Chánh án TAND tối cao: "Nhiều vụ án tham nhũng lớn được đưa ra xét xử nghiêm minh"
Cập nhật: 09/11/2020
Hé lộ kế hoạch cải tổ FBI của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Chớp thời cơ, Nga tung hàng loạt đòn tấn công ác liệt mới vào lực lượng Ukraine
VOV.VN - Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn như: vụ án Đinh La Thăng; vụ án Trịnh Xuân Thanh; các vụ án liên quan đến ngân hàng... đã được đưa ra xét xử nghiêm minh.
Sáng 6/11, Chánh án Toàn án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, báo cáo Quốc hội về Kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.
Tổ chức phiên tòa mẫu và thụ lý 19 yêu cầu bồi thường
Công tác bảo đảm tranh tụng, chống oan, sai trong xét xử, các Tòa án đã làm tốt và đẩy mạnh tranh tụng tại tất cả các phiên tòa xét xử, thực hiện nghiêm nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Tòa án nhân dân tối cao đã biên soạn giáo trình và tổ chức nhiều khóa bồi dưỡng, tập huấn, hội thảo về kỹ năng tổ chức tranh tụng tại phiên tòa.
Nhiều Tòa án địa phương đã chủ động xây dựng quy chế, chương trình phối hợp với Viện kiểm sát cùng cấp tổ chức các “Phiên tòa mẫu”, “Phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm”... Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành 02 Thông tư quy định về phòng xử án và Quy chế tổ chức phiên tòa. Việc tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp đã thể hiện sự trang nghiêm, bình đẳng giữa các bên, tạo tâm lý thuận lợi cho luật sư khi tranh tụng.
Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, từ ngày 1/10/2015 đến ngày 30/9/2020, các Tòa án đã thụ lý 19 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của Tòa án; đã giải quyết dứt điểm 15 trường hợp. Các Tòa án cũng đã giải quyết 60/76 vụ án dân sự mà người bị thiệt hại khởi kiện các cơ quan nhà nước yêu cầu bồi thường.
“Việc giải quyết bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được các Tòa án thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật” - Chánh án Toàn án nhân dân tối cao khẳng định.
Tổ chức đối thoại trực tuyến định kỳ giữa Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao với Thẩm phán toà quốc để giải đáp những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn xét xử. Đã hoàn thiện quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ theo thủ tục đơn giản hơn, hiệu quả hơn. Tính đến nay, đã công bố được 39 án lệ với chất lượng ngày càng cao và đã có hàng ngàn bản án, viện dẫn áp dụng án lệ trong xét xử.
Xét xử nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn
Theo Chánh án Toàn án nhân dân tối cao, trong xét xử các vụ án hình sự, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người không có tội.
“Thực hiện nghiêm túc, có chất lượng chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn như: vụ án Đinh La Thăng; vụ án Trịnh Xuân Thanh; các vụ án liên quan đến ngân hàng... đã đưa ra xét xử nghiêm minh. Áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản của Nhà nước” - ông Nguyễn Hòa Bình nói.
Về giải quyết các vụ án liên quan tới nợ tiền bảo hiểm xã hội theo đề nghị của một số Đại biểu Quốc hội, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 hướng dẫn áp dụng các Điều 214, Điều 215, Điều 216 của Bộ luật Hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; tăng cường chỉ đạo các Tòa án xét xử nghiêm các hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội theo đúng quy định.
Về công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, theo Chánh án Toà án nhân dân tối cao (từ ngày 1/6/2019 đến ngày 30/9/2020) các Tòa án đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm đối với 37 vụ với 147 bị cáo; đã xét xử 25 vụ với 90 bị cáo phạm các tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai, vi phạm các quy định về sử dụng đất đai, vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Các Tòa án đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm sớm đưa vụ án ra xét xử; trong thời gian qua, không có vụ án nào để quá hạn luật định. Đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản của Nhà nước, thu hồi tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt.
Trước tình trạng xâm hại tình dục trẻ em gia tăng phức tạp, nhiều đại biểu Quốc hội đã yêu cầu tăng cường hoạt động phòng, chống loại tội phạm nguy hiểm này.
Chánh án Toà án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 1/10/2019 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.
Tòa án nhân dân tối cao đã thành lập 38 Tòa gia đình và người chưa thành niên tại các Toà án nhân dân cấp tỉnh. Các Tòa án đã tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng khẩn trương nghiên cứu hồ sơ nên hầu hết các vụ án xâm hại trẻ em đều được đưa ra xét xử nghiêm minh, trong thời hạn luật định. Mức hình phạt mà các Tòa án đã tuyên phạt bảo đảm nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật; tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo./.
Từ khóa: vụ án tham nhũng, vụ án kinh tế lớn, vụ án Đinh La Thăng, đại án ngân hàng, Chánh án Toàn án nhân dân tối cao, Nguyễn Hòa Bình
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN