Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai: Quỳ giữa tòa là dàn dựng
Cập nhật: 16/09/2020
Hé lộ kế hoạch cải tổ FBI của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Chớp thời cơ, Nga tung hàng loạt đòn tấn công ác liệt mới vào lực lượng Ukraine
VOV.VN - Trước phát ngôn trên, nguyên đơn 79 tuổi rất bức xúc và tuyên bố sẽ kiện phát ngôn của ông Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai.
Hình ảnh cụ ông quỳ tại tòa xin được xét xử vụ kiện kéo dài 20 năm khiến dư luận bức xúc những ngày qua. Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai cho rằng: Đây là sự hành vi được dàn dựng.
Vụ án kéo dài là không bình thường
Ngày 15/9, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai có công văn phúc đáp thông tin báo chí của Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại TPHCM liên quan đến vụ kiện kéo dài 20 năm giữa nguyên đơn là ông Trần Hữu Sỹ (sinh năm 1941, thường trú tại Ấp 2, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) với bị đơn là Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai.
Câu hỏi đặt ra trong vụ kiện này là: Vì sao suốt 9 năm từ cuối năm 2010, đến năm 2019, TAND huyện Vĩnh Cửu mới đưa vụ kiện ra xét xử lại sau khi bị TANDTC hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm ở Đồng Nai?
Tuy nhiên, trong công văn phúc đáp số 769/TA-KTNV ngày 14/9/2020 do Chánh án Võ Văn Phước ký không trả lời thẳng vào câu hỏi, mà chỉ "điểm lại" các mốc thời gian giải quyết vụ án và không chỉ ra nguyên nhân nào dẫn đến sự chậm trễ này.
Người đứng đầu TAND tỉnh Đồng Nai cho biết, “đã chỉ đạo các thẩm phán tiến hành tố tụng tại cấp sơ thẩm có báo cáo, giải trình. TAND tỉnh Đồng Nai sẽ kiểm tra và sẽ thông tin kết quả cụ thể sau. Trường hợp phát hiện có sai phạm của thẩm phán, sẽ xử lý theo quy định”.
Theo Luật sư Giang Hồng Thanh – Đoàn luật sư TP. Hà Nội, về thời hạn giải quyết vụ án dân sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 và Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định: Giai đoạn xét xử sơ thẩm không quá 8 tháng kể từ khi thụ lý vụ án; toà án cấp phúc thẩm phải mở ra sau 4 tháng kể từ khi thụ lý vụ án.
Thời hạn này có thể sẽ kéo dài ngoài mong muốn của Tòa án trong các trường hợp như: Tòa án phải tạm đình chỉ xét xử vì một số lý do như chờ kết quả giám định, chờ kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan đến vụ án đang giải quyết, các đương sự xin hoãn phiên tòa…
Nếu tạm đình chỉ hoặc hoãn phiên tòa không thuộc trường hợp được quy định thì rõ ràng có điều gì đó không khách quan, không minh bạch trong cách giải quyết của người tiến hành tố tụng.
“Tôi thấy một vụ án kéo dài 20 năm, trong đó có hơn 9 năm kể từ khi có Quyết định giám đốc thẩm mới mở lại phiên tòa là quá lâu và không bình thường, gây bao phiền hà, tốn kém cho không chỉ các đương sự mà cho cả cơ quan Nhà nước” - Luật sư Giang Hồng Thanh nói.
Nguyên đơn: “Tôi quỳ lạy là để xin các ông xét xử”
Công văn số 769/TA-KTNV còn giải thích về hình ảnh và nội dung liên quan đến việc “Nguyên đơn quỳ giữa tòa, đội đơn xin xử án”. Theo đó, Chánh án Võ Văn Phước cho biết: sáng ngày 8/9/2020, HĐXX phúc thẩm đã tiến hành các thủ tục để chuẩn bị mở phiên toà. Tuy nhiên, do kiểm sát viên đang phải tham gia phiên toà khác, nên thời điểm mở phiên toà bị chậm trễ so với thời điểm được ấn định tại thông báo mở phiên toà.
Khoảng 10h30 cùng ngày, chủ toạ phiên toà là ông Trần Thanh Phong công bố phiên toà khai mạc. Tại phần thủ tục, thư ký phiên toà báo cáo việc đại diện theo uỷ quyền của bị đơn nộp đơn xin hoãn phiên toà do bệnh rối loạn tiêu hoá.
Sau khi thảo luận, tất cả thành viên của HĐXX xác định, lý do bị đơn xin hoãn phiên toà phù hợp với quy định tại khoản 2, điều 296, Bộ Luật Tố tụng dân sự, nên thống nhất quyết định hoãn phiên toà và ấn định lại thời gian xét xử ngày 25/9 tới. Quyết định hoãn phiên toà phúc thẩm được công bố công khai tại phiên toà.
Vẫn theo Công văn trên: Trong suốt quá trình diễn biến phiên toà từ thời điểm khai mạc cho đến khi kết thúc, HĐXX và Thư ký khẳng định không có việc “Nguyên đơn quỳ giữa toà, đội đơn xin xử án” tại phiên toà như một số báo phản ánh. Hình ảnh ông Trần Hữu Sỹ “quỳ giữa toà, đội đơn xin xử án” là sự dàn dựng và được thực hiện vào thời điểm nào, HĐXX và thư ký phiên toà không rõ và không trực tiếp chứng kiến.
Trả lời phóng viên VOV về nhận định trên của Chánh án Đồng Nai, nguyên đơn Trần Hữu Sỹ tỏ ra rất bức xúc: “Tôi quỳ lạy là để xin các ông xét xử, không quỳ thì có đến chết vụ kiện này cũng không được giải quyết. Tôi đi kiện từ năm 60 tuổi, đến nay gần 80 mà vụ việc vẫn chưa được giải quyết thoả đáng. Chẳng ai thúc ép hay xúi được tôi quỳ trước tòa”.
Ông Trần Hữu Sỹ cho biết, sẽ khởi kiện Chánh án Võ Văn Phước về quy buộc, ông quỳ trước toà, đội đơn xin xét xử là hành vi có dàn dựng./.
Từ khóa:
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN