Cần tăng thẩm quyền cho người đứng đầu TP Thủ Đức để có đột phá
Cập nhật: 23/01/2021
Campuchia, Trung Quốc sẽ tổ chức tập trận Rồng vàng lớn nhất từ trước tới nay
Nga triển khai đạn pháo dẫn đường bằng laser mới nhất tấn công Ukraine
VOV.VN - Tiền đề hình thành nên thành phố Thủ Đức chính là ý tưởng quy hoạch Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao.
Ngày 31/12/2020 đánh dấu một sự kiện lịch sử của TPHCM và cả nước, khi lần đầu tiên một thành phố “trong lòng” thành phố được ra đời - thành phố Thủ Đức. Thành phố mang nhiều kỳ vọng về sự đột phá, cực tăng trưởng mới dành cho TPHCM. Bước sang năm Tân Sửu, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố mang tên Bác quyết tâm và nỗ lực xây dựng thành phố Thủ Đức xứng tầm một đô thị sáng tạo, hiện đại, trung tâm tài chính của khu vực.
Động lực từ đô thị sáng tạo
Theo Nghị quyết số 1111 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM, thành phố Thủ Đức được thành lập dựa trên sự sáp nhập của ba quận: 2, 9 và Thủ Đức. Diện tích sau khi sáp nhập là hơn 211 km2, dân số hơn 1 triệu người. Tiền đề hình thành nên thành phố Thủ Đức chính là ý tưởng quy hoạch Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông, gồm một số trụ cột quan trọng như: Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2) sẽ phát triển thành trung tâm công nghệ tài chính quốc tế; Khu công nghệ cao (Quận 9) là nơi tập trung nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm sáng tạo, công nghệ cao; Đại học Quốc gia TPHCM (quận Thủ Đức) là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM cho biết: Khu vực phía đông TPHCM có nhiều điều kiện thuận lợi, nhất là các trụ cột ở ba quận 2, 9 và Thủ Đức. Thành phố Thủ Đức là sự gắn kết các trụ cột này để hình thành một đô thị sáng tạo, tiền đề cho điều kiện phát triển vượt bậc: “Vấn đề còn lại hiện nay là phải triển khai để làm sao thực hiện được, phát huy được tiềm năng, thế mạnh tại thành phố Thủ Đức này. Để đạt được sự mong đợi đây là một đô thị sáng tạo, là nơi mà mức sống của người dân sẽ cao, tương tác của người dân về một xã hội số, trong một thành phố thông minh, nên kinh tế số”
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia về quy hoạch cho rằng: Thành lập thành phố Thủ Đức là một lời giải cho những bài toán về đô thị mà TPHCM hiện đang gặp phải như kẹt xe, ngập nước...Nguồn kinh phí dựa vào việc huy động từ vốn xã hội hóa, với nhiều cơ hội đầu tư để thu hút các nhà đầu tư. Từ nguồn vốn này, thành phố Thủ Đức có thể chỉnh trang lại hạ tầng đã có, vừa phát triển được hạ tầng mới.
Theo ông Ngô Viết Nam Sơn, để thành phố Thủ Đức thực sự có sự đột phá thì cần phải có chính sách, cơ chế đặc thù: “Chúng ta phải vừa vận động chính sách, vừa thu hút đầu tư, vừa nghiên cứu xã hội, nghiên cứu tài chính. Làm sao thu hút được người dân đến ở, thu hút được nhà đầu tư đến xây dựng những cơ sở tạo công ăn việc làm. Nhân lực phải là chất lượng cao, lương cao để xây dựng một trung tâm đô thị hiện đại, sáng tạo”
Cần tăng quyền đặc thù
Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 thì chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của HĐND thành phố Thủ Đức nhìn chung không khác biệt nhiều so với HĐND quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Tương tự, các cơ quan chuyên môn của UBND thành phố Thủ Đức cũng theo khung chung. Tuy nhiên, Nghị quyết 131 năm 2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND thành phố Thủ Đức. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Cửu Việt – nguyên Trưởng Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, để tăng thẩm quyền cho thành phố Thủ Đức, cần phá bỏ tư duy hành chính. Không nên bó buộc thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM thì thẩm quyền hành chính phải dưới TPHCM. Vấn đề là Nhà nước cần cho thành phố Thủ Đức một cơ chế đặc biệt, trong đó có quy định thẩm quyền UBND thành phố Thủ Đức riêng so với UBND TPHCM.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Cửu Việt nhận định: “Bản thân pháp luật cũng phải “mở cửa” để nơi mới thành lập được linh hoạt. Nếu như thành lập mới chỉ có cái tên ra vẻ là thành phố, nhưng nếu quy định không linh hoạt, không cởi trói thì cũng khó”
Thạc sỹ Trần Thị Thu Hà - Phó trưởng bộ môn Luật Hành chính, Trường Đại học Luật TPHCM đề nghị cần phải mở rộng thẩm quyền cho Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức. Cụ thể, cho phép Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức đề nghị nhân sự để HĐND thành phố Thủ Đức phê chuẩn các chức danh Phó Chủ tịch và các Ủy viên UBND. Sau đó, đích thân Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức ra quyết định bổ nhiệm các Ủy viên UBND thành phố Thủ Đức vào vị trí thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc thẩm quyền. Càng được mở rộng thẩm quyền, việc giải trình của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước càng phải được diễn ra thường xuyên, nghiêm túc nhằm ngăn ngừa, hạn chế xu hướng lạm quyền, tham những, tiêu cực. Ngoài ra, việc tăng cường thẩm quyền cho UBND và Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức phải gắn liền với xu hướng đẩy mạnh phân cấp quản lý.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Văn Nhiêm - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật TPHCM, lãnh đạo thành phố phải đề xuất Trung ương, Quốc hội cho phép tăng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của thành phố Thủ Đức hơn một quận, huyện thông thường. Đề xuất về người đứng đầu thành phố Thủ Đức, ông Vũ Văn Nhiêm cũng cho rằng phải có nhân sự đủ tầm, đủ sức ảnh hưởng:
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Văn Nhiêm cho biết: “TPHCM có thể có 3 Uỷ viên Trung ương Đảng, do đó có thể phân công ít nhất một uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm người đứng đầu hoặc làm Bí thư Thành uỷ của thành phố Thủ Đức. Như vậy giữa quy định của pháp luật và thực tiễn mới tương xứng và có hiệu quả”
Để thành phố Thủ Đức phát triển xứng tầm kỳ vọng, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết: Thành phố sẽ nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách để chính quyền thành phố Thủ Đức đi vào hoạt động có hiệu lực, hiệu quả cao nhất. Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 1111 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM thành lập sẽ nghiên cứu, xây dựng đề án riêng về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Thủ Đức để trình Trung ương xem xét.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định: “Trước mắt sẽ chủ động đẩy mạnh việc phân cấp, uỷ quyền cho UBND, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức để tạo tính đột phá, phát huy cao nhất tính hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành thành phố Thủ Đức nhằm hướng đến mục tiêu quan trọng là góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”
Theo dự kiến, bộ máy thành phố Thủ Đức chính thức đi vào hoạt động từ ngày 7/2/2021. Với kỳ vọng là hạt nhân đột phá, trong khoảng 10 năm tới thành phố Thủ Đức có thể tạo ra giá trị gia tăng bằng 1/3 của TPHCM, khoảng 7% GDP của Việt Nam. Để đạt mục tiêu này, cần sự nỗ lực vượt khó, chủ động sáng tạo của lãnh đạo và nhân dân TPHCM nói chung, thành phố Thủ Đức nói riêng. Hơn hết, cần cơ chế "cởi trói", tạo điều kiện từ Trung ương để thành phố Thủ Đức trở thành thành phố đáng sống bậc nhất trong cả nước, văn minh, hiện đại, có chất lượng cuộc sống cao, mang tầm quốc tế./.
Từ khóa: Thủ Đức, TP HCM, tăng trưởng kinh tế, đại học luật, chính sách
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN