Có núi đá chiếm tới 70% diện tích tự nhiên, 30% còn lại là đất... lẫn đá, cao nguyên Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) có lẽ đặc biệt nhất trong các di sản được UNESCO công nhận ở nước ta.
Trải dài trên bốn huyện biên giới phía bắc: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn, với diện tích hơn 2.350km2, vùng cao này đã được gọi là “cao nguyên đá” từ khi nó chưa được mang danh di sản, cùng với những ví von mỹ miều: vũ điệu của những khối đá, rừng hoa đá, biển đá...
Từ cột cây số 0 ở thành phố Hà Giang, lên tới thị trấn Tam Sơn (trung tâm huyện Quản Bạ - “vùng thấp” của cao nguyên đá) là 40km; song mới đi quá nửa quãng đường, tới ranh giới Quản Bạ là đã chạm vào cao nguyên đá, là bắt đầu hành trình đèo dốc, là cảm giác rợn ngợp trước sự hùng vĩ của thiên nhiên, tạo hóa.
Càng đi càng cảm nhận đá là chất liệu, là đường nét, là hình khối, là màu sắc, là âm hưởng chủ đạo của ngút ngàn cao nguyên này.
Cuộc sống của khoảng 250.000 con người thuộc 17 dân tộc nơi đây (mà 70% là người Mông) là cuộc sinh tồn với đá, với địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt.
Nhưng chính nhờ đó, lại hiện diện rõ nét, lấp lánh, tỏa sáng những giá trị văn hóa và kiến trúc bản địa độc đáo.
Ngày 3/10/2010, cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO chính thức công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.
Đây là danh hiệu đầu tiên - duy nhất ở Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á.
Cũng từ đây, cao nguyên đá Đồng Văn mang một cái tên dài và mỹ miều hơn: Công viên địa chất toàn cầu 'Cao nguyên đá Đồng Văn'.
Cao nguyên cũng dễ cho người ta những giấc mơ, như thể ở trên cao thì dễ thăng hoa bay bổng.
Hơn một trăm năm trước, các học giả người Pháp đã gọi đỉnh Mã Pì Lèng (Mèo Vạc) có độ cao 2.000m so với mặt nước biển và cao nguyên đá Đồng Văn là “Tượng đài địa chất”. Đèo dài 12km trên cung đường 22km từ Đồng Văn tới Mèo Vạc - con số này nghe qua quá ư khiêm tốn, nhưng ở đây nó xứng đáng là kỷ lục.
Cung đường mang tên Hạnh Phúc được hoàn thành trong sáu năm (1959 - 1965) với sức người của hàng vạn thanh niên xung phong cùng 2,2 triệu ngày công lao động. Trên bia đá ở đỉnh đèo nay vẫn còn ghi: “Riêng dốc Mã Pì Lèng công nhân đã treo mình 11 tháng để mở đường”.