Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên: Khủng hoảng có chủ đích?
Cập nhật: 25/06/2020
Bệnh viện Lộc Ninh (Bình Phước) - Di tích lịch sử bị lãng quên
"Độc đạo" tập 33: Quân "già" muốn đem con trai rời khỏi Diễm
VOV.VN - 70 năm sau cuộc chiến mà về mặt kỹ thuật vẫn chưa kết thúc, hai miền Triều Tiên vẫn mắc kẹt trong chu kỳ nồng ấm rồi lại lạnh nhạt.
Từ nụ cười Pyeongchang đến đe dọa động binh
Tháng 2/2018, Kim Yo Jong – em gái của Chủ tịch Kim Jong Un, người được đánh giá là gương mặt thân thiện của Triều Tiên mỉm cười vẫy tay chào khi bà có mặt trên khán đài dự Thế vận hội mùa đông ở Pyeongchang, Hàn Quốc.
Bà Kim Yo Jong trò chuyện với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: AP. |
Vận động viên của đoàn Triều Tiên và Hàn Quốc cùng nhau bước vào sân vận động trong lễ khai mạc, thậm chí đội nữ khúc côn cầu trên băng của hai miền Triều Tiên còn thi đấu chung trong một màu áo. Bà Kim khi đó được đích thân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chào đón trọng thị. Quan hệ liên Triều có dấu hiệu khởi sắc.
Tuy nhiên, trong tháng 6 này, chính bà Kim Yo Jong lại là người đưa ra những lời cảnh báo cứng rắn nhằm vào Hàn Quốc sau khi các nhóm hoạt động thả truyền đơn từ Hàn Quốc vào lãnh thổ Triều Tiên. Theo giới quan sát, đây dường như chỉ là “giọt nước làm tràn ly” khi sự thất vọng gia tăng ở Triều Tiên vì phía Hàn Quốc không thể thực hiện các lời hứa hẹn hợp tác hoặc thuyết phục Mỹ giảm nhẹ các lệnh trừng phạt.
Ramon Pacheco Pardo, một chuyên gia về bán đảo Triều Tiên tại trường King’s College London cho rằng, các sự kiện mới nhất liên quan chính là “một cuộc khủng hoảng được tạo ra có chủ đích”.
Hôm qua (24/6), ngay trước thềm kỷ niệm 70 năm nổ ra cuộc chiến tranh Triều Tiên, truyền thông Triều Tiên đưa tin Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã quyết định đình chỉ kế hoạch hành động quân sự mà em gái ông đã cảnh báo tiến hành.
“Triều Tiên cảm thấy họ không nhận được những nhượng bộ mà họ mong muốn từ phía Hàn Quốc và Mỹ sau các Hội nghị Thượng đỉnh trong vài năm qua. Việc gia tăng căng thẳng là để gửi đi thông điệp rằng họ không hài lòng về những gì đã xảy ra và cần phải có một điều gì đó khác biệt”, Pacheco Pardo nói với Al Jazeera.
“Nóng”- “lạnh” thất thường
Cuộc chiến tranh Triều Tiên chấm dứt vào năm 1953 bằng một hiệp định đình chiến. Nhưng về mặt kỹ thuật, chiến tranh vẫn chưa kết thúc vì các bên vẫn chưa có một bản hiệp ước hòa bình chính thức. Và trong những năm gần đây, mối quan hệ liên Triều vẫn chứng kiến những giai đoạn “nóng” – “lạnh” thất thường. Điều này được minh chứng rõ nét với quyết định của Triều Tiên cho nổ tung Văn phòng liên lạc chung với Hàn Quốc ở Kaesong.
Động thái này đến chỉ một tuần sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố cắt đứt mọi liên lạc với Seoul – báo hiệu sự đổ vỡ của Tuyên bố Bàn Môn Điếm và giai đoạn nồng ấm trong quan hệ giữa hai miền Triều Tiên khởi đầu vào năm 2018 dưới thời Tổng thống Moon Jae-in.
Triều Tiên cho nổ tung Văn phòng liên lạc chung với Hàn Quốc ở Kaesong. Ảnh: Reuters. |
Khi nhằm sự công kích vào Seoul và bác bỏ những đề nghị thiện chí của phái viên Tổng thống Moon, Bình Nhưỡng có thể đã hy vọng ông Moon – người đã biến hợp tác liên Triều thành nền tảng của chính quyền mình sẽ có thể tác động để Mỹ giảm bớt một số lệnh trừng phạt. Nhưng Hàn Quốc lại có phản ứng mạnh mẽ hơn bình thường, nói rằng bằng cách chỉ trích ông Moon, ông Kim đã “làm tổn hại niềm tin cơ bản giữa hai nhà lãnh đạo”.
Sau những diễn biến căng thẳng này, ngày 17/6, Bộ trưởng Bộ Thống nhấtHàn QuốcKim Yeon-chul phụ trách mối quan hệ với CHDCND Triều Tiên đã nộp đơn từ chức nhằm nhận trách nhiệm về căng thẳng trên bán đảo.
Cái khó của Hàn Quốc
“Hội đồng An ninh Quốc gia là những người theo chủ nghĩa quốc tế và luôn ưu tiên liên minh Hàn Quốc – Mỹ trong khi Bộ Thống nhất lại ưu tiên cải thiện quan hệ liên Triều. Sự lựa chọn cho Hàn Quốc không phải dễ dàng, đặc biệt khi Triều Tiên muốn trở thành một quốc gia hạt nhân”, Jay Song, một học giả tại Viện Châu Á của Đại học Melbourne nhận định.
Bất chấp các biện pháp hòa dịu – một phần của thỏa thuận liên Triều được ký kết sau cuộc gặp Thượng đỉnh hồi năm 2018, Khu phi quân sự (DMZ) giữa hai nước vẫn là một trong những khu vực biên giới có an ninh nghiêm ngặt bậc nhất trên thế giới.
Theo thỏa thuận, hai bên đồng ý rút binh lính khỏi một số khu vực biên giới, rút loa phóng thanh tuyên truyền. Tuy nhiên, mọi thứ đã nhanh chóng “đổ vỡ” sau khi những người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc thả truyền đơn vào lãnh thổ Triều Tiên. Bán đảo Triều Tiên nóng với cuộc chiến rải truyền đơn
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, Hàn Quốc một lần nữa cam kết sẽ hành động pháp lý để chấm dứt việc thả truyền đơn. Điều này dường như không thể xoa dịu Bình Nhưỡng, đặc biệt khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ khiến Tổng thống Moon gặp khó khăn trong việc đưa ra các sáng kiến hợp tác kinh tế với Triều Tiên.
Lami Kim, Giáo sư nghiên cứu châu Á tại Đại học Chiến tranh Quân đội Mỹ cho rằng, các bước đi được lên kế hoạch từ trước của Triều Tiên cho thấy sự linh hoạt bởi khi để bà Kim Yo Jong lên tiếng, ông Kim Jong Un không trực tiếp tham gia đe dọa và qua đó “không làm cạn kiệt cơ hội mà ông vẫn có thể tiếp tục gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump để tiến tới một thỏa thuận trong tương lai”.
“Thông báo nói rằng đây là một quyết định tạm thời. Vì vậy, nó để mở cánh cửa cho việc tiếp tục xuống thang, nhưng đồng thời cũng để ngỏ khả năng leo thang trở lại”, Pacheco Pardo nhận định về thông báo đình chỉ kế hoạch hành động quân sự nhằm vào Hàn Quốc.
Sự thất vọng của Trump
Sau hai Hội nghị Thượng đỉnh ở Singapore và Hà Nội, ông Trump dường như đã không còn nhiều hứng thú với Triều Tiên, thay vào đó ông tập trung vào cuộc chạy đua nhằm giữ vững vị trí của mình trong cuộc bầu cử vào tháng 11 sắp tới, giải quyết vấn đề dịch bệnh Covid-19 hay nạn phân biệt biệt chủng tộc và làn sóng biểu tình phản đối cảnh sát dùng bạo lực…
Ngay cả trong Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 1 ở Singapore, nếu thông tin được cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ tiết lộ là sự thật thì trọng tâm của ông Trump đơn thuần chỉ là thu hút sự chú ý, khi ông luôn muốn biết có bao nhiêu phóng viên sẽ tham dự cuộc họp báo sau hội nghị. Mỹ luôn sẵn sàng hợp tác với Hàn Quốc để “răn đe” Triều Tiên
“Đó là những gì ông ấy [Trump – ND] tập trung vào. Rằng ông ấy có cơ hội to lớn để chụp ảnh – lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ gặp Nhà lãnh đạo Triều Tiên”, Bolton nói trong một cuộc phỏng vấn với ABC News hôm 21/6.
“Triều Tiên có lẽ đã nhận ra rằng vị tổng thống này [Trump – ND] sẽ không trao cho họ điều mà họ muốn. Nhưng họ vẫn không muốn làm tan vỡ hoàn toàn những gì đã có với Mỹ”, ông Pacheco Pardo nói.
Giáo sư Lami Kim cho rằng: “Vẫn còn quá sớm để từ bỏ giải pháp ngoại giao, không phải vì ông Kim Jong Un là một nhà lãnh đạo dễ đoán định, mà bởi vì tình hình kinh tế rất xấu ở Triều Tiên khiến cho các hứa hẹn về kinh tế trở nên hấp dẫn”.
Triều Tiên có thể cảm thấy họ đã nhượng bộ đủ - thực hiện các bước để phá hủy cơ sở hạt nhân Yongbyon, trao trả hài cốt lính Mỹ chết trong chiến tranh – một trong số những kết quả đạt được sau các cuộc gặp thượng đỉnh. Nhưng nếu ai đó hy vọng chu kỳ “nóng” – “lạnh” thất thường trên bán đảo Triều Tiên đã lùi xa vào quá khứ thì các sự kiện trong những tuần qua đã chứng minh một thực tế: chặng đường để bán đảo Triều Tiên hòa giải, thống nhất vẫn còn rất dài./.
Từ khóa: thực chất khủng hoảng bán đảo Triều Tiên, căng thẳng Triều Tiên, ý đồ của Triều Tiên, Triều Tiên, 70 năm chiến tranh Triều Tiên
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN