VOV.VN - Tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng đã cơ bản hoàn thiện, sớm hơn một tháng so với kế hoạch, sẵn sàng thông xe vào dịp 30/4. Đặc biệt, tuyến đường có những đoạn chạy băng qua những cánh đồng điện gió, điện mặt trời ở Ninh Thuận, Bình Thuận đẹp mê đắm lòng người...
Tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng đã cơ bản hoàn thiện, sớm hơn một tháng so với kế hoạch, sẵn sàng thông xe vào dịp 30/4. Sau khi thông xe, quãng đường từ TP.HCM đến thành phố du lịch Nha Trang được rút ngắn còn gần 5 giờ đi ô tô.
Dự án có chiều dài 78,5km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa (gần 5km), Ninh Thuận (63km), Bình Thuận (gần 12km), do liên doanh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty 194 làm nhà đầu tư.
Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo là một trong ba dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 được thực hiện theo phương thức đối tác công - tư (PPP).
Tuyến đường có bề rộng mặt đường khoảng 17m, với quy mô 4 làn xe. Làn dừng khẩn cấp được bố trí cách quãng 4-5km/điểm, vận tốc 90km/h.
Điểm đầu của tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong (Bình Thuận) nối tiếp với đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, theo hướng từ Nam ra Bắc.
Toàn tuyến có hai nút giao liên thông gồm nút giao Du Long và nút giao Phan Rang. Nút giao Du Long là một trong những nút giao cao tốc băng ngang đường sắt và Quốc lộ 1, sau hoàn thành nút giao này kết nối khu vực trung tâm hành chính huyện Thuận Bắc, Khu công nghiệp Du Long...
Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo được thiết kế theo tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc Việt Nam, tốc độ cho phép tối đa 90km/h. Tổng số cầu trên tuyến là 34 cầu, gồm 22 cầu trên đường cao tốc, 11 cầu vượt cao tốc và 01 cầu trên đường kết nối cao tốc với QL1 tại nút giao Du Long.
Dọc đường, các cụm thiết bị ITS và camera được vận hành bằng các tấm pin năng lượng mặt trời đã lắp đặt.Hệ thống giao thông thông minh ITS với nhiều camera quan sát và nhìn rõ các vật thể ở khoảng cách 1km, được ghi hình liên tục 24/24h trong mọi điều kiện thời tiết. Thiết bị hoa gió có tác dụng đo tốc độ và hướng gió được lắp dọc hai bên trục cao tốc.
Trên tuyến có hầm núi Vung dài 2,25km, gồm 2 ống hầm mỗi ống 3 làn xe, bề rộng hầm 14m. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là hầm dài thứ 4 cả nước sau các hầm Hải Vân, Đèo Cả và Cù Mông. Giai đoạn 1 chỉ sử dụng nhánh hầm phải.
Hầm núi Vung thuộc địa bàn tỉnh Ninh Thuận, được thi công theo phương pháp gia cố hầm bằng công nghệ thi công NATM. Công nghệ này được các chuyên gia đánh giá giúp thi công linh hoạt trong nhiều điều kiện địa chất và an toàn hơn so với công nghệ đào hầm truyền thống.
Đặc biệt, đoạn cao tốc ở phía bắc tỉnh Ninh Thuận chạy qua nhiều cánh đồng điện gió, điện mặt trời ở huyện miền núi Thuận Bắc tạo nên đặc trưng cho đoạn cao tốc này.
Dưới chân các trụ điện gió khổng lồ là các ruộng lúa của người dân địa phương.
Tiếp tục đi dọc trên tuyến cao tốc, đồi núi thấp và những cánh đồng điện gió, điện mặt trời rộng thênh thang là cảnh quan chủ đạo hai bên đường cao tốc từ Vĩnh Hảo đến Cam Lâm.
Cảnh đẹp cánh đồng điện gió bên cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Đoạn qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận có nhiều đồi núi, do vậy cao tốc phải xẻ núi, một số nơi có độ dốc và uốn cong theo địa hình tuyến đi qua.
Nổi bật tại đây là cầu dài 900m vượt qua thung lũng Sông Trâu, nối liền hai tỉnh. Đây cũng là cầu có trụ cao nhất trên tuyến Cam Lâm - Vĩnh Hảo có độ tĩnh không cao 47m.
Con đường chạy dài trên vùng hoang mạc khô cằn, len lỏi qua địa hình đồi núi. Đồi A1 thuộc địa phần tỉnh Khánh Hoà được cho là nơi hạ cốt phóng tuyến khó khăn nhất đoạn cao tốc này do địa hình núi đá.
Điểm nhấn của đoạn này là những cây cầu vượt địa hình lớn. Trong đó, cầu số 3 (Km60) có độ tĩnh không 47,5m, là cầu cạn vắt qua hai ngọn núi ở thung lũng Sông Trâu, nối liền 2 tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận.
Ninh Thuận đã chuyển hướng chiến lược phát triển, biến bất lợi của nắng và gió, biến những vùng đất khô cằn, sỏi đá thành những trang trại điện mặt trời, điện gió tạo ra nguồn điện năng sạch. Địa phương này đang đặt mục tiêu dần trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo lớn nhất cả nước.
Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo từ hướng TP HCM ra, đây là đoạn đầu tiên thuộc địa bàn huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, nối tiếp cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo ở phía Nam. Con đường chạy dài trên vùng hoang mạc khô cằn, len lỏi qua địa hình đồi núi, với ngọn núi cao án ngữ phía trước là núi Vung thuộc ranh giới tỉnh Ninh Thuận.
Khi đưa vào khai thác, đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo giúp kết nối thông suốt từ Nha Trang tới Sài Gòn bằng cao tốc, thông qua các tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Dầu Giây - Long Thành - TP HCM ở phía nam. Tuyến giúp rút ngắn thời gian từ Nha Trang tới Sài Gòn còn 4-5 giờ, giảm một nửa so với đi quốc lộ 1.
Từ khóa: cao tốc, Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, TP HCM, Ninh Thuận, Bình Thuận, cao tốc Bắc Nam, Nha Trang, Khánh Hoà, Đèo Cả, hần Núi Vung,thông xe, Cam lâm, Vĩnh hảo