Cảnh báo tình trạng xe ôtô cá nhân kinh doanh chở khách liên tỉnh ở Gia Lai

Cập nhật: 11/04/2020

VOV.VN -Theo Phó Chánh thanh tra Sở Giao thông Vận tải Gia Lai, hình thức kinh doanh này cùng lúc vi phạm Nghị định 176/NĐ-CP và Nghị định 100/NĐ-CP.

Trong lúc các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách đang hạn chế hoạt động theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thì nhiều người đã sử dụng ô tô cá nhân để vận chuyển hành khách liên tỉnh. Loại hình dịch vụ này không chỉ kinh doanh không đúng quy định của pháp luật, mà còn tiềm ẩn nguy cơ làm lây lan dịch bệnh trên diện rộng. Cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đang thực hiện các giải pháp ngăn chặn tình trạng này, đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 lây nhiễm vào địa phương.

canh bao tinh trang xe oto ca nhan kinh doanh cho khach lien tinh o gia lai hinh 1
Việc kiểm soát dịch tại 1 chốt kiểm dịch.

Khi lên mạng xã hội facebook gõ từ khoá “đi chung xe Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk”, thì người dùng có thể tìm thấy hàng loạt các nhóm kín như: Xe đi cùng, Đi xe chung Kon Tum-Gia Lai-Đà Nẵng-Quy Nhơn-Đăk Lăk, Hội đi chung-đi ghép Gia Lai… Với số lượng thành viên hàng nghìn người, mỗi ngày, các nhóm này gom không ít khách đi xuyên các tỉnh Tây Nguyên ra miền Trung và vào thành phố Hồ Chí Minh. Gọi tới 1 số điện thoại trên nhóm Đi xe chung Kon Tum- Gia Lai-Đà Nẵng-Quy Nhơn- Đăk Lăk, phóng viên VOV dễ dàng nhận được thông tin: Xe đi từ Đà Nẵng về Pleiku (Gia Lai) có giá 600.000 đồng và trả khách tận nơi đón. Và vì đây là xe 7 chỗ, mà chỉ chở có mấy khách nên đến chỗ kiểm dịch người ta đo thân nhiệt nếu không sốt thì đi tiếp,...

Việc di chuyển vào thời điểm cách ly xã hội khá bất tiện, nên các hành khách sẵn sàng chấp nhận mức giá cao. Đơn cử mức giá từ Gia Lai - thành phố Hồ Chí Minh là 900.000 đồng/1 người, cao gần 4 lần so với bình thường.

Theo ông Đoàn Đức Mạnh, Phó Chánh thanh tra Sở Giao thông Vận tải Gia Lai, hình thức kinh doanh trá hình này cùng lúc vi phạm Nghị định 176/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và Nghị định 100/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh vận tải đường bộ, đường sắt:

"Theo đó, đối với hành vi tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện cá nhân, không được đăng ký kinh doanh vận tải để sử dụng kinh doanh, thu tiền thì vi phạm Nghị định 100/NĐ-CP về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh vận tải đường bộ, đường sắt. Tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19, Thanh tra phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông rà soát các phương tiện có dấu hiệu vận chuyển hành khách, xác minh bằng các biện pháp nghiệp vụ, nếu thấy vi phạm, sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, ông Mạnh nói.

Ông Đoàn Hữu Dũng, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai cho biết, hiện nay, đơn vị đã ban hành công văn số 633/SGTVT-KHTCVT ngày 9/4/2020 về Thực hiện nghiêm việc ngừng hoạt động vận tải hành khách công cộng để phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó có nội dung yêu cầu các chủ phương tiện không sử dụng xe cá nhân vận chuyển hành khách sai quy định.

Tuy vậy, theo ông Dũng cùng với việc tăng cường quản lý của ngành chức năng, thì ý thức chấp hành của người dân là điều rất quan trọng để hạn chế lây nhiễm dịch bệnh giữa các địa phương.

“Hiện tại, theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi đã cấm các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách hoạt động. Thủ tướng Chính phủ đang yêu cầu giãn cách xã hội. Quan trọng là hạn chế di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác. Vì nó tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Do đó, cũng mong người dân thực hiện nghiêm túc chỉ thị này, chỉ đi ra đường khi có việc thực sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm hay việc khẩn cấp như cấp cứu, khám chữa bệnh"- ông Dũng nói thêm./.

Từ khóa: chống Covid-19, vận tải ngày dịch Covid-19, Sở GTVT tỉnh Gia Lai

Thể loại: Xã hội

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập