Chỉ xét tuyển học bạ vào lớp 6: Lo ngại tiêu cực xin - cho điểm đẹp
Cập nhật: 9 giờ trước
Hiện trường vụ cháy thiêu rụi nhiều ngôi nhà tại đường Hồ Tùng Mậu, Hà Nội
Đà Nẵng tổ chức Chương trình "Tết sum vầy-Xuân ơn Đảng” và khai mạc Chợ Tết Công đoàn
VOV.VN - Quy định xét tuyển lớp 6 bằng học bạ của Bộ GD-ĐT sẽ tạo ra sự công bằng hơn trong tuyển sinh, sẽ không còn chuyện các trường tuyển sinh sớm hay muộn. Song việc dựa vào học bạ để tuyển sinh cũng không khỏi lo ngại về tình trạng “em nào cũng 10 điểm”, liệu có gia tăng việc xin - cho điểm học bạ hay không?
Theo Thông tư số 30/TT-BGDĐT do Bộ GD-ĐT vừa ban hành về ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở (THCS) và tuyển sinh trung học phổ thông (THPT, thì việc tuyển sinh lớp 6 sẽ chỉ còn hình thức xét tuyển.
Tuy nhiên, đến nay nhiều trường THCS chất lượng cao hay các trường ngoài công lập đã công bố phương án tuyển sinh lớp 6 năm 2025. Trong đó đa số nhóm trường này tuyển sinh theo hình thức xét tuyển kèm theo các bài thi đánh giá năng lực, khảo sát đầu vào.
Trao đổi về nội dung này, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết: "Tinh thần của thông tư mới là giảm áp lực thi chuyển cấp cho học sinh tiểu học, vì vậy kể cả trường tư hay trường chất lượng cao cũng xét tuyển một cách đồng bộ mà không thi tuyển. Các địa phương có trách nhiệm hướng dẫn các trường thực hiện dựa vào tình hình thực tế trên cơ sở phù hợp nhất”.
Sau khi Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 30, nhiều trường đã phải dừng việc tuyển sinh để điều chỉnh phù hợp với quy định mới.
Sáng nay (9/1), Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) đã ra thông báo, hội đồng tuyển sinh tạm thời dừng nhận đăng ký dự tuyển vào lớp 6 năm học 2025-2026 đến khi nhận được hướng dẫn thực hiện thông tư từ Sở GD-ĐT Hà Nội và Phòng GD-ĐT Nam Từ Liêm. Hội đồng tuyển sinh sẽ thông báo đến cha mẹ học sinh ngay khi có phương án điều chỉnh phương thức tuyển sinh để đảm bảo quyền lợi của tất cả học sinh có nguyện vọng đăng ký dự tuyển vào trường.
Trao đổi với VOV.VN, thầy Nguyễn Hoàng Giang, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ngoại Ngữ cho biết hiện nhà trường chưa có thông báo chính thức đến phụ huynh, học sinh mà đang trong quá trình xin ý kiến từ Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT M.V. Lômônôxốp cũng cho hay, trường đang chờ hướng dẫn của Sở GD-ĐT để thực hiện theo đúng quy định mới.
Đến thời điểm này, quá trình tuyển sinh lớp 6 của Trường THCS-THPT Nguyễn Siêu đã cơ bản hoàn tất, trước đó, Trường THCS-THPT Nguyễn Siêu tuyển sinh lớp 6 bằng xét tuyển và kiểm tra đánh giá năng lực đầu vào. Trong xét tuyển, trường tính đến các tiêu chí như nguyện vọng của gia đình và mục tiêu giáo dục của nhà trường, quá trình học tập trong một cấp học và sức khỏe của học sinh, trắc nghiệm tâm lý dành cho học sinh.
Ở phần kiểm tra đánh giá sẽ bao gồm bài đánh giá năng lực Tiếng Anh theo chuẩn Cambridge English, bài đánh giá năng lực tổng hợp General Ability Test – (bằng tiếng Anh), bài đánh giá năng lực tổng hợp (bằng tiếng Việt). Hình thức kiểm tra bao gồm kết hợp giữa bài kiểm tra trên máy tính, trên giấy và phỏng vấn.
Trước những thay đổi trong quy chế tuyển sinh lớp 6 theo Thông tư mới của Bộ GD-ĐT, cô Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Siêu cho rằng, về phía các trường công lập, quy định này rất phù hợp, mang lại quyền lợi công bằng cho tất cả học sinh. Nhưng Thông tư của Bộ GD-ĐT lại chưa có quy chế riêng hay quy chế mở cho công tác tuyển sinh tại các trường ngoài công lập.
Cô Thúy đơn cử như tại Trường THCS-THPT Nguyễn Siêu, thực hiện theo chương trình Quốc tế Cambridge, ngoài chương trình Việt Nam của Bộ GD-ĐT, học sinh cần có đủ năng lực về ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của chương trình học. Chương trình định hướng đào tạo thế nào cũng cần xem xét học sinh có đáp ứng đủ điều kiện để học tập theo đúng năng lực hay không.
“Với thông tư này, với các trường không có hệ thống liên thông sẽ rất khó khăn. Các trường sẽ phải có những phương thức xét tuyển khác hay kết hợp với các chứng chỉ tham chiếu, khích lệ học sinh tham gia vào các kỳ thi ở bậc tiểu học để làm căn cứ tuyển sinh. Ví dụ, ngoài học bạ, học sinh có thể tham gia các chứng chỉ để thể hiện năng lực phẩm chất toàn diện của mình như chứng chỉ Tiếng Anh, chứng chỉ thi các chương trình quốc tế... Chắc chắn cần có thước đo để các trường lựa chọn được học sinh phù hợp với chương trình đào tạo.
Với các trường công lập, tất cả các mô hình đào tạo đều giống nhau, nhưng với các trường song ngữ, trường quốc tế, Bộ GD-ĐT cần xem xét để có cơ chế mở, nếu không sẽ rất khó để lựa chọn học sinh đúng năng lực”, cô Nguyễn Thị Minh Thúy lo ngại.
Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Siêu cũng cho biết thêm, hàng năm tuyển sinh lớp 6 tại trường không có bài thi về kiến thức, mà sử dụng bài thi đánh giá năng lực thiên về đánh giá tư duy, kỹ năng của học sinh, từ đó phân loại, sắp xếp học sinh theo đúng trình độ.
Nếu không có cơ chế để tổ chức các bài thi đánh giá như trên, cô Thúy cho rằng có thể sẽ phải xem xét hình thức xét tuyển kèm theo bài luận, thông qua bài luận, học sinh trình bày về năng lực, nguyện vọng của mình và gửi theo các minh chứng cụ thể.
Cô Nguyễn Thị Minh Thúy cũng nói thêm rằng, quy định xét tuyển lớp 6 bằng học bạ của Bộ GD-ĐT sẽ tạo ra sự công bằng hơn trong tuyển sinh, sẽ không còn chuyện các trường tuyển sinh sớm hay muộn, mà đều phải chờ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học lớp 5 mới có thể xét tuyển. Song việc dựa vào học bạ để tuyển sinh cũng không khỏi lo ngại về tình trạng “em nào cũng 10 điểm”, liệu có gia tăng việc xin cho điểm học bạ hay không?
“Ở bậc đại học, hiện nay các trường top trên cũng đã dần bỏ xét tuyển bằng học bạ, với lớp 6, đặc biệt là các trường chất lượng cao, nếu chỉ dựa vào học bạ, em nào cũng có kết quả đẹp thì lấy căn cứ nào để tuyển sinh, lo ngại lớn nhất là tình trạng học sinh phụ huynh đua nhau bằng mọi cách để được học sinh giỏi”, cô Thúy nói.
Từ khóa: lớp 6, học bạ, làm đẹp học bạ, xin cho điểm, tuyển sinh lớp 6, xét tuyển lớp 6
Thể loại: Xã hội
Tác giả: nguyễn trang/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN