Chi phí logistics quá cao làm hàng hóa mất tính cạnh tranh
Cập nhật: 27/11/2020
VOV.VN - Năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào việc có thể giảm thiểu được những gánh nặng về chi phí logistics.
Chi phí logistics cao, trong đó các loại phụ phí tại cảng biển cũng như những bất cập khác liên quan đến thủ tục hành chính... là những nguyên nhân khiến cho doanh nghiệp (DN) Việt khó có thể nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
3 đột phá cơ bản
Theo Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), hiện nay, chi phí logistics của hải sản chiếm 12,2%, gạo chiếm 19,8%, cà phê 9,5% và rau quả chiếm xấp xỉ 30% tổng chi phí. VLA cho biết, đáng kể nhất là hạng mục chi phí vận tải với 61% trong tổng chi phí logistics, tiếp theo là chi phí xếp dỡ với gần 20% tổng chi phí...
Bởi vậy, tại Diễn đàn Logitstics Việt Nam 2020 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 26/11 tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam có được nâng lên hay không phụ thuộc rất lớn vào việc có thể giảm thiểu được những gánh nặng về chi phí logistics hay không.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phần lớn các DN logistics của Việt Nam là DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ, do đó, rất cần có sự kết nối của các DN trong ngành này để có thể nâng sức cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh các DN nước ngoài đang thống lĩnh trong ngành này hiện nay là những DN rất lớn.
TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, để giải tỏa những điểm nghẽn trong ngành logitstics hiện nay, cần có 3 đột phá, đó là đột phá về cơ sở hạ tầng, đột phá về cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành để kéo giảm thời gian thông quan cho DN.
“Đột phá lớn nhất để giải tỏa điểm nghẽn của logistics chính là sự kết nối của các DN trong ngành cần phải chặt chẽ hơn, tạo những mắt xích gắn kết đủ lực để cạnh tranh được với những đối thủ lớn”, TS. Vũ Tiến Lộc chỉ rõ.
Hầu hết các ý kiến của cộng đồng DN cũng cho rằng, chi phí logistics cao là nguyên nhân kéo giảm sức cạnh tranh của DN Việt. Đặc biệt, hàng hóa nông sản xuất khẩu là thế mạnh của Việt Nam, tuy nhiên việc chi phí logisitics chiếm đến 30% giá thành sản phẩm đang khiến cho các sản phẩm của chúng ta khó có thể cạnh tranh được với các sản phẩm của nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, các cam kết mở cửa thị trường về lĩnh vực dịch vụ logistics, trong các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA không quá xa so với các cam kết của Việt Nam trong WTO và cơ bản là phù hợp với các quy định pháp luật và chính sách hiện hành.
Riêng đối với dịch vụ logistics, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, các Hiệp định này có thể tác động tới triển vọng phát triển ở hai góc độ: Cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực vận tải và phục vụ vận tải; cam kết trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến dung lượng thị trường dịch vụ logistics trên các góc độ quy mô do tăng nguồn cầu dịch vụ, chất lượng dịch vụ, nhu cầu mở rộng công suất, đầu tư và thực hiện dịch vụ. “Trong cả hai khía cạnh này, cơ hội và thách thức đều khá lớn trong bối cảnh DN logistics nội địa có sức cạnh tranh không cao”.
Logistics phải là ngành dịch vụ cạnh tranh lành mạnh
Ghi nhận sự phát triển của logistics tại Việt Nam trong những năm qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận, năm 2020 mặc dù chịu tác động lớn của đại dịch Covid-19 nhưng Việt Nam đã thành công trong phòng chống, kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Kết quả này có sự đóng góp của các ngành, các cấp, cộng đồng DN thuộc mọi lĩnh vực, thành phần kinh tế và có đóng góp rất quan trọng của ngành logistics.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, ngành logistics Việt Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đặc biệt là chi phí dịch vụ logistics ở nước ta còn khá cao, làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam nói riêng, sức cạnh tranh của cả nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Nhìn đến năm 2021 và các năm tiếp theo với các dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trong khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Chính phủ đã đề ra những yêu cầu rất cụ thể đổi với ngành dịch vụ quan trọng này. Trong đó, yêu cầu phải giảm chi phí logistics để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của hàng hoá và nền kinh tế.
“Muốn vậy, Việt Nam cần phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị giá tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Việt Nam cần phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh, tạo cơ hội bình đẳng cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước; phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược, tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng trong khu vực./.
Từ khóa: logistics, chi phí logistics, điểm nghẽn logistics, năng lực cạnh tranh hàng hóa
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN