Cảnh sát biển tập trung tuyên truyền giáo dục phổ biển pháp luật cho nhân dân

Cập nhật: 1 giờ trước

VOV.VN - Cảnh sát biển Việt Nam phối hợp cùng với các địa phương quán triệt nghiêm túc và tích cực triển khai Đề án 1371 một cách sâu rộng với nhiều cách làm sáng tạo, nội dung phong phú.

Thời gian qua, thực hiện Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027” (gọi tắt là Đề án 1371), Cảnh sát biển Việt Nam phối hợp cùng với các địa phương quán triệt nghiêm túc và tích cực triển khai Đề án 1371 một cách sâu rộng với nhiều cách làm sáng tạo, nội dung phong phú.

Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, chiến sỹ, nhân dân, nhất là ngư dân các xã, huyện đảo; góp phần làm giảm các vụ việc vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, khai thác thủy, hải sản trái phép ở nhiều địa phương; nâng cao ý thức về bảo vệ chủ quyền biển, đảo, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, kiềm chế tội phạm; tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Nội dung này phóng viên VOV đã phỏng vấn Trung tướng Bùi Quốc Oai, Bí tư Đảng ủy, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam.

PV: Thưa Trung tướng Bùi Quốc Oai, Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027” hay còn gọi là Đề án 1371 có vai trò, ý nghĩa như thế nào trong giai đoạn hiện nay?

Trung tướng Bùi Quốc Oai: Đề án 1371 cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ chiến sĩ, mọi tầng lớp nhân dân. Đề án đã huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành Trung ương và địa phương, bao gồm cả lực lượng Quân đội. Đối với Cảnh sát biển Việt Nam, Đề án 1371 là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Căn cứ vào điều kiện thực tiễn từng địa bàn dân cư, tính chất nghề nghiệp, điều kiện kinh tế xã hội, trình độ dân trí ở mỗi địa phương; trên cơ sở Kế hoạch của Bộ Quốc phòng, BTL Cảnh sát biển đã triển khai cho các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các địa phương tiến hành khảo sát, nắm nhu cầu PBGDPL của các nhóm đối tượng, xác định địa bàn, nội dung, phương pháp tuyên truyền sát, đúng với nhu cầu thực tế, phù hợp với từng vùng miền và đối tượng của Đề án.

Theo đó, địa bàn tuyên truyền của các cơ quan, đơn vị Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN) tập trung vào các xã đảo, huyện đảo, Trường Trung học cơ sở (THCS), nơi tập trung đông ngư dân làm ăn trên biển, như khu vực cảng cá, âu tàu; đối tượng tuyên truyền là cán bộ, đảng viên, Nhân dân, ngư dân, học sinh, sinh viên

Nội dung tuyên truyền tập trung vào quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ chủ quyền biển, đảo; Luật biển, Luật Thủy sản, Luật CSBVN, các quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)... Qua khảo sát các cơ quan, đơn vị kịp thời biên soạn, đảm bảo tài liệu, lựa chọn phương pháp tuyên truyền phù hợp mang lại hiệu quả thiết thực.

PV: Để Đề án thực sự đi vào cuộc sống, lực lượng Cảnh sát biển đã thực hiện đồng bộ các biện pháp nào triển khai hiệu quả, nâng cao nhận thức về pháp luật cho cho cán bộ, chiến sỹ, nhân dân?

Trung tướng Bùi Quốc Oai: Các biện pháp triển khai Đề án 1371 của Cảnh sát biển Việt Nam trong thời gian qua đó là:

Đảng ủy BTL Cảnh sát biển tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, ý nghĩa và vai trò của Đề án cho cán bộ, đảng viên và chiến sĩ. Toàn Lực lượng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể địa phương, thường xuyên là Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận các Tỉnh ủy (Thành ủy) địa phương có biển; thông qua tổ chức Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, “Cảnh sát biển với đồng bào dân tộc, tôn giáo”, Cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương”, tọa đàm, diễn đàn, thi tìm hiểu pháp luật, thực hiện ngày pháp luật. Thời gian qua chúng tôi đã tổ chức trên 192 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho trên 185.000 lượt cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân; phối hợp với các địa phương, cơ quan báo chí đăng tải 1.850 tin, bài, hình ảnh, video clip, phim để tuyên truyền, PBGDPL cho Nhân dân, ngư dân.

Đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng phổ biến giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, chiến sỹ được giao nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật cho đối tượng của Đề án. Triển khai nghiêm túc các lớp tập huấn cho các đối tượng nòng cốt trong các cơ quan, đơn vị trực tiếp tuyên truyền, PBGDPL cho Nhân.

Ban Thường vụ Đảng ủy CSBVN đã triển khai ký kết với 28 Ban Thường vụ tỉnh (thành phố) có biển thực hiện Chương trình công tác Dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” trong đó xác định tuyên truyền, PBGDPL là nội dung trọng tâm được triển khai đồng bộ, hiệu quả, tạo sức lan tỏa sâu rộng. Các cơ quan địa phương thường xuyên phối hợp chặt chẽ với lực lượng CSBVN xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án sát thực tiễn; phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài Quân đội xây dựng phim, phóng sự, video clip, viết các tin, bài hình ảnh đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền, PBGDPL cho CBCS và Nhân dân, ngư dân.

Bên cạnh đó chúng tôi đổi mới hình thức, phương pháp tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tuyên truyền phù hợp với nhiệm vụ, sát với từng đối tượng, địa bàn dân cư, phát huy hiệu quả hệ thống đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn, tuyên truyền, PBGDPL tại các cảng cá, bến cá, âu tàu; lồng ghép tuyên truyền, PBGDPL trong các hoạt động, sự kiện: “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam”, “Ngày Đại dương thế giới”, “Ngày pháp luật Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, các chương trình, mô hình phù hợp với đặc điểm của từng cơ quan, đơn vị và địa phương.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật, triển khai, tổ chức Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” bằng hình thức trực tuyến qua phần mềm ứng dụng Myaloha. Phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội gửi hơn 80 triệu tin nhắn, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các nhà mạng viễn thông gửi hơn 300 triệu tin nhắn tới các thuê bao di động để vận động các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng, tham gia Cuộc thi tìm hiểu Luật CSBVN năm 2021. Tại trung tâm chỉ huy, qua hệ thống giám sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản, cán bộ, chiến sĩ thường xuyên theo dõi tuyên truyền, nhắc nhở các tàu cá khai thác trên biển chấp hành đúng quy định của pháp luật. Quá trình thực hiện nhiệm vụ các tàu CSBVN thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho ngư dân qua hệ thống máy liên lạc nghề cá.

Một vấn đề nữa theo tôi rất quan trọng đó là sự gương mẫu chấp hành pháp luật của mọi cán bộ, đảng viên trong lực lượng Cảnh sát biển, trên cơ sở đó mới tuyên truyền tốt cho nhân dân. Đồng thời chúng tôi gắn kết chặt chẽ hoạt động tuyên truyền pháp luật với các hoạt động an sinh xã hội. Chúng tôi huy động sự tham gia của doanh nghiệp và nhà hảo tâm để làm tốt công tác an sinh xã hội trong quá trình tuyên truyền phổ biến pháp luật, từ đó nâng cao hiệu quả tuyên truyền.

PV: Pháp luật luôn là một lĩnh vực khó, khô cứng. Để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở đạt hiệu quả cao nhất, lực lượng Cảnh sát biển sẽ tập trung vào những giải pháp gì thưa Trung tướng?

Trung tướng Bùi Quốc Oai: Chúng tôi tiếp tục quán triệt nâng cao nhận thức về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng và sự cần thiết của công tác PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở bởi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của lực lượng. Thường xuyên củng cố, kiện toàn, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các cấp.

Phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương, trên cơ sở điều kiện kinh tế, văn hoá xã hội ở từng địa bàn dân cư và nhiệm vụ của đơn vị để xác định nội dung, hình thức tuyên truyền, PBGDPL cho phù hợp; nghiên cứu, đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả, sáng tạo. Cụ thể hóa các quy định pháp luật làm sao tuyên truyền nội dung trọng tâm, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ cho người dân. Tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới từng đối tượng cụ thể như ngư dân trên tàu cá, cảng cá, các khu vực tập trung đông ngư dân. Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” sẽ tiếp tục gắn với công tác tuyên truyền pháp luật, an sinh xã hội cho mọi tầng lớp nhân dân.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở; phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, các cơ quan thông tấn báo chí để tuyên truyền, vận động Nhân dân tìm hiểu và nghiêm túc chấp hành pháp luật. Gắn công tác PBGDPL với tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế xã hội, các phong trào thi đua, đề án, cuộc vận động; phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng.

PV: Trân trọng cảm ơn Trung tướng Bùi Quốc Oai.

Từ khóa: pháp luật, cảnh sát biển, tuyên truyền, giáo dục, pháp luật, nhân dân, đề án 1371

Thể loại: Xã hội

Tác giả: thu lan/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan