CEO Meet More Nguyễn Ngọc Luận sống chết vì nông sản Việt
Cập nhật: 11/02/2021
VOV.VN - Meet More tự hào là đơn vị tiên phong trong sản xuất cà phê nông sản mới. Thoát ra khỏi những suy nghĩ về một ly cà phê nguyên chất.
Đưa hương vị xoài, dừa, khoai môn, nhàu... vào cà phê, tạo nên thương hiệu cà phê trái cây Meat More là ý tưởng táo bạo, đột phá của CEO Nguyễn Ngọc Luận. Hương vị mà người uống được trải nghiệm khi dùng sản phẩm của Meat More không chỉ đậm đà vì hương vị của các loại trái cây Việt, mà còn rất ngọt ngào dư vị của tình người. Ông mong muốn thức uống cà phê chứa đựng những tinh hoa của trái cây Việt Nam sẽ được đưa tới tận tay người dân Việt Nam. Với ông, thức uống cà phê ấy không những tốt cho sức khỏe, mà còn là niềm tự hào để bạn bè quốc tế thấy được sự trù phú của nông sản Việt Nam. Phóng viên VOV.VN có cuộc trò chuyện với CEO Nguyễn Ngọc Luận về vấn đề này.
PV: Câu chuyện về thương hiệu cà phê nông sản Việt khiến anh trăn trở và sống chết với sản phẩm. Vậy đâu là động lực để anh phát triển và đưa sản phẩm nâng tầm thế giới?
CEO Nguyễn Ngọc Luận: Thời gian gần đây chúng ta nhiều lần rộ lên vấn đề giải cứu trái cây cho nông dân Việt Nam. Nào là “ giải cứu” nông dân và dần dần đây sẽ trở thành một tiền lệ hết giải cứu dưa hấu, thanh long, xoài, … rồi lại đến trứng gà, tôm hùm…. Vì sao nên nỗi này? Tôi đã chia sẻ những vấn đề này cùng các DN và các tổ chức tại VN. Nông sản Việt nhất là những loại trái cây giàu chất dinh dưỡng, vitamin và bổ dưỡng cho cơ thể nhưng chúng ta lại không biêt tận dụng để chế biến thành những loại nước uống hàng ngày. Một mặt giúp nông dân có thị trường đầu ra ổn định, mặt khách giúp cho người tiêu dùng được sử dụng những loại thực phẩm chất lượng cao ngay chính tại đất nước mình.
Tôi biết muốn làm thay đổi được điều đó không dễ, từ việc phải đầu tư công nghệ, đến việc để cho người dân nhận thức được các vấn đề đó và cho họ thay đổi được thói quen tiêu dùng (thích hàng ngoại) thì quả thực không đơn giản chút nào.
Chính vì nhưng suy nghĩ đó mà tôi âm thầm tìm hiểu để người dân Việt Nam thay đổi sử dụng các sản phẩm của Việt Nam. Cách duy nhất là phải đưa các sản phẩm trái cây của mình vào các món ăn, thức uống hằng ngày, tạo thành thói quen tiêu dùng. Nếu thành công chúng ta có thị trường lớn và sẽ không còn phải loay hoay mãi với bài toán “giải cứu” như hiện nay.
Với những băn khoăn đó, năm 2017 tôi đã cùng với vài đồng nghiệp nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm cà phê hòa tan trái cây (không phải hương vị trái cây). Trái cây như dừa, mít, khoai môn, xoài, nhàu… được đưa vào cà phê hòa tan bằng phương pháp kỹ thuật để hòa nguyện vào cà phê, trở thành một thức uống hàng ngày cho giới trẻ, cho những người không uống được cà phê và trở thành một món đồ uống mới trên thị trường. Mặc dù tôi biết sẽ rất khó khăn để một sớm một chiều thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam chấp nhận ngay được nhưng tôi sẽ theo đuổi để thực hiện việc thay đổi này.
PV: Thưa anh, năm 2020 là một năm đầy khó khăn, nhưng anh vẫn mạnh dạn có những đột phá với dòng sản phẩm mang thương hiệu Việt như thế nào?
CEO Nguyễn Ngọc Luận: Năm 2020 ai cũng biết là một năm vô cùng khốc liệt và thêm một điểm là chúng ta không có kịch bản nào trước trong việc kinh doanh. Đây là giai đoạn khó khăn chung không những cho bản thân tôi, hay những doanh nghiệp Việt Nam mà còn quy mô trên toàn cầu.
Cá nhân tôi đánh giá mặc dù toàn thế giới khó khăn chung nhưng nếu tìm ra cách giải quyết chúng ta có thể vượt qua, bằng những kế hoạch riêng của mỗi doanh nghiệp.
Trong năm 2020 dù khó nhưng đây cũng là một cơ hội cho các ngành hàng thực phẩm cao cấp và chất lượng phục vụ cho sức khỏe. Meet More đang có những lợi thế đó vì là nguyên liệu từ nông sản đạt các tiêu chuẩn cao về chất lượng ngay từ khi trồng trọt cho đến chế biến sau thu hoạch, Meet More ngay từ ban đầu đã định hướng theo sứ mệnh nâng cao “Nông sản Việt” và trọng tâm vào nghiên cứu và cho ra các dòng sản phẩm này, do đó đây chính là chìa khóa để Meet More mạnh dạn phát triển một thương hiệu Việt với những dòng sản phẩm từ nông nghiệp Việt ở mọi miền trên cả nước.
PV: Tại sao không phải là cà phê Việt mà lại là cà phê nông sản, nghe có vẻ rất mới lạ, thưa anh?
CEO Nguyễn Ngọc Luận: Tôi chỉ nghĩ rất đơn giản và thực tế với câu chuyện của mình. Như các sản phẩm cà phê của Meet More, nếu tôi lựa con đường cà phê truyền thống như Vinacafe hay Trung Nguyên thì chắc chắn tôi đã rất vất vả và chưa chắc đã thành công.
Tôi lựa chọn sản xuất cà phê hoà tan trái cây, rau củ quả. Sản phẩm là các loại cà phê hoà tan trái dừa, xoài, nhàu, khoai môn… Việt Nam có bao nhiêu loại rau củ quả thì tôi sẽ có bấy nhiêu loại cà phê. Và như vậy, chúng tôi được thị trường đón nhận nhanh chóng. Dù là thị trường trong nước hay quốc tế. Một minh chứng cụ thể cho thấy khách hàng tại Hàn Quốc, Úc và Mỹ đều thích sản phẩm này. Cũng là một cách mang thương hiệu nông sản Việt Nam ra bên ngoài hiệu quả.
Đối với cà phê nông sản Việt thì đối tuợng sử dụng là những người không uống được cà phê truyên thống, những chị em phụ nữ không uống được cà phê, những bạn trẻ .... quan trọng nhất đây là sản phẩm có thể làm thay đổi tư duy của các bạn trẻ ủng hộ các sản phẩm của Việt Nam.
PV: Được biết sản phẩm của anh đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới, vậy chặng đường ban đầu có những khó khăn như nào để có thể khẳng định được mình trên trường quốc tế?
CEO Nguyễn Ngọc Luận: Cà phê trái cây Việt đã có mặt trong các siêu thị Úc, Hàn, Mỹ, Nga.... Tuy nhiên để sản phẩm Việt hiện diện trên thị trường nước ngoài thực sự không đơn giản. Trong nhiều năm tôi đi khảo sát thị trường các nước, tìm hiểu trực tiếp các siêu thị nước ngoài và những người đã nhập khẩu hàng để phân phối bên đó nhiều năm để nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng, yêu cầu của thị trường. Một điều thấy khá rõ ràng nếu Việt Nam chỉ xuất khẩu thô thì giá trị thu được không cao và khách nước ngoài không biết đến giá trị cà phê của Việt Nam đằng sau còn gì nữa.
Cà phê và nông sản của Việt Nam có tiếng nhưng không thể xuất tươi. Sau 4 năm nghiên cứu ra sản phẩm cà phê nông sản của mình nên khi xuất khẩu sang nước ngoài đối tác đón nhận rất hào hứng. Họ chuyển trạng thái từ nghi ngời sang bất ngờ và không nghĩ đây là sản phẩm của Việt Nam.
PV: Được biết, một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Meet More là Úc. Ông có thể chia sẻ về kinh nghiệm tiếp cận thị trường này và những bước đi hiện nay?
CEO Nguyễn Ngọc Luận: Úc là một thị trường cực kỳ tiềm năng mà hiện nay toàn bộ nông sản của các nước trong khu vực như: Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan gần như đều có mặt, trong khi nông sản Việt rất hiếm hoi.
Bởi lẽ, nông sản Việt Nam hiện vẫn đi đường vòng, hầu hết bị thu mua bởi các doanh nghiệp Trung Quốc, Thái Lan sau đó được chế biến sâu và xuất khẩu sang thị Australia chứ có rất ít sản phẩm xuất khẩu được chính ngạch.
Điều này vô hình chung đã kiến thương hiệu nông sản Việt Nam không được biết đến rộng rãi trên toàn cầu, thua kém hơn rất nhiều so với các thương hiệu của Trung Quốc và Thái Lan.
Nguyên nhân sâu xa theo tôi là do các doanh nghiệp Việt chưa sẵn sàng cho cuộc chơi mới. Đó là cuộc chơi toàn cầu, trong đó việc xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu của mình là một yếu tố sống còn.
Ngoài ra, các tiêu chuẩn, quy định để xuất khẩu sang thị trường khó tính như Australia, tôi tin rằng nhiều doanh nghiệp còn chưa nắm rõ. Ngay kể cả khi sản phẩm của Meet More đã xuất khẩu sang Mỹ, Hàn Quốc thì đến khi xuất khẩu vào Úc vẫn gặp rào cản.
Như bao bì của sản phẩm, thị trường Úc yêu cầu công bố chi tiết thành phần của sản phẩm và đã công bố là phải đúng, chứ không thể sai lệch vì cơ quan chức năng của nước sở tại sẽ tiến hành kiểm tra.
Như vậy, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang thị trường này cần chuẩn hoá toàn bộ bộ nhận diện thương hiệu cũng như bao bì, không phải thích đưa hình ảnh, thông tin gì lên thì đưa.
Thứ hai là Úc có một bộ tiêu chuẩn riêng dành cho nông sản, mà nhiều doanh nghiệp không hề biết. Trong 8 tháng bị mắc kẹt tại Úc do dịch Covid-19, chúng tôi đã đi một loạt toàn bộ từ Sydney cho đến Melbourne, thâm nhập được vào các chuỗi cung ứng của họ sau đó biên soạn một bộ tài liệu các điều kiện để được nhập khẩu hàng hoá vào thị trường Úc. Tài liệu này không chỉ riêng về thực phẩm, nông sản mà bao gồm nhiều mặt hàng khác.
Không phải quốc gia nào cũng sử dụng quy định chung theo toàn cầu mà nhiều quốc gia họ có bộ quy tắc riêng. Ngoài ra, diễn biến của dịch Covid-19 cũng khiến các quy định về xuất nhập khẩu cũng có sự thay đổi chóng mặt, đòi hỏi phải cập nhật thường xuyên.
PV: Không chỉ đầu tư nâng tầm sản phẩm mang thương hiệu Việt anh còn là người truyền cảm hứng về khởi nghiệp cho rất nhiều các bạn trẻ. Vậy điều anh mang tới thổi bùng ngọn lửa sáng tạo cho các bạn là gì?
CEO Nguyễn Ngọc Luận: Mới đây, tôi đã khởi động chương trình “Khởi nghiệp cùng thương hiệu Meet More” nhằm giúp cho các bạn trẻ khởi nghiệp thành công, đặc biệt là thời điểm sau Covid-19
Sứ mệnh mới đem theo trách nhiệm lớn lao hơn. Mong muốn để mọi người dân đều có thể thưởng thức Meet More cà phê. Và không chỉ đem lại sự ngọt ngào của từng hương hoa quả đặc trưng trong vị giác, mà còn là sự ngọt ngào của tình người. Ở đó có thể thấy được những giải pháp, những đam mê, ấp ủ giúp cho các bạn trẻ khởi nghiệp, giúp cho những người nông dân và các doanh nghiệp nông sản trong nước có thêm giải pháp.
PV: Năm 2021 vẫn sẽ là một năm nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp, vậy hướng đi của anh như thế nào về dòng sản phẩm mang thương hiệu Việt của doanh nghiệp mình?
CEO Nguyễn Ngọc Luận: Khi dịch Covid-19 bất ngờ ập tới đã cho thấy bức tranh thực nhất về nông nghiệp Việt Nam. Vì sao, bởi trước đây chúng ta không hề chú trọng đến chế biến sâu. Quá trình này đòi hỏi lãnh đạo doanh nghiệp cần phải hiểu, phải có tâm và thực sự kiên quyết để làm ra những sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao, xuất khẩu đi nhiều thị trường trên thế giới.
Trước đây, nông sản Việt hầu hết tập trung vào một thị trường - đó là Trung Quốc. Thị trường này cũng không yêu cầu những sản phẩm chất lượng cao hay chế biến sâu. Vì vậy, trong một thời gian dài, gần như các doanh nghiệp nông sản vì sự sống còn của mình nên cứ lao theo. Kết quả là không quá quan tâm đến việc tự nâng cấp mình và bỏ qua các thị trường tiềm năng khác như: Châu Âu, Mỹ hay Úc.
Tuy nhiên, chính sự phụ thuộc vào duy nhất một thị trường khiến khi xảy ra dịch bệnh Covid-19 mà nơi đầu tiên xuất hiện là Trung Quốc, lập tức các doanh nghiệp này bị rơi vào tình trạng tê liệt.
Covid-19 như một "gáo nước lạnh" tạt thẳng vào các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản theo kiểu lối mòn. Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại chuỗi cung ứng trên toàn cầu về chất lượng, sản phẩm, giá cả cũng như cách làm việc của các doanh nghiệp.
Bài học từ đợt vừa qua cho thấy các doanh nghiệp cần xem xét và có kế hoạch đầu tư bài bản hướng tới chế biến sâu cũng như đa dạng thị trường xuất khẩu.
Trong dịch Covid-19, gần như những doanh nghiệp chế biến sâu như Meet More không bị ảnh hưởng, thậm chí chúng tôi còn tăng được đơn hàng do những nhà cung cấp khác gặp khó vì dịch bệnh.
Meet More tự hào là đơn vị tiên phong trong sản xuất cà phê nông sản mới. Thoát ra khỏi những suy nghĩ về một ly cà phê nguyên chất. Cà phê Meet More độc đáo bởi sự kết hợp bất ngờ giữa cà phê nguyên chất và các loại trái cây, nông sản Việt Nam. Sau 2 năm có mặt trên thị trường, hiện cà phê trái cây Meet More đã được nhiều người yêu thích. Và đây vẫn là hướng đi của chúng tôi phát triển thêm nhiều loại cà phê trái cây khác có sẵn ở Việt Nam trong năm 2021.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò truyện này./.
Từ khóa: cà phê trái cây, cà phê meat more, ceo Nguyễn Ngọc Luận, cà phê khoai môn
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN