Chạy theo thành tích, coi nhẹ dạy đạo đức?
Cập nhật: 07/10/2019
VOV.VN -Đạo đức lối sống của HS-SV hiện nay đang là vấn đề nhức nhối cho toàn xã hội. Nhiều vụ việc liên quan đến các hành vi vô đạo đức của giới trẻ.
Lấy điểm số, tỷ lệ đỗ để đánh giá chất lượng
Tại hội thảo “Thực trạng đạo đức lối sống của học sinh, sinh viên - Vấn đề và giải pháp” do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 2/10, các đại biểu cho rằng, cần quan tâm, xem xét giáo dục văn hóa, đạo đức, giá trị sống cho học sinh (HS), sinh viên (SV) trong kinh tế thị trường, xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; tha hóa và đạo đức lối sống cho HS, SV - tìm kiếm giải pháp tháo gỡ; giáo dục đạo đức lối sống cho HS, SV cần đa dạng về hình thức và sát với mục tiêu đào tạo...
Giáo dục đạo đức lối sống sẽ góp phần hạn chế được nạn bạo lực học đường, bạo lực xã hội. |
TS. Phan Tùng Mậu cho biết, nếu làm tốt việc giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, SV sẽ góp phần hạn chế được nạn bạo lực học đường, bạo lực xã hội. Nói về thực trạng giáo dục đạo đức, lối sống hiện nay của HS, SV, thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hệ thống trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng, chuyện giáo dục đạo đức hiện nay như một báo động về thế hệ trẻ đã đi chệch con đường đào tạo con người mà chúng ta mong muốn. Nguyên nhân đầu tiên đó là hiện nay các nhà trường đang lo lắng và tập trung nhất là chạy theo điểm số, chạy theo thi cử và giáo dục cả nước bị cuốn theo dòng thác thành tích - thi cử. Nguyên nhân nữa là các phương pháp giáo dục đạo đức của chúng ta đã lỗi thời, không bắt nhịp được với cuộc sống...
“Đôi khi người ta đánh giá chất lượng giáo dục là kết quả thi cử, tỷ lệ đỗ bao nhiêu phần trăm. Chính xuất phát từ mục tiêu giáo dục như vậy nên việc dạy người hay dạy đạo đức gần như bị xem nhẹ và kéo dài suốt hàng chục năm nay dẫn tới thế hệ trẻ có những lệch lạc như chúng ta đang suy nghĩ”-Thầy Nguyễn Văn Hòa./.
Thực tế, chương trình môn giáo dục công dân hiện hành vẫn chủ yếu coi trọng lý thuyết, coi nhẹ thực hành, chưa chú trọng đến rèn luyện kỹ năng cho HS, chưa hướng tới việc hình thành cho HS những phẩm chất năng lực cần thiết của người công dân. Ông Đào Đức Doãn, chủ biên Chương trình môn Giáo dục công dân 2018 cũng thừa nhận điều đó và cho rằng, nhiều nội dung dạy học chưa gắn với đời sống tuổi trẻ, chưa gắn với thay đổi của đất nước và thời đại, chưa sát đối tượng, tạo áp lực cho cả dạy và học. Kiến thức lồng ghép trong giáo dục đạo đức quá ôm đồm, thiếu tính hệ thống, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn...
“Muốn đổi mới giáo dục đạo đức trong dạy học môn giáo dục công dân phải có những giải pháp đồng bộ về nhiều phương diện: Chương trình, sách giáo khoa, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý... Trong đó, giáo viên đóng vai trò quyết định” - ông Doãn nhấn mạnh.
Phải giữ vị trí quan trọng hàng đầu
Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn của trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, thầy Nguyễn Văn Hòa cho biết: “Tôi quan niệm giáo dục đạo đức phải bắt nguồn từ quan niệm mục tiêu giáo dục, dạy học ở trường phổ thông là dạy học sinh nên người, giáo dục hình thành nhân cách thì phải giáo dục đạo đức thông qua tất cả các môn học, các môn văn hóa và các hoạt động. Cái đích cuối cùng là giáo dục con người và chỉ có hình thành được phẩm chất con người thì các bộ môn văn hóa, kỹ năng đấy mới hiệu quả...”.
Theo thầy Hòa, giá trị sống và kỹ năng sống là nền tảng của giáo dục đạo đức. Cụ thể, giá trị sống là dạy học sinh biết yêu thương, tôn trọng, trung thực, trách nhiệm, bao dung, đoàn kết, chia sẻ, lắng nghe... những giá trị của bản thân, những đóng góp cho gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm, các hoạt động xã hội, thiện nguyện, đền ơn đáp nghĩa... để HS cảm nhận được khó khăn của người khác.
Đồng quan điểm, TS. Võ Thế Quân, Hiệu trưởng Trường THPT Đông Đô (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: Từ khi thành lập năm 1991 đến nay, Trường THPT Đông Đô đã kiên trì thực hiện có hiệu quả các giải pháp giáo dục đạo đức, lối sống HS như đưa bộ môn Kỹ năng sống vào chương trình dạy học chính thức trong nhà trường. Chương trình dạy học mỗi tuần 2 tiết, cả năm học 72 tiết, cả lý thuyết và thực hành với rất nhiều nội dung phong phú về đạo đức, lối sống cho HS. Nhà trường đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử đối với cán bộ GV và HS...
Đại diện Trường đại học Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng, với đặc thù là trường đào tạo giáo viên nên lãnh đạo trường luôn coi trong tầm quan trọng trong công tác giáo dục đạo đức lối sống cho SV. Hằng năm, bên cạnh việc đánh giá kết quả học tập, SV của trường còn được đánh giá 2 lần/năm các hoạt động rèn luyện khác mang đậm tính chất đạo đức, lối sống. Coi đó là nhiệm vụ SV phải thường xuyên ý thức rèn luyện và tự giác thực hiện tốt nhất...
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, để làm tốt công tác này, cần có cơ chế phối hợp giáo dục giữa Gia đình - Nhà trường - Xã hội. Nhà trường phải tăng cường chăm lo giáo dục đạo đức cho HS, SV. Đồng thời trao quyền tự chủ, dân chủ cho giáo viên để họ phát huy tính sáng tạo trong phương pháp dạy học. Về phía gia đình, hiện nay mô hình truyền thống đang bị phá vỡ, có tới 70 - 80% gia đình “đói” về giáo dục gia đình. Vì thế, cần có chương trình Quốc gia về giáo dục gia đình. Và cuối cùng, xã hội phải là một xã hội có kỷ cương, luật pháp phải nghiêm minh. “Ngoài chỉ số đánh giá về kinh tế, chúng ta nên có chỉ số phát triển về giáo dục” - thầy Lâm đề xuất.
Sau khi ghi nhận ý kiến của các nhà khoa học, các nhà giáo..., Liên hiệp hội kiến nghị với Bộ GD-ĐT tạo cơ chế chính sách về công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, SV. Đồng thời là cơ sở để đề nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết chuyên đề về giáo dục đạo đức lối sống cho HS, SV./.
Báo động tình trạng bạo lực học đường, trẻ em bị xâm hại tình dục
Bạo lực học đường: Bố mẹ không có thời gian nhận ra con bị tổn thương
Từ khóa: kỹ năng sống, đạo đức lối sống, bạo lực học đường
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN