Chậm phục hồi kinh tế, năm 2023 ĐBSCL mất dần lợi thế về môi trường kinh doanh

Cập nhật: 12/12/2023

VOV.VN - Ngày 12/12, tại Cần Thơ, Liên Đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ Công bố Báo cáo Kinh tế Thường niên đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2023. Nghiên cứu nhận định kinh tế vùng ĐBSCL phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 nhưng chậm hẳn lại trong năm 2023.

Kinh tế phục hồi chậm dẫn đến thực trạng ĐBSCL đang tụt hậu so với đà tăng trưởng kinh tế của cả nước. Theo đó, tại Lễ Công  bố,  các đại biểu là chuyên gia đã thảo luận tìm giải pháp phục hồi và đưa nền kinh tế ĐBSCL phát triển trở lại dựa trên 6 nhóm nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các thách thức hiện nay ở ĐBSCL trong Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL năm 2023.

Trước ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thế giới, sự suy giảm sức cầu cả trong và ngoài nước khiến tăng trưởng của Việt Nam trong 9 tháng năm 2023 chỉ đạt 4,2% so với cùng kỳ. Dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 chỉ trên dưới 5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 6,5% do Quốc hội đề ra.

Tương tự cả nước, kinh tế vùng ĐBSCL phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 nhưng chậm hẳn lại trong năm 2023. Cụ thể, cơ cấu GRDP của vùng ĐBSCL gần như không có sự thay đổi; Vòng xoáy đi xuống về nguồn nhân lực vẫn đang tiếp diễn; Chất lượng lao động qua đào tạo của ĐBSCL tuy có cải thiện song vẫn luôn là một quan ngại lớn, trong năm 2022, tỷ lệ này tại ĐBSCL chỉ đạt 15%, thấp hơn cả Tây Nguyên (17%) và thấp hơn nhiều so với cả nước (26%); Sự phân hóa về tỷ lệ hộ nghèo giữa các tỉnh trong Vùng là rất lớn.

Bên cạnh đó, sau một thời gian khá dài có mức PCI cao hơn mặt bằng chung thì đến năm 2021, PCI trung bình của ĐBSCL đã giảm xuống bằng mức trung bình cả nước. Đến năm 2022, PCI trung bình ĐBSCL đã thấp hơn so với cả nước, ĐBSCL cũng đang dần mất đi lợi thế về môi trường kinh doanh.

Quá trình nghiên cứu cho báo cáo thường niên nhận thấy, 6 nhóm nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các thách thức hiện nay ở ĐBSCL, gồm: điều kiện tự nhiên; công nghệ; vốn nhân lực; kết cấu hạ tầng; môi trường đầu tư – kinh doanh; cơ chế quản trị – hợp tác – liên kết vùng. Các nguyên nhân trực tiếp này lại là kết quả của nhiều thể chế, chính sách và các quá trình kinh tế đan xen được tạo thành từ những nguyên nhân thể chế có tính nền tảng, nếu không được điều chỉnh, cả trong dài hạn thì vùng sẽ khó phát triển nhanh và bền vững.

Phát biểu khai mạc tại Lễ công bố, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, báo cáo ra mắt trong bối cảnh các tỉnh ĐBSCL vừa hoàn thành quy hoạch cấp tỉnh, cần một cơ chế thực thi, giải quyết các trở ngại trong quá trình triển khai quy hoạch của từng địa phương; đồng thời, vùng cần cơ chế hợp tác giữa các tỉnh/thành để khai thác các nguồn lực một cách hiệu quả, phát triển kinh tế xã hội theo đúng hướng  quy hoạch tích hợp đã được Thủ tướng phê duyệt. ĐBSCL mới có thể thành “điểm sáng” trong tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu Nghị quyết 13 đề ra.

“Kết quả nghiên cứu Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL năm 2023 đã khẳng định một thông điệp quan trọng; “Thể chế hợp tác vùng rất quan trọng với ĐBSCL. Đây là tiền đề để chính quyền các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ, để doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh thuận lợi, để nguồn lực được sử dụng hiệu quả nhất. Cải thiện mạnh mẽ thể chế hợp tác vùng là cơ sở và nền tảng quan trọng để ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới”. Kết quả nghiên cứu báo cáo năm nay sẽ đóng góp thiết thực cho quá trình hoàn thiện pháp luật của Việt Nam trong thời gian tới, cung cấp thông tin hữu ích cho Chính phủ trong chỉ đạo điều hành” - ông Phạm Tấn Công nói.

Sau Lễ Công bố, chiều cùng ngày, Diễn đàn Chính sách “Phát triển Kinh tế ĐBSCL nhìn từ liên kết vùng và hợp tác giữa các địa phương” cũng được tổ chức nhằm đánh giá về cơ chế triển khai quy hoạch vùng ĐBSCL và quản trị tài nguyên trước biến đổi khí hậu; đồng thời đánh giá liên kết vùng và chuyển đổi cơ cấu kinh tế để các địa phương nhận diện chính sách phát triển và doanh nghiệp cần có sự chuyển đổi mô hình kinh doanh mới cho phù hợp với bối cảnh thay đổi tại ĐBSCL.

Từ khóa: ĐBSCL, phục hồi kinh tế,môi trường kinh doanh,kinh tế vùng ĐBSCL

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: hồng phương/vov-đbscl

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan