Cập nhật: Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu - nhân tố quyết định người thắng bầu cử Mỹ

Cập nhật: 1 giờ trước

VOV.VN - Các cố vấn cấp cao của ông Trump, những người nói rằng họ lạc quan thận trọng về cách cựu Tổng thống sẽ thể hiện trong ngày hôm nay, tin rằng thành công hay thất bại trong những giờ phút cuối cùng phụ thuộc vào một vấn đề: Đó là tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu.

Theo bạn ai sẽ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Mỹ?

Choices
 
 
 

 

19:59

Cử tri xếp hàng dài bỏ phiếu ở New Hampshire

Hàng dài cử tri đã xếp hàng tại các điểm bỏ phiếu ở Manchester, New Hampshire vào sáng 5/11 khi cuộc bỏ phiếu bầu cử tổng thống Mỹ bắt đầu.

Hầu hết các điểm bỏ phiếu ở New Hampshire mở cửa lúc 6h (giờ miền Đông) và dự kiến ​​đóng cửa lúc 20h cùng ngày.

Quan chức phụ trách bầu cử của New Hampshire David Scanlan nói với các phương tiện truyền thông địa phương rằng ông mong đợi tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu kỷ lục, dự đoán sẽ có khoảng 824.000 phiếu được bỏ tại New Hampshire.

19:51

Giới trẻ Mỹ ngày càng chuyển sang ủng hộ ông Trump?

Cựu ứng viên tổng thống và là người ủng hộ ông Donald Trump - Vivek Ramaswamy cho biết chiến dịch của ông Trump đã thu hút sự chú ý lớn hơn từ các nhóm cử tri trước đây thường bỏ phiếu cho đảng Dân chủ, bao gồm các cử tri da đen, người gốc Tây Ban Nha và Gen Z.

Ông Ramaswamy cho biết Gen Z có lý do để muốn tránh xa các cuộc xung đột nước ngoài và tránh Thế chiến III mà thay vào đó tập trung phát triển kinh tế cũng như giảm chi phí nhà ở, những vấn đề mà theo ông là quan trọng nhất đối với người trẻ Mỹ.

"Nếu tôi phải tóm tắt thành hai vấn đề thì một là mối lo ngại về cuộc xung đột ở nước ngoài mà Mỹ tham gia - điều sẽ dồn gánh nặng lên vai Gen Z và thứ hai là việc chi phí tăng cao. Những gì chúng ta thấy trong vài năm qua, đó là một thực tế khó khăn, chính là giá cả tăng và tiền lương không theo kịp", ông Ramaswamy nói.

19:41

 

19:36

Nhân tố quyết định người chiến thắng trong giờ phút cuối bầu cử Mỹ 2024

Các cố vấn cấp cao của ông Trump, những người nói rằng họ lạc quan thận trọng về cách ông Donald Trump sẽ thể hiện trong ngày hôm nay, tin rằng thành công hay thất bại trong những giờ phút cuối cùng phụ thuộc vào một vấn đề: Đó là tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu.

"Chúng tôi cảm thấy chúng tôi đang ở một vị trí mà nếu những người chúng tôi nghĩ là sẽ đi bỏ phiếu cho ông Trump đi bỏ phiếu thì ông ấy sẽ giành chiến thắng. Đó là điều cần đạt được. Nó rất gần. Thực sự rất gần", một cố vấn cấp cao của ông Trump nhận định với CNN.

Theo ông: "Tôi ghét phải nói điều có vẻ kỳ cục này. Nhưng tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là điều thực sự quan trọng và là điều duy nhất chúng tôi tập trung lúc này".

Các cố vấn của ông Trump cho biết họ tin rằng chiến dịch lần này là chiến dịch mạnh mẽ nhất ông Trump từng thực hiện, đặc biệt khi xem xét các cuộc thăm dò ý kiến công chúng so với năm 2016 và 2020.

Các cố vấn đã lấy cuộc thăm dò cuối cùng của NBC News/Wall Street Journal về cuộc bầu cử năm 2020 làm ví dụ, theo đó cho thấy ông Biden dẫn trước ông Trump trên toàn quốc 10 điểm trong số những cử tri đã đăng ký.

Tuy nhiên, các cố vấn và những người thân cận với ông Trump thừa nhận kín đáo rằng, một vấn đề tiềm ẩn gây bất an khi xem xét những dữ liệu là họ cho rằng có ít cử tri "im lặng" bỏ phiếu cho ông Trump hơn so với năm 2016 và 2020.

"Trong khi trước đây tỷ lệ bỏ phiếu cho ông ấy có thể gây ngạc nhiên, đặc biệt là vào năm 2016 và rất nhiều người giữ im lặng về lá phiếu của mình, điều không phải lúc nào cũng được ghi nhận trong dữ liệu, thì không rõ liệu chúng ta có thấy sự khác biệt đó lần này hay không", một người thân cận với ông Trump nói với CNN.

19:33

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đã đến West Palm Beach vào sáng sớm 5/11 trong bối cảnh hàng triệu người Mỹ đi bỏ phiếu để lựa chọn bầu ra vị tổng thống thứ 47 của nước Mỹ giữa hai ứng cử viên có tầm nhìn hoàn toàn khác biệt.

Ông Trump sẽ bỏ phiếu tại trung tâm giải trí Mandel ở Palm Beach.

19:22

 

18:42

Quan chức bầu cử Mỹ kêu gọi cử tri không để bị các thuyết âm mưu đánh lừa

Các quan chức bầu cử trên khắp nước Mỹ - đặc biệt là ở các tiểu bang dao động - đã cam kết duy trì tính toàn vẹn của lá phiếu và kêu gọi cử tri không nên để bị đánh lừa bởi các thuyết âm mưu.

"Ở Georgia, bỏ phiếu thì dễ nhưng gian lận thì khó", ông Brad Raffensperger, quan chức phụ trách bầu cử bang Georgia nói. "Hệ thống của chúng tôi an toàn và người dân của chúng tôi đã sẵn sàng".

Trước đó, cựu tổng thống Donald Trump tuyên bố "rất nhiều người gian dối đang cố gắng đánh cắp kết quả bầu cử", ám chỉ phe Dân chủ.

Ông cũng bày tỏ nghi ngờ về độ tin cậy của các máy bỏ phiếu, viện dẫn thông tin từ tỷ phú Elon Musk, người ủng hộ cựu tổng thống Mỹ và là chủ sở hữu mạng xã hội X. Tuy nhiên, ông Trump không đưa ra bằng chứng cụ thể nào.

18:22

Người theo đạo Hindu ở miền Nam Ấn Độ cầu nguyện cho chiến thắng của bà Harris

Trên khắp thế giới, mọi sự chú ý đều đổ dồn vào cuộc bầu cử Mỹ, những người theo đạo Hindu ở miền Nam Ấn Độ cũng không phải ngoại lệ. Họ đang cầu nguyện cho chiến thắng của bà Kamala Harris trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024.

 

"Kamala Harris sẽ tham gia cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Chắc chắn, bà ấy sẽ thắng cử", Ballu, người sáng lập Tổ chức Anukragni của nhóm Hindu Anushanath, tại thành phố Madurai ở Tamil Nadu nói.

Trong các video của Reuters và ANI News, có thể thấy các biểu ngữ có hình ảnh bà Harris được trưng bày bên cạnh các tượng thần Hindu, trong khi các linh mục cầu nguyện và dâng hoa cho các tượng thần.

Bà Harris được sinh ra trong gia đình một đôi vợ chồng nhập cư, với mẹ là người Ấn Độ, cha là người Jamaica. Nhiều người Mỹ gốc Ấn đã tỏ ra rất phấn khích sau khi bà Harris trở thành ứng cử viên của đảng Dân chủ thay đương kim Tổng thống Joe Biden tranh cử trong cuộc bầu cử năm nay.

17:58

Bốn nghi án gian lận bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 đã có lời giải

VOV.VN - Trong những ngày gần đây, trên mạng xã hội Mỹ không ngừng xuất hiện những “nghi án” gian lận phiếu bầu, làm dấy lên câu hỏi về tính toàn vẹn của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Các hội đồng bầu cử tiểu bang sau đó đã nhanh chóng làm sáng tỏ các “nghi án” này.
17:53

Mưa lớn tại một số bang chiến trường trong Ngày bầu cử

Một số tiểu bang chiến trường quan trọng đang bị ảnh hưởng bởi một luồng không khí lạnh mạnh, mang theo mưa lớn vào đúng Ngày bầu cử.

Khu vực từ phía Đông Texas đến Missouri-Illinois, bao gồm cả St. Louis là nơi hứng chịu lượng mưa lớn nhất trong ngày 5/11. Những cơn mưa vào buổi sáng sớm có thể ảnh hưởng đến các cử tri muốn di chuyển đến điểm bỏ phiếu.

Theo dự báo, mưa sẽ tiếp tục mở rộng về phía Đông, gây ảnh hưởng đến Minnesota và các tiểu bang chiến trường là Wisconsin và Michigan cũng như bang Louisiana. Trong các cuộc bầu cử trước đây, mưa được ghi nhận là yếu tố có thể làm giảm nhẹ tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu.

Wisconsin dường như là tiểu bang có thời tiết tệ nhất trong 7 bang chiến trường, khi Trung tâm Dự báo Bão đã ban hành cảnh báo bão cấp 1 trong thang 5 cấp đối với phần lớn tiểu bang này. Theo đó, mưa rào và giông bão có thể gây ra những cơn gió giật với tốc độ gió lên đến 60 dặm/giờ ở Wisconsin trong Ngày bầu cử.

17:31

Thời gian mở cửa các điểm bỏ phiếu vào Ngày bầu cử

Ngày Bầu cử đã đến. Hàng triệu người Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm nhưng vào 5/11 (giờ Mỹ), thời gian mở cửa điểm bỏ phiếu khác nhau tùy theo địa điểm. Dưới đây là giờ mở cửa các điểm bỏ phiếu sớm nhất (theo giờ miền Đông).

6h sáng

Connecticut

Indiana (Các điểm bỏ phiếu theo giờ miền Trung mở cửa lúc 7h sáng giờ miền Đông)

Kentucky (Các điểm bỏ phiếu theo giờ miền Trung mở cửa lúc 7h sáng giờ miền Đông)

Maine (Hầu hết các điểm bỏ phiếu mở cửa từ 6h sáng đến 8h sáng, nhưng các thành phố có ít hơn 500 người có thể mở cửa muộn nhất là 10h sáng)

New Hampshire (Các điểm bỏ phiếu có thể mở cửa từ 6 giờ sáng đến 11h sáng – Dixville Notch bỏ phiếu lúc nửa đêm)

New Jersey

New York

Virginia

6h30 sáng

Ohio

North Carolina

West Virginia

Vermont (Các điểm bỏ phiếu có thể mở cửa sớm nhất là 5h sáng và muộn nhất là 10h sáng, nhưng năm nay điểm bỏ phiếu mở cửa sớm nhất là 6h30 sáng)

7h sáng

Alabama (Một số điểm bỏ phiếu áp dụng giờ miền Đông và sẽ mở cửa lúc 7h sáng theo giờ miền Đông, tuy nhiên hầu hết các điểm bỏ phiếu đều hoạt động theo giờ miền Trung và sẽ mở cửa lúc 8h sáng theo giờ miền Đông).

Delaware

Washington, DC

Florida (Điểm bỏ phiếu theo giờ miền Trung mở cửa lúc 8h sáng theo giờ miền Đông)

Georgia

Illinois

Kansas (Một số điểm bỏ phiếu mở cửa lúc 8h sáng theo giờ miền Đông do múi giờ)

Maryland

Massachusetts (Các thành phố hoặc thị trấn có thể chọn mở cửa sớm nhất là 5h45 sáng theo giờ miền Đông)

Michigan (Một số điểm bỏ phiếu mở cửa lúc 8h sáng theo giờ miền Đông do múi giờ)

Missouri

Pennsylvania

Rhode Island

South Carolina

Tennessee (Các điểm bỏ phiếu có dân số trên 120.000 người phải mở cửa trước 7h sáng theo giờ miền Đông)

8h sáng

Arizona

Iowa

Louisiana

Minnesota (Các thành phố có ít hơn 500 cử tri đã đăng ký có thể mở điểm bỏ phiếu muộn nhất là 11h sáng theo giờ miền Đông)

South Dakota (Một số điểm bỏ phiếu mở cửa lúc 6h sáng giờ miền Đông tùy theo múi giờ)

North Dakota (Các điểm bỏ phiếu có thể mở từ 8 đến 11h sáng giờ miền Đông)

Oklahoma

Texas

Wisconsin

16:57
16:09
14:56
14:18

Ông Trump kết thúc cuộc vận động tranh cử cuối cùng

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kết thúc cuộc vận động tranh cử cuối cùng sau gần 2 giờ phát biểu tại Grand Rapids, Michigan.

Ông đã nhắc lại nhiều lời hứa trong chiến dịch tranh cử của mình, chẳng hạn như tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế quan cao và trấn áp tình trạng nhập cư bất hợp pháp.

Bài phát biểu của ông đã kết thúc một chặng đường dài trong chiến dịch tranh cử – với việc Trump cho biết ông đã tham dự hơn 900 cuộc vận động tranh cử trong năm nay.

14:06

Video cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ ở Dixville Notch

Kết quả hòa 3-3 ở Dixville Notch cho thấy cựu tổng thống Donald Trump đã cải thiện vị thế ở Dixville Notch so với hồi năm 2020 khi ông thất bại với tỷ số 0-5. Tuy nhiên, theo danh sách đăng ký, Dixville Notch có 4 cử tri Cộng hòa và 2 cử tri độc lập, điều này đồng nghĩa 1 cử tri Cộng hòa đã bỏ phiếu cho bà Harris thay vì bỏ cho ông Trump.

 

13:09
12:14

Cử tri Dixville Notch, bang New Hampshire bắt đầu đi bỏ phiếu trong Ngày bầu cử

Ngày bầu cử tổng thống Mỹ đã bắt đầu vào 5/11 với các cử tri tại Dixville Notch, New Hampshire đi bỏ phiếu. Ngôi làng nhỏ gần biên giới Canada này bắt đầu truyền thống bỏ phiếu lúc nửa đêm kể từ năm 1960.

Cựu Tổng thống Donald Trump - ứng viên đảng Cộng hòa sẽ đối đầu với Phó Tổng thống Kamala Harris - ứng viên đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử được dự đoán là một cuộc đua căng thẳng với tỷ lệ cạnh tranh sít sao.

11:47

Bà Harris hoàn toàn không nhắc đến ông Trump trong phát biểu trước giờ bầu cử

Thông điệp của phó tổng thống Mỹ luôn nhất quán, nhưng bà Kamala Harris đã bỏ chi tiết đáng chú ý trong bài phát biểu vận động tranh cử của mình vào giai đoạn cuối của cuộc đua giành chức tổng thống: Donald Trump.

Tên của cựu tổng thống một lần nữa không có trong bài phát biểu của phó tổng thống vào đêm 4/11 tại Pittsburgh, nơi bà một lần nữa hứa với cử tri sẽ chấm dứt hoàn toàn sự bất hòa ông Trump gây ra với nền chính trị Mỹ. Đây là một sự thay đổi đáng chú ý trong cách diễn đạt của phó tổng thống - người đã nhắc đến tên của ông Trump nhiều lần trong các bài phát biểu vận động tranh cử của mình đến nỗi chiến dịch của đảng Cộng hòa đã biên soạn một video tổng hợp cảnh bà Harris nói đến "Donald Trump" và phát tại các cuộc mít tinh của ông Trump.

"Chúng ta có cơ hội trong cuộc bầu cử này để lật sang trang mới, bước khỏi thập kỷ chính trị bị thúc đẩy bởi nỗi sợ và sự chia rẽ. Chúng ta đã kiệt sức với nó, chúng ta sẽ không quay lại", bà Harris nói.

11:25

Tại sao 7 bang chiến địa này có thể quyết định ứng viên giành chiến thắng?

3 bang chiến trường Trung Tây, hay còn gọi là "bức tường xanh" bao gồm Pennsylvania, Michigan và Wisconsin. Trước đây, những bang này thường nghiêng về đảng Dân chủ nhưng đã thay đổi trong những năm gần đây khi cơ cấu dân số của các bang này có sự thay đổi và cựu Tổng thống Donald Trump thu hút được các cử tri da trắng không có bằng đại học.

Khi ông Trump giành được Nhà Trắng năm 2016, ông đã chiến thắng ở cả 3 bang này. Khi Tổng thống Joe Biden giành chiến thắng vào năm 2020, ông cũng thắng ở cả 3 bang trên. Nếu Phó Tổng thống Kamala Harris giành chiến thắng ở 3 bang trong năm nay, bà có khả năng sẽ có đủ phiếu đại cử tri để trở thành tổng thống. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cuộc đua ở cả 3 tiểu bang này rất sít sao. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sẽ là yếu tố then chốt với bà Harris. Điều này đồng nghĩa với việc bà phải thu hút được phụ nữ ở ngoại ô và cử tri da đen. Cả 3 bang này đều có các trung tâm đô thị.

Các bang "bức tường xanh" thường bỏ phiếu giống nhau. Lần cuối họ không cùng bầu cho một ứng viên là vào năm 1988 - đáng chú ý đó là năm mà California là bang đỏ và Tây Virginia là bang xanh. Trong 8 cuộc bầu cử kể từ năm 1988, lần duy nhất các bang "bức tường xanh" bầu cho một ứng cử viên đảng Cộng hòa là vào năm 2016.

4 bang chiến trường Vành đai Mặt trời là những bang có dân số ngày càng tăng, gồm Arizona và Nevada ở phía Tây và Bắc Carolina và Georgia ở phía Đông. Arizona, Georgia và Bắc Carolina từng là những bang nghiêng về đảng Cộng hòa. Ông Trump đã giành chiến thắng ở Bắc Carolina 2 lần nhưng với tỷ lệ rất sít sao vào năm 2020. Ứng viên đảng Dân chủ cuối cùng giành chiến thắng ở đó là ông Barack Obama vào năm 2008. Ông Biden là ứng viên đảng Dân chủ đầu tiên giành chiến thắng ở Georgia kể từ khi ông Bill Clinton giành chiến thắng năm 1992 và Arizona kể từ ông Clinton giành chiến thắng năm 1996.

11:17
10:37

Bầu cử Tổng thống Mỹ - “cuộc đua không khoan nhượng”

VOV.VN - Hôm nay (5/11), theo giờ Mỹ, cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 60 của xứ cờ hoa, trong đó quyết định quan trọng nhất là lựa chọn tổng thống. Tâm điểm của mùa bầu cử năm nay, được đánh giá đầy kịch tính và khó đoán định khi cuộc chạy đua giữa Phó Tổng thống Kamala Harris thuộc đảng Dân chủ và cựu Tổng thống Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa ngày càng nóng.
10:27

Đội ngũ của ông Trump nói giành được "chiến thắng lớn" trong những giờ cuối tranh cử

Người dẫn chương trình podcast nổi tiếng Joe Rogan đã chính thức ủng hộ ông Donald Trump vào đêm trước bầu cử, một động thái mà đội ngũ của ông Trump nhanh chóng coi là chiến thắng lớn trong những giờ cuối cùng của chiến dịch. Chia sẻ trên mạng xã hội X, ông Rogan tuyên bố ông ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump.

Tại một cuộc mít tinh ở Pittsburgh hôm 4/11, ông Trump đã ca ngợi sự ủng hộ của ông Rogan.

"Tôi vừa nhận được tin Joe Rogan ủng hộ tôi, thật tuyệt. Cảm ơn ông, Joe. Ông ấy thường không làm như vậy. Ông ấy có xu hướng tự do hơn một chút so với một số người trong căn phòng này hiện tại", ông Trump nói.

Tháng trước, ông Trump đã xuất hiện trên chương trình podcast của ông Rogan, thường được cho là podcast số 1 trên toàn cầu, sau nhiều năm ông Rogan tuyên bố ông sẽ không mời cựu Tổng thống tham gia podcast của mình và những cuộc công kích gần đây từ chính ông Trump.

"Tôi không phải người ủng hộ ông Trump theo bất kỳ cách nào. Tôi đã có cơ hội mời ông ấy tham gia chương trình của mình nhiều hơn một lần. Lần nào tôi cũng nói không. Tôi không muốn giúp ông ta. Tôi không quan tâm đến điều đó", ông Rogan nói trên Lex Fridman Podcast năm 2022. Ông Rogan dường như đã ủng hộ Thượng nghị sĩ Bernie Sanders làm tổng thống vào năm 2020.

Sự ủng hộ của ông Rogan cho cựu Tổng thống Trump được các cố vấn của ông coi là thành tựu to lớn nhất trong chiến lược truyền thông của họ nhằm vào những người đàn ông trẻ tuổi và những cử tri có xu hướng bỏ phiếu thấp bằng cách để ông Trump xuất hiện trên các podcast phục vụ các nhóm cử tri này.

Tuần trước ông Rogan đăng trên mạng xã hội X rằng ông từ chối lời đề nghị từ chiến dịch của Phó Tổng thống Kamala Harris để tiến hành một cuộc phỏng vấn. Chiến dịch của bà Harris không đưa ra bình luận về bài đăng của ông Rogan.

10:22
10:11

Những giờ vận động tranh cử cuối cùng

Cả hai ứng cử viên đều đã tới Pennsylvania trong ngày cuối cùng để kêu gọi cử tri đi bỏ phiếu. Pennsylvania là bang chiếm nhiều phiếu đại cử tri nhất trong số 7 bang chiến địa dự kiến sẽ quyết định kết quả bầu cử. Các cuộc thăm dò cho thấy, cuộc đua tại bang này cũng sít sao nhất so với các bang chiến địa còn lại.

Ông Trump xuất hiện trước đám đông tại Pittsburgh và đưa ra “thông điệp kết thúc” tới cử tri trong những giờ cuối cùng trước Ngày bầu cử. Ông Trump tập trung vào chủ đề kinh tế trong bài phát biểu tại Pittsburgh, nói rằng bà Harris sẽ mang lại “sự khốn khổ” về kinh tế nếu bà được bầu.

Trong khi đó, phát biểu trước cộng đồng người Puerto Rico tại Allentown, bà Harris tự tin sẽ giành chiến thắng và cam kết sẽ trở thành tổng thống của “tất cả người Mỹ”.

 

09:48
09:30
09:25

Bà Harris phát biểu tại một trong những bang chiến địa quan trọng nhất

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đang phát biểu tại một cuộc mít tinh ở Pittsburgh khi bà tiếp tục chiến dịch tranh cử tại tiểu bang chiến trường quan trọng Pennsylvania.

Điểm dừng chân của bà tại Pittsburgh là điểm dừng chân thứ ba của bà tại tiểu bang này vào đêm trước Ngày bầu cử sau các cuộc mít tinh ở Scranton và Allentown và trước điểm dừng chân cuối cùng của bà tại Philadelphia, nơi bà sẽ có một sự kiện cùng với Oprah Winfrey, Lady Gaga và nhiều người nổi tiếng, nhạc sĩ cũng như các quan chức được bầu khác. Pennsylvania được coi là một trong những bang chiến trường quan trọng nhất trong cuộc bầu cử năm nay.

09:21

Nếu giành được nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump sẽ hoàn thành một cú lội ngược dòng ngoạn mục trở lại Nhà Trắng, sau khi thoát khỏi hai nỗ lực ám sát trong năm nay cùng một bản án hình sự ở tòa New York. Bà Harris cũng đứng trước cơ hội trở thành nữ Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ sau 250 năm đất nước này được lãnh đạo bởi nam giới. Đây sẽ là một kỳ tích đáng kinh ngạc sau khi đảng Dân chủ từng có giai đoạn đứng trước bờ vực thất bại vì vấn đề tuổi tác của Tổng thống Joe Biden trong chiến dịch tranh cử của ông.

09:10

Ngày bầu cử Mỹ được ấn định ra sao?

Truyền thống tổ chức bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày thứ Ba đầu tiên của tháng 11 có từ năm 1845. Quyết định này được đưa ra bởi Quốc hội khi Mỹ vẫn chủ yếu là một xã hội nông nghiệp. Bằng cách lên lịch bầu cử sau vụ thu hoạch mùa thu, các nông dân có thể thuận tiện di chuyển đến các điểm bỏ phiếu, thường nằm cách xa nhà của họ. Thời gian và truyền thống này vẫn được duy trì cho đến nay.

Mỹ có khoảng 244 triệu cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu năm nay, trong đó hơn 74 triệu người đã đi bỏ phiếu sớm.

09:03

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 hứa hẹn gay cấn đến phút chót

Khả năng chiến thắng của cả hai ứng cử viên vẫn là 50-50, cuộc bầu cử năm nay rất khó đoán định, ngay cả đối với các chuyên gia nghiên cứu về bầu cử Tổng thống Mỹ. Hầu hết các cử tri Mỹ bỏ phiếu cho ứng cử viên đại diện cho đảng của họ, do đó, ở các bang truyền thống hoặc thiên về một đảng nào đó thì kết quả gần như đã được khẳng định trước bầu cử. Chính vì vậy trong bối cảnh ông Trump và bà Harris vẫn bám đuổi sít sao thì kết quả cuộc bầu cử có khả năng sẽ phụ thuộc vào lá phiếu của số ít các cử tri vẫn chưa quyết định, nhất là tại các bang dao động. 

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 hứa hẹn gay cấn đến phút chót

VOV.VN - Được xem là mùa bầu cử kịch tính nhất trong lịch sử hiện đại nước Mỹ với kết quả được dự báo sẽ rất sít sao giữa hai ứng cử viên. Thống kê từ các cuộc thăm dò cử tri cho thấy, hai ứng cử viên là bà Kamala Harris và ông Donald Trump vẫn đang bám sát nhau đầy gay cấn.
08:55

Ba thị trấn ở bang New Hampshire gồm Dixville Notch, Hart's Location và Millsfield là những điểm đầu tiên mở cửa cho người dân đi bỏ phiếu từ 0h ngày 5/11 (12h, giờ Hà Nội).

Phần lớn các điểm bỏ phiếu trên khắp nước Mỹ sẽ mở cửa từ 7h đến 9h ngày 5/11, tùy theo múi giờ khác nhau trên cả nước.Các trạm bỏ phiếu đóng cửa từ 18h00 đến nửa đêm, theo giờ miền Đông.

Kết quả dự kiến ​​sẽ bắt đầu được công bố khi các điểm bỏ phiếu bắt đầu đóng cửa từ khoảng 18h cùng ngày, theo giờ miền Đông (6h ngày 6/11, giờ Hà Nội).

 

Từ khóa: Mỹ, Mỹ, bầu cử Mỹ, bầu cử tổng thống Mỹ,Donald Trump,Kamala Harris,đảng cộng hòa, đảng dân chủ,trực tiếp bầu cử mỹ, trực tiếp bầu cử

Thể loại: Thế giới

Tác giả: nhóm pv/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập