/thể loại khác. Từ trước tới nay, dường như các PV chưa có kế hoạch, sự chuẩn bị tư liệu để sản xuất thể loại này. Cùng với đó, thời gian, công sức và tiền bạc khi thực hiện tác phẩm. Kinh nghiệm từ các nhà báo nước ngoài, họ thường phải mất 3 tháng hoặc cả năm trời để thực hiện tác phẩm chứ không phải chúng ta chỉ mất khoảng vài tuần hay 1 tháng. Phóng sự tài liệu phát thanh là thể loại khá phức tạp, cần đầu tư thời gian, công sức, không thể làm vội “ăn xổi ở thì” được.
Phóng viên Anh Thu đề xuất, cần có sự đầu tư ở cấp cao hơn cho thể loại này, đó là: tầm nhìn, kế hoạch và ngân sách.
Phóng sự tài liệu âm thanh là một quá trình sáng tạo nghệ thuật
Nhà báo Đặng Mai Phương - Ban Đối ngoại VOV5 đã tổng hợp chia sẻ của một số nhà báo nước ngoài khi thực hiện Phóng sự tài liệu âm thanh (radio/podcast). Theo đó, sản xuất phóng sự tài liệu cho radio/podcast là một quá trình sáng tạo nghệ thuật, là sự kết hợp của mọi kỹ năng báo chí, kỹ năng sản xuất chương trình báo chí để thực hiện cách tiếp cận mới. Với VOV, để thực hiện sản xuất các phóng sự, chuyên đề tài liệu, cần đầu tư bài bản hơn. Cụ thể, cần thành lập các ekip sản xuất thay vì 1,2 phóng viên vừa đi thu âm, vừa viết bài, vừa thể hiện tác phẩm; cần có đầu tư, có dự án cho những chủ đề, sự kiện nhân vật hay.
Tiếp đó, nên chú ý trong cách tiếp cận, cách sản xuất chương trình khi quyết định phương tiện truyền đạt – podcast hay radio để có thể hình dung rõ chủ đề đối tượng nghe, chất liệu phóng sự: nhân vật, âm thanh, âm nhạc…
Nhà báo Đặng Mai Phương - Ban Đối ngoại VOV5
Quan trọng hơn cả là cần có cách kể chuyện hay. Hãy luôn sáng tạo. Có thể nghe một bộ phim tài liệu cũ và vẫn bị cuốn hút như khi được phát sóng lần đầu tiên. Cũng có thể cho phép khán giả tham gia vào quá trình tạo ra tác phẩm. Đó là một cách hay để gần gũi hơn với khán giả và trung thực hơn về những gì đã và chưa hiệu quả, nhưng chúng ta phải cẩn thận để nó không trở thành sáo rỗng.
Cũng tại hội thảo, nhà báo Nguyễn Thúy Hoa - Trưởng Ban Hợp tác Quốc tế VOV đã chia sẻ về vấn đề VOV học hỏi được gì trong Phóng sự tài liệu khi tham dự Giải ABU?
Theo bà Hoa, những năm gần đây, VOV tổ chức ngày càng bài bản việc xây dựng và lựa chọn tác phẩm đi dự thi ABU Prize và cũng đã đạt được những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, hạng mục Phóng sự tài liệu phát thanh là một thể loại khó, mà đến nay, VOV vẫn chưa từng đoạt giải thưởng.
Ngày 26/4 vừa qua, Ban Hợp tác Quốc tế phối hợp với ABU tổ chức buổi hội thảo trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm sản xuất chương trình phát thanh dự thi Giải ABU năm 2023, chuyên sâu về phóng sự tài liệu với sự tham gia của 2 diễn giả, chuyên gia phát thanh giàu kinh nghiệm của Hiệp hội ABU làbà Olya Booyar và bà Deborah Steele. Trong hội thảo này, các chuyên gia không chỉ nêu những đặc điểm chung của Phóng sự tài liệu phát thanh mà còn nhận xét cụ thể về những tác phẩm của VOV đã mang đi dự thi, đồng thời phân tích, vì sao chưa được giải.
Nhà báo Nguyễn Thúy Hoa - Trưởng Ban Hợp tác quốc tế của VOV
Theo đó, để nâng cao chất lượng tác phẩm và hướng đến mục tiêu đạt giải cao trong các cuộc thi quốc tế, các phóng viên và người làm chương trình của VOV cần học hỏi và chú trọng nhiềunội dung như: Mục tiêu và mục đích của chương trình;Tính hấp dẫn của nội dung;Cấu trúc chương trình; Kỹ thuật sản xuất; Cách lựa chọn chủ đề...
Phóng sự tài liệu không phải bao giờ cũng kết thúc có hậu. Có thể sử dụng kết thúc mở cho mọi người cùng suy ngẫm và thảo luận. Tuy nhiên, phóng sự tài liệu phải có thông điệp rõ ràng để truyền tải cho cộng đồng, tạo sự gắn kết với thính giả, chứ không đơn thuần là quan sát và phản ánh. Đặc trưng của thể loại này là phóng viên luôn đặt mình vào vị trí của nhân vật để truyền tải cảm xúc chân thật nhất./.
Chung Thủy-Văn Ngân/VOV.VN
Từ khóa:
Thể loại: Tin hoạt động VOV
Tác giả: Chung Thủy-Văn Ngân/VOV.VN
Nguồn tin: R&D