Carlos Ghosn là ai và vì sao người đàn ông này bị Interpol truy bắt?

Cập nhật: 10/01/2020

VOV.VN - Cựu lãnh đạo hãng sản xuất xe hơi Nissan đang trở thành tâm điểm truy bắt của Interpol sau khi trốn thoát khỏi Nhật Bản tới Lebanon một cách bí ẩn.

Interpol đã phát “Thông báo Đỏ” tới Lebanon, một yêu cầu không mang tính ràng buộc nhằm truy bắt Carlos Ghosn, cựu lãnh đạo hãng sản xuất xe hơi Nissan của Nhật Bản, người bỏ trốn tới Lebanon hôm 31/12.

Thông báo Đỏ không phải là một lệnh bắt giữ, mà chỉ yêu cầu một nước bắt giữ tạm thời một cá nhân chờ dẫn độ. Tuy nhiên, Labenon không có thỏa thuận dẫn độ với Nhật Bản.

carlos ghosn la ai va vi sao bi interpol truy bat? hinh 1
Cựu Chủ tịch và Giám đốc điều hành Nissan, Carlos Ghosn. Ảnh: Reuters

Carlos Ghosn là ai?

Carlos Ghosn, triệu phú 64 tuổi, là cựu lãnh đạo Renault và cũng là CEO của Nissan.

Năm 1999, Renault và Nissan thành lập một liên minh chiến lược trong đó ông Ghosn là chủ tịch sáng lập và giám đốc điều hành (CEO). Ông được tin cậy với việc hồi sinh Nissan.

Ghosn có trong tay hộ chiếu Pháp, Lebanon và Brazil.

Ghosn bị cáo buộc tội gì?

Ghosn bị bắt ngày 19/11/2018 ở Tokyo. Ông bị cáo buộc đã khai báo bớt một nửa tiền lương trong giai đoạn 5 năm.

Ông bị kết tội 1 tháng sau đó và tiếp tục bị bắt lại về những cáo buộc khai bớt tiền lương trong một giai đoạn 3 năm khác.

Ngày 21/12/2018, ông bị bắt về các cáo buộc chuyển khoản tiền lỗ của cá nhân khoảng 16,6 triệu USD sang cho Nissan. Trong phiên tòa tháng 1/2019, ông tuyên bố mình vô tội và rằng ông bị cáo buộc sai. Ông đã được tại ngoại sau đó.

Các công tố viên Nhật Bản đã bắt giữ ông Ghosn lần thứ 4 vào tháng 4/2019, cáo buộc ông lợi dụng danh nghĩa của Nissan để làm giàu cho bản thân. Ông một lần nữa được bảo lãnh, nhưng theo các luật sư của Ghosn, ông đã phải trải qua hàng tuần bị biệt giam và đối mặt với 130 ngày bị chất vấn.

Tại sao Ghosn bỏ trốn khỏi Nhật Bản?

Ghosn đã gây bất ngờ và lúng túng cho giới chức Nhật Bản khi ông xuất hiện ở Lebanon trong ngày 31/12, tuyên bố ông đã bỏ trốn khỏi hệ thống pháp lý “không công bằng” của Nhật Bản.

Nhật Bản có tỷ lệ kết án lên tới 99% trong số các trường hợp truy tố hình sự. Các nhà hoạt động nhân quyền ở Nhật Bản và nước ngoài nói rằng, hệ thống tư pháp của Nhật Bản không phán xét vô tội và và dựa khá nhiều vào việc giam cầm lâu dài dẫn tới việc thú tội sai.

Các cáo buộc mà ông Ghosn đối mặt có thể bị kết án tối đa 15 năm tù.

Ông Ghosn đã trốn thoát như thế nào?

Đây là phần bí ẩn của câu chuyện cho đến giờ.

Một kênh truyền hình Lebanon nghi ngờ rằng, ông Ghosn bỏ trốn trong một thùng chứa dụng cụ âm nhạc, sau khi một nhóm nhạc biểu diễn ở nhà riêng của ông tại Tokyo.

Theo các điều khoản về bảo lãnh, ông Ghosn khi đó đang phải chịu sự giám sát. Ông phải lắp các camera giám sát ở lối vào ngôi nhà và những người hàng xóm mô tả một chiếc xe màu đen dường như luôn xuất hiện bên ngoài ngôi nhà bất cứ lúc nào ông Ghosn ở đó. Vì thế chưa rõ vì sao ông có thế trót lọt qua mắt được mọi giám sát.

Điều mà tới nay mọi người biết được là ông Ghosn đã tới Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) trên đường tới Lebanon.

Những ai liên quan tới cuộc bỏ trốn?

Đây cũng là câu hỏi gây tò mò nhưng chưa có lời đáp.

Một trong những luật sư của Ghosn, Junichiro Hironaka nói với phóng viên rằng, theo các điều khoản bảo lãnh, các cuốn hộ chiếu Pháp, Brazil và Lebanon đều do nhóm luật sư giữ.

Đài truyền hình NHK của Nhật Bản ngày 2/1 nói rằng, giới chức Nhật Bản đã cho phép Ghosn mang theo một cuốn hộ chiếu Pháp dự phòng. Điều này có thể hé lộ phần nào việc ông Ghosn vẫn có thể cách bỏ trốn bất chấp các cuốn hộ chiếu đã bị các luật sư nắm giữ.

Cũng trong ngày 2/1, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ 7 người, trong đó có 4 phi công, để tiến hành điều tra. Những người còn lại là 2 nhân viên mặt đất tại sân bay và 1 nhân viên bộ phận hàng hóa. Cả 7 người dự kiến sẽ phải ra khai trước tòa trong những ngày tới.

Dữ liệu theo dõi chuyến bay cho thấy có khả năng Ghosn đã sử dụng 2 máy bay khác nhau để bay tới Istanbul và sau đó tới Lebanon.

Ghosn đã nói những gì?

“Tôi sẽ không còn bị giam cầm thêm nữa bởi hệ thống pháp lý không công bằng của Nhật Bản, nơi mà tội lỗi bị xét đoán, sự phân biệt là quá khích và nhân quyền cơ bản bị chối bỏ, bất chấp các nghĩa vụ pháp lý theo luật quốc tế và các hiệp ước quốc tế”, Carlos Ghosn nói ngày 31/12/2019.

“Một mình tôi đã sắp xếp chuyến đi của mình. Gia đình tôi không có bất cứ vai trò nào trong việc này”, Ghosn nói ngày 2/1/2020.

Ghosn cho biết ông sẽ tổ chức một cuộc họp báo vào tuần tới./.

Từ khóa: Carlos Ghosn, cựu Giám đốc điều hành Nissan, cựu lãnh đạo Nissan, cuộc bỏ trốn của cựu chủ tịch Nissan

Thể loại: Pháp luật

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập