Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình xét xử vụ Hồ Duy Hải

Cập nhật: 06/05/2020

VOV.VN - Theo đánh giá của Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, vụ án Giết người, Cướp của liên quan đến tử tù Hồ Duy Hải là vụ án đặc biệt nghiêm trọng.

Khai mạc phiên Giám đốc thẩm, yêu cầu đặt ra là cẩn trọng, khách quan

Vào lúc 8h sáng ngày 6/5 tại TAND Tối cao (Hà Nội), vụ xét xử Giám đốc thẩm tử tù Hồ Duy Hải đã diễn ra, với Chủ tọa phiên tòa làChánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình.Tham dự phiên tòa giám đốc thẩm có đại diện các cơ quan gồm: Văn phòng Chủ tịch nước, Ban Nội chính Trung ương; lãnh đạo Ủy ban Tư pháp Quốc hội; Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao; lãnh đạo Cục C01 Bộ Công an; TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, Viện KSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh; các cơ quan tố tụng của tỉnh Long An và đại diện luật sư bào chữa cho bị cáo Hồ Duy Hải.

Theo Chánh án TAND Tối cao - Nguyễn Hòa Bình, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng.

chanh an tand toi cao nguyen hoa binh dang xet xu vu ho duy hai hinh 1
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu khai mạc phiên tòa. (Ảnh: Hiệp Anh)

Sau hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, HĐXX đều tuyên án Hồ Duy Hải mức án Tử hình về tội Giết người và Cướp tài sản. Năm 2019, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm vụ án.

Phiên xử Giám đốc thẩm tiến hành kiểm tra, thẩm định đánh giá tính hợp pháp có căn cứ của các tài liệu đã có trong hồ sơ, tập trung vào những tài liệu chứng cứ đã nêu trong kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Do đó, bị cáo Hồ Duy Hải không cần phải có mặt tại phiên Giám đốc thẩm.

Ngoài ra, Hội đồng cũng xem xét và làm rõ những chứng cứ và tài liệu mới có thể được các cơ quan tố tụng, VKS, luật sư trình bày với Hội đồng thẩm phán.Yêu cầu đặt ra là cần xem xét cẩn trọng, khách quan, toàn diện, đúng thủ tục. Không cho phép làm oan người có tội, cũng như bỏ lọt người phạm tội.

Sau phần khai mạc phiên Giám đốc thẩm, Thẩm phán Bùi Ngọc Hòa đã đọc tờ trình và nội dung vụ án.

Nhiều tình tiết uẩn khúc

Theo nội dung vụ án, tối 13/1/2008, 2 nữ nhân viên của Bưu điện Cầu Voi bị sát hại dã man ngay tại nơi làm việc. Thông qua điều tra, cơ quan Công an đã tạm giữ nhiều đối tượng nghi vấn. Sau đó, Hồ Duy Hải đã bị bắt, khởi tố, đưa ra xét xử; bản án sơ thẩm và phúc thẩm sau đó đã tuyên tử hình đối với Hồ Duy Hải. Sau khi bản án được tuyên, mẹ của Hồ Duy Hải là bà Nguyễn Thị Loan liên tục kêu oan cho con.

Ngày 14/12/2009, Tòa án nhân dân Tối cao đã có công văn trả lời đơn bà Nguyễn Thị Loan với nội dung: Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm xử phạt Hồ Duy Hải hình phạt tử hình về tội “Giết người”, “Cướp tài sản” là có căn cứ, đúng pháp luật.

Ngày 24/5/2011, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đã có quyết định không kháng nghị bản án và có Tờ trình gửi Chủ tịch nước đề nghị bác đơn xin ân giảm tử hình của Hồ Duy Hải. Tiếp đến, ngày 24/10/2011, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cũng có quyết định không kháng nghị và có Tờ trình gửi Chủ tịch nước đề nghị bác đơn xin ân giảm án tử hình của đối với Hồ Duy Hải.

chanh an tand toi cao nguyen hoa binh dang xet xu vu ho duy hai hinh 2
Toàn cảnh phiên Giám đốc thẩm.

Bà Nguyễn Thị Loan sau đó vẫn tiếp tục có đơn gửi đến các ngành chức năng thêm nhiều lần nữa. Ngày 4/12/2014, Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản thông báo tới các cơ quan chức năng về việc Văn phòng Chủ tịch nước đã nhận được đơn kêu oan của mẹ đẻ Hồ Duy Hải nên đã yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân và Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự tỉnh Long An tạm dừng thi hành án để xem xét cho kỹ trước khi tước đoạt sinh mạng một con người. Cùng ngày 4/12/2014, Tòa án nhân dân Tối cao có công văn đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Long An chỉ đạo Hội đồng thi hành án tỉnh Long An tạm dừng việc thi hành án tử hình đối với Hải.

Sau khi tạm dừng việc thi hành án tử hình, liên ngành Tư pháp Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội... đã nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ án; nghiên cứu những vấn đề do luật sư, người khiếu nại, người kiến nghị và báo chí đưa ra có liên quan đến vụ án; làm việc với các cơ quan tố tụng tỉnh Long An, lấy lời khai của Hồ Duy Hải tại trại giam; trực tiếp đến quan sát hiện trường vụ án.

Trong nhiều năm, có nhiều quan điểm khác nhau xung quanh bản án tử hình và những ý kiến đề nghị làm rõ những tình tiết liên quan đến vụ án này. Sau đó, Văn phòng Chủ tịch nước cũng có Công văn thông báo ý kiến của Chủ tịch nước, đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xem xét, quyết định theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật đối với vụ án.

Đến tháng 11/2019, hơn 11 năm sau khi vụ án xảy ra, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án hình sự sơ thẩm, phúc thẩm của vụ án Hồ Duy Hải. Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy toàn bộ 2 bản án đã xét xử Hồ Duy Hải về tội "Giết người", "Cướp tài sản", để điều tra lại, đồng thời tạm đình chỉ thi hành bản án hình sự phúc thẩm đối với Hồ Duy Hải./.

Từ khóa: Hồ Duy Hải, chánh án TAND Tối cao, tử tù Hồ Duy Hải, TAND Tối cao

Thể loại: Pháp luật

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập