Chi tiêu công tiến dần “ngưỡng” làm giảm tăng trưởng

Cập nhật: 25/09/2019

Bức tranh “chi tiêu” từ ngân sách Nhà nước của Việt Nam đang có nhiều vấn đề lưu ý, và có nguy cơ làm giảm tăng trưởng của nền kinh tế.

Theo Báo cáo Đánh giá kinh tế Việt Nam Thường niên 2018 do trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa công bố, chi tiêu công ở Việt Nam đang ở mức cao, tiến dần ngưỡng làm giảm tăng trưởng trong khi nợ công Việt Nam hiện đang duy trì ở sát ngưỡng cho phép và thâm hụt ngân sách không được cải thiện.

Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học, đồng chủ trì nhóm nghiên cứu, Đại học Kinh tế Quốc dân xung quanh vấn đề này:

Quy mô chi NSNN xấp xỉ 30% GDP

PV: Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam Thường niên 2018 với chủ đề: “Hướng tới Chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng” vừa được trường Đại học Kinh tế quốc dân công bố. Đâu là những kết quả đáng chú ý trong nghiên cứu này, thưa ông?

chi tieu cong tien dan "nguong" lam giam tang truong hinh 1
PGS. TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Đại học Kinh tế Quốc dân

Mặc dù tốc độ tăng chi cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) trong 5 năm gần đây đã giảm đi đáng kể so với giai đoạn trước, tuy nhiên quy mô chi tiêu công vẫn còn ở mức khá cao. Nếu sử dụng phân loại của Việt Nam thì quy mô chi NSNN từ năm 2005 đến nay đều đã xấp xỉ 30% GDP. Năm 2018, chi cân đối NSNN theo dự toán của Quốc hội khoảng 28,2% GDP. So sánh quốc tế cho thấy, Việt Nam đang chi tiêu từ NSNN cao hơn trung bình các nước đang phát triển có cùng trình độ và lớn nhất khu vực ASEAN. Ngoài các lý do về cơ cấu kinh tế, cơ cấu tổ chức bộ máy, việc lựa chọn quan điểm phát triển theo mô hình nhà nước phúc lợi cũng như mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư, đặc biệt đầu tư từ khu vực nhà nước là những nguyên nhân dẫn đến chi tiêu công của Việt Nam tương đối cao.

Các nghiên cứu cho thấy, nếu quy mô chi tiêu công trong các nước đang phát triển vượt quá 30% GDP thì tác động của nó với phát triển kinh tế và hiệu quả cung cấp hàng hóa công giảm đi rõ rệt và có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

PV: Tỷ trọng chi đầu tư công từ NSNN trong những năm qua đang có xu hướng giảm dần. Ông và nhóm nghiên cứu đánh giá vấn đề này như thế nào?

PGS. TS Tô Trung Thành: Chi đầu tư từ NSNN đang theo xu hướng giảm đần. Tỷ trọng chi đầu tư (gồm tất cả các nguồn) trong tổng chi tiêu công cao nhất là 42% năm 2009 đã giảm còn hơn 25% vào năm 2018. Tốc độ tăng chi tiêu cho đầu tư phát triển giai đoạn 2012-2018 chỉ đạt khoảng 6% mỗi năm, thấp hơn nhiều tỷ lệ 17-18% mỗi năm (giai đoạn 2007-2011) và thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng chi thường xuyên (trung bình khoảng 14% giai đoạn 2012-2016).

Ngoài ra, tình trạng vốn giải ngân đầu tư từ NSNN thấp so với dự toán, xuất hiện tình trạng Chính phủ phát hành trái phiếu để phục vụ đầu tư nhưng không giải ngân được dẫn đến việc Kho bạc Nhà nước phải đem gửi ở các ngân hàng thương mại, ảnh hưởng đến chi phí và hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước.

Nhưng cũng cần lưu ý, mặc dù tỷ trọng đầu tư công đã giảm xuống, nhưng việc sử dụng đầu tư công còn chưa hiệu quả. Chúng tôi tính toán chỉ số HHI về mức độ tập trung vốn đầu tư nhà nước cho các nhóm ngành kinh tế, kết quả cho thấy tình trạng đầu tư dàn trải vẫn chưa thực sự được cải thiện. Đầu tư dàn trải sẽ làm giảm hiệu quả đầu tư khi thời gian hoàn thành các công trình kéo dài hơn dự kiến. Điều này gây lãng phí nguồn lực, đặc biệt trong bối cảnh năng lực quản trị các dự án đầu tư công của Việt Nam chưa được cải thiện nhiều.

PV: Tỷ trọng chi thường xuyên và chi trả nợ có xu hướng như thế nào trong thời gian gần đây, thưa ông?

PGS. TS Tô Trung Thành: Khoản chi lớn nhất trong tổng chi NSNN là chi thường xuyên, chi cho bộ máy Nhà nước. Trong tổng chi cân đối NSNN, chi thường xuyên đã liên tục cao khoảng 70% kể từ năm 2008. Trong đó, chi tiêu cho quản lý hành chính liên tục tăng cho thấy, Việt Nam chưa đạt được kết quả tốt trong cải cách bộ máy hành chính để giảm chi tiêu công. Tổng chi cho lương trong ngân sách tương đối cao so với các quốc gia khác trong khu vực, tương đương với các quốc gia thu nhập trung bình.

Với xu hướng như hiện nay, tỷ lệ chi lương của Việt Nam có thể dễ dàng vượt mức bình quân của các quốc gia thu nhập trung bình trong thời gian ngắn, và vào năm 2020, có thể cao hơn cả tỷ lệ hiện nay của các quốc gia thu nhập cao. Điều này sẽ gây áp lực rất lớn đến tài chính công.

Đáng chú ý, một trong những khoản chi có vai trò ngày càng lớn trong tổng chi NSNN là chi trả nợ (gồm cả lãi và gốc). Với nhiều khoản vay từ những năm 1990 thì đến nay đã bắt đầu tới hạn trả nợ, do vậy hàng năm số nợ phải trả đã chiếm tỷ trọng khoảng 10-12% tổng chi NSNN. Về xu thế, số nợ này sẽ tăng dần lên trong những năm tới và điều đó cũng có thể là nguyên nhân ảnh hưởng đến tính bền vững của NSNN trong tương lai.

Nguy cơ ảnh hưởng tới tăng trưởng

PV:Với quy mô và cơ cấu chi ngân sách như vậy sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế, thưa ông?

PGS. TS Tô Trung Thành: Với đặc điểm về chi tiêu ngân sách như trên, nghiên cứu của chúng tôi đã không tìm thấy tác động tích cực của chi tiêu tài khóa đến tăng trưởng ở các cấp địa phương.

Mô hình định lượng cũng không tìm thấy bằng chứng tác động tích cực nào của quy mô Chính phủ, bất kể chi đầu tư hay thường xuyên, bất kể chi trong lĩnh vực nào… đối với tăng trưởng kinh tế ở các địa phương. Điều này gợi ý rằng, để ổn định kinh tế vĩ mô và không ảnh hưởng đến tăng trưởng dài hạn thì việc thu hẹp bộ máy hành chính và rút khỏi dần các hoạt động kinh tế của nhà nước cần phải được đặt lên hàng đầu trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh nợ công Việt Nam hiện đang duy trì ở sát ngưỡng cho phép và thâm hụt ngân sách không được cải thiện.

PV:Ông có khuyến nghị gì đối với vấn đề chi ngân sách ở Việt Nam hiện nay?

PGS. TS Tô Trung Thành: Cần cơ cấu lại chi NSNN theo hướng ổn định và gia tăng hiệu quả đầu tư phát triển, chỉ bố trí vốn từ NSNN cho những công trình thật sự cần thiết, có hiệu quả cao đồng thời kiểm soát chặt chẽ đầu tư công nhằm chống dàn trải, lãng phí, thất thoát, tham nhũng.

Cần giảm dần và chấm dứt xu hướng giảm chi đầu tư, đặc biệt ở cấp Trung ương, cải thiện về lập ngân sách đầu tư bằng cách quan tâm nhiều hơn đến các nhu cầu chi duy tu bảo dưỡng liên quan đến đầu tư, qua đó hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cần rà soát lại các mục tiêu chi tiêu công theo một khuôn khổ chính sách nhất quán hơn, nhằm tạo điều kiện để gắn kết tốt hơn giữa chi tiêu và mục tiêu. Giảm tỷ lệ chi thường xuyên bằng giảm tốc độ tăng biên chế và quỹ lương cho cán bộ, công chức và viên chức. Để đảm bảo quy mô chi thường xuyên hợp lý thì cải cách về tổ chức và bộ máy cần được làm ngay và quyết liệt.

Xem xét lại mức độ phân cấp chi đầu tư cho địa phương gắn với hiệu quả tổng thể kinh tế - xã hội, hạn chế rủi ro đầu tư dàn trải. Phân cấp đầu tư cần gắn liền với trách nhiệm giải trình và năng lực quản lý của địa phương.

Ngoài ra, cần tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình về tài chính ở các đơn vị sử dụng ngân sách, thực hiện nghiêm kỷ luật tài khóa.

PV:Xin cảm ơn ông! ./.

Cẩm Tú/VOV.VN

Từ khóa: chi tiêu công, nợ công, tăng trưởng kinh tế, ngân sách nhà nước, đầu tư công,

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập