Chê G7 lỗi thời, Tổng thống Trump muốn mở rộng thành viên?

Cập nhật: 31/05/2020

VOV.VN - Việc Tổng thống Trump muốn mở rộng thành viên G7 liệu có phải sự khởi đầu của một cú hích đem tới những thay đổi quan trọng trong nhóm này?

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua thông báo hoãn Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) ít nhất là cho tới tháng 9 thay vì theo kế hoạch vào tháng 6 do sự bùng phát mạnh mẽ của dịch Covid-19. Kèm theo thông báo này của nhà lãnh đạo Mỹ là tuyên bố G7 đã lỗi thời và muốn mở rộng thành phần các nước tham dự Hội nghị.

che g7 loi thoi, tong thong trump muon mo rong thanh vien? hinh 1
Hội nghị Thượng đỉnh G7 tạiBiarritz, Pháp năm 2019. Ảnh: Reuters

Giải thích cho quyết định của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông hoãn Hội nghị Thượng đỉnh vì không còn cảm thấy G7 đại diện đầy đủ cho những gì đang diễn ra trên thế giới. Đó là một tổ chức lỗi thời. Ông đồng thời cho biết muốn mời thêm Nga, Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ tham gia một Hội nghị Thượng đỉnh mở rộng vào mùa Thu, có thể vào tháng 9 tới, trước hoặc sau cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Đây không phải là lần đầu tiên Nhà lãnh đạo Mỹ nêu quan điểm về các tổ chức và thể chế quốc tế, trong đó có G7.

Được hình thành từ những năm 1970, đây là một nhóm các quốc gia dẫn đầu thế giới về kinh tế gồm Anh, Mỹ, Đức, Italy, Canađa, Pháp và Nhật Bản. Đề cập tới vai trò của G7, Bộ Ngoại Giao Pháp nhấn mạnh: “G7 không phải là một định chế quốc tế, đó là một nhóm phi chính thức đóng vai trò định hướng và thúc đẩy chính trị. Các nước thành viên thống nhất để thúc đẩy các vấn đề liên quan đến chính sách an ninh, quản trị toàn cầu hóa và quản lý tài sản công thế giới”.

Tuy nhiên, theo thời gian, cỗ máy G7 đang mất dần hiệu quả với nhiều vấn đề mới nảy sinh từ trật tự kinh tế tự do tới chống khủng bố. Theo Giáo sư Christian Lequesne, thuộc trường Khoa học Chính trị Paris, G7 không còn phản ánh đúng tình hình thế giới hiện nay. Hơn nữa điểm khác biệt lớn, đồng thời là điểm yếu của G7 so với các định chế ngoại giao khác là đằng sau G7 không có bất kỳ cấu trúc hành chính nào, cũng như không có ngân sách để thực hiện những đề xuất của các nhà lãnh đạo.

“G7 có thể coi là một phương tiện để các nhà lãnh đạo thế giới bàn thảo về các vấn đề quốc tế và đưa ra những tuyên bố. Về mặt ngoại giao, điều này dĩ nhiên là rất quan trọng. Tuy nhiên, ngoại giao ở Thượng đỉnh G7 thường là ngoại giao bình luận về vấn đề tức thời và thường chỉ có tác động về ngắn hạn”.

Ảnh hưởng và sức mạnh của G7 là không thể phủ nhận song để tiến xa trong các vấn đề lớn của thế giới, như môi trường hoặc an ninh, thì rõ ràng sẽ khó mà làm được nếu không có Nga, Trung Quốc hay Ấn Độ. Một số chuyên gia thậm chí còn cho rằng, về mặt quan hệ quốc tế, Nhóm 20 nền kinh tế và phát triển mới nổi hàng đầu (G20) dường như đang trở thành là một cơ cấu phù hợp và mang tính đại diện cao hơn. Dù sinh sau đẻ muộn hơn, song G20 hiện chiếm tới 85% GDP thế giới.

Ngay trước thời điểm Tổng thống Donald Trump thông báo hoãn Hội nghị Thượng đỉnh G7, lãnh đạo các nước thành viên đã đưa ra những quan điểm trái chiều về việc tham gia Hội nghị Thượng đỉnh, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là sau khi Mỹ vừa tuyên bố cắt đứt quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel thẳng thừng từ chối lời mời, thì Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết sẽ chỉ tham dự nếu có mặt tất cả các nhà lãnh đạo khác.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, tình trạng “mỗi người một phách” không còn quá xa lạ trong nội bộ khối G7, song rõ ràng tuyên bố ngày hôm qua, cùng những bước đi ngược dòng của nhà lãnh đạo Mỹ thời gian qua đã một lần nữa cho thấy, G7 không còn là một liên minh đồng lòng như mong muốn của các nhà sáng lập nữa./.

Từ khóa: Thượng đỉnh G7, Tổng thống Trump, mở rộng thành viên, từ chối dự G7, Covid 19

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập