Cần đưa hành vi sai trái của Trung Quốc ra Hội đồng Bảo an LHQ

Cập nhật: 09/10/2019

VOV.VN - Đây là khuyến nghị của các chuyên gia tham dự Tọa đàm khoa học “Vùng biển bãi Tư Chính và Luật pháp Quốc tế” diễn ra tại Hà Nội cuối tuần qua.

Theo PGS, TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển thuộc Liên Hiệp các Hội Khoa học, Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), nhận định, việc Trung Quốc đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 cùng các tàu Hải cảnh cỡ lớn có vũ trang vào khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam là hành vi “đe dọa dùng vũ lực và sử dụng vũ lực” xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, quyền tài phán của Việt Nam, “vi phạm rõ rệt nguyên tắc cơ bản của Công pháp quốc tế” tại điều 2.4, Hiến chương Liên Hợp Quốc.

can dua hanh vi sai trai cua trung quoc ra hoi dong bao an lhq hinh 1
Tàu thăm dò Hải Dương 8 liên tục xâm phạm Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ), thềm lục địa của Việt Nam trong thời gian qua. Ảnh: Schottel

Những hành vi sai trái nói trên của Trung Quốc đã vấp phải phản ứng kiên quyết không chỉ từ Việt Nam mà còn từ các quốc gia khác như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia… Cùng với Việt Nam, các nước nói trên đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu Trung Quốc rút các tàu vi phạm khỏi vùng biển của Việt Nam và tiếp tục theo đuổi việc giải quyết căng thẳng ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, không những không có hành động thiện chí để hạ nhiệt căng thẳng theo lời kêu gọi của phía Việt Nam và cộng đồng quốc tế, Trung Quốc còn tiến hành thêm nhiều hành động ngang ngược khiến tình hình Biển Đông ngày càng trở nên phức tạp hơn.

can dua hanh vi sai trai cua trung quoc ra hoi dong bao an lhq hinh 2
Tuyên bố đầy sai trái của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng thể hiện rõ tham vọng độc chiếm Biển Đông của nước này.

Thậm chí, ngày 18/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng còn ngang nhiên tuyên bố: “Trung Quốc có chủ quyền và quyền tài phán tại quần đảo Nam Sa (trên thực tế là quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và các vùng nước kế cận gần bãi Tư Chính”. Một tuyên bố được đánh giá là để “mở đường” cho những hành vi sai trái tiếp theo của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian tới khiến cộng đồng quốc tế hết sức quan ngại.

Các chuyên gia tham dự Tọa đàm đều chia sẻ quan điểm với đề xuất của PGS, TS Hoàng Ngọc Giao rằng, bên cạnh những biện pháp đấu tranh kiềm chế nhưng kiên quyết trên thực địa, điều Việt Nam cần làm nhất lúc này là đưa hành vi đe dọa dùng vũ lực và sử dụng vũ lực tại Biển Đông vào chương trình nghị sự Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Cụ thể, theo Điều 35 Hiến chương Liên Hợp Quốc, “Việt Nam hoàn toàn có quyền chính thức gửi Công hàm tới Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với nội dung lưu ý Hội đồng Bảo an về việc này để xem xét và có ý kiến chính thức” dưới góc độ duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, đảm bảo thượng tôn pháp luật theo Công pháp Quốc tế và UNCLOS 1982.

Theo các chuyên gia, việc Việt Nam có thể đưa được vấn đề này vào chương trình nghị sự Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ là một thành công về mặt đấu tranh ngoại giao. Hơn thế nữa, đây là một việc hoàn toàn khả thi bởi theo Điều 27.2 Hiến chương Liên Hợp Quốc, đây là vấn đề thủ tục, không cần có sự chấp thuận của 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mà chỉ cần 9 lá phiếu trong tổng số 15 lá phiếu của các thành viên (thường trực và không thường trực) Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Các chuyên gia nhận định, nếu thành công, đây sẽ là một biện pháp hiệu quả có thể ngăn chặn tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc trước sức ép rất lớn của cộng đồng quốc tế, đồng thời nêu bật được tính chính nghĩa, hợp pháp và chính danh của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Ngoài ra theo các chuyên gia, những hành động của Trung Quốc trong thời gian qua đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Chính vì thế, Việt Nam cần nêu cao tính pháp lý của UNCLOS thông qua việc tiếp tục tuân thủ chặt chẽ luật pháp quốc tế tại những khu vực mà Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán bị Trung Quốc xâm phạm.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng kiên trì ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế (PCA) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” phi lý của Trung Quốc bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông cũng như khẳng định, không thực thể nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng và tạo ra Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) như yêu sách của Trung Quốc. Điều này là bởi, việc Trung Quốc lên tiếng bác bỏ phán quyết của Tòa PCA khi phán quyết này được đánh giá là “gây bất lợi” cho Trung Quốc cho thấy, nước này nhận thức rất rõ tác động từ phán quyết của PCA đến tham vọng độc chiếm Biển Đông của mình.

Tuy nhiên, những hành vi leo thang căng thẳng của Trung Quốc trong thời gian qua tại bãi Tư Chính của Việt Nam cho thấy, Trung Quốc vẫn chưa từ bỏ tham vọng “biến Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam thành “khu vực tranh chấp” theo chiến lược “vùng xám” và “tam chủng chiến pháp”. Trung Quốc không chỉ bắt nạt Việt Nam mà còn đang thách thức luật pháp quốc tế.

Các chuyên gia cho rằng, việc Việt Nam nhiều lần đưa ra các tuyên bố khẳng định muốn giải quyết căng thẳng ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 đã nhận được sự ủng hộ tích cực của cộng đồng quốc tế, qua đó nâng cao vị thế và tiếng nói của Việt Nam trước những hành vi leo thang căng thẳng ngày càng nghiêm trọng của Trung Quốc ở Biển Đông./.

Từ khóa: Vùng biển bãi Tư Chính, Luật pháp Quốc tế, Biển Đông, PCA, Philippines kiện Trung Quốc

Thể loại: Nội chính

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập