Cần có chính sách thu hút thí sinh học ngành xã hội đang cần
Cập nhật: 17/09/2021
Nóng 24h: Hai chị em ruột tổ chức tụ điểm bán dâm trong khách sạn
Hơn 200.000 người nghiện toàn quốc, Bộ Công an quy rõ trách nhiệm địa phương
[VOV2] - Bức tranh tuyển sinh Đại học năm nay vẫn tồn tại sự thiếu cân đối giữa các ngành đào tạo. Bên cạnh những ngành có điểm đầu vào cao, số lượng thí sinh đông vẫn có những ngành học xã hội cần nhưng rất ít thí sinh lựa chọn và điểm đầu vào khá thấp.
Bức tranh tuyển sinh đại học mỗi năm đều có những yếu tố bất ngờ do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, bài toán thu hút thí sinh lựa chọn theo học những ngành nhu cầu xã hội hiện tại và cả tương lai đang rất cần vẫn chưa tìm được lời giải. Đây là nội dung cuộc phỏng vấn do phóng viên VOV2 với PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
PV: Thưa ông, cho đến hôm nay thì tất cả các trường đại học đã công bố điểm trúng tuyển, ông có nhìn nhận thế nào về bức tranh tuyển sinh năm nay và các mức điểm trúng tuyển vào các khoa/ngành, ông thấy có điều gì đặc biệt?
PGS Nguyễn Phong Điền: Tôi muốn nói riêng về Đại học Bách Khoa Hà Nội thì đúng như dự báo, theo các phương tiện thông tin đại chúng và các chuyên gia nói thì nguồn tuyển dồi dào. Nguồn tuyển ở đây có nghĩa là số lượng thí sinh có điểm chuẩn nằm trong khu vực từ 23 - 26 điểm rất là đông đúc. Thứ hai là thí sinh trong cái phổ điểm đó thì việc chênh lệch với nhau khoảng 0,5 điểm cũng rất phổ biến, mật độ dày đặc. Cái này tạo điều kiện cho việc xét tuyển dễ dàng và hình ảnh này phản ánh trực tiếp lên hệ thống phổ điểm trúng tuyển của Bách Khoa Hà Nội. Tức là cũng không có sự chênh lệch nhiều, mức điểm trên 26 thì sẽ không biến động nhiều so với năm trước. Điển hình năm nay ở trường ĐH Bách Khoa các ngành top trên có mức điểm trúng tuyển 27, 28 điểm cũng khá, giữ ổn định như năm 2020.
Một điều đáng mừng nữa là số lượng thí sinh, điểm chuẩn là như vậy nhưng Đại học Bách Khoa Hà Nội đã dành hầu hết tất cả các chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức thi THPT này trong điều kiện Covid-19 và cũng tạo điều kiện cho các em thí sinh khắp mọi miền tổ quốc có thể dễ dàng tiếp cận đăng ký theo hình thức này vào trường. Điểm chuẩn là như vậy nhưng số lượng thí sinh điểm cao (từ 28.5 đến khoảng 30 điểm là rất đông ) đỗ vào Đại học Bách Khoa năm nay là rất ấn tượng.
PV: Có một điều nhiều người quan tâm đó là ngành công nghệ thông tin của ĐH Bách Khoa Hà Nội là ngành có điểm đầu vào rất cao, nhưng năm nay điểm trúng tuyển thấp hơn điểm trúng tuyển của Đại Học Công Nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội). Ông lý giải thế nào về điều này?
PGS Nguyễn Phong Điền: Cái này liên quan đến khía cạnh toán học. Thực ra thì mọi người cứ xem điểm chuẩn, điểm chuẩn là điểm cuối của thí sinh trong danh sách trúng tuyển, thực chất là điểm của thí sinh. Cái điểm chuẩn này cũng có 1 ý nghĩa nào đó. Ví dụ năm nay Đại học Bách Khoa Hà Nội có điểm chuẩn cao nhất là bao nhiêu đó nhưng mà thông tin ấy hoàn toàn chưa đầy đủ xét về khía cạnh toán học. Bởi vì thứ nhất, khi nói về điểm chuẩn đó cũng phải nói xem số lượng tuyển là bao nhiêu nữa, rất là quan trọng. Ví dụ, Đại học Công nghệ (ĐHQGHN), theo tôi được biết thì khoảng 50 sinh viên được xét tuyển vào ngành Khoa học máy tính nhưng Đại học Bách Khoa thì khoảng 300. Thứ hai nữa đấy là quy mô xét tuyển, quy mô tuyển sinh rõ ràng có sự khác biệt. Khi ta lấy nhiều lên thì điểm chuẩn trúng tuyển của thí sinh cuối cùng chắc chắn sẽ giảm xuống. Nhưng mà tôi cũng không bình luận việc là chất lượng thí sinh cao hơn trường này trường kia. Ta phải xem xét có bao nhiêu thí sinh đạt điểm một ngưỡng nào đấy, ví dụ ngưỡng 29 điểm. Chẳng hạn, Đại học Bách Khoa Hà Nội như công bố trên phương tiện thông tin đại chúng có thể tỷ lệ trên 60% thí sinh tận 29 điểm vào khoa học máy tính. Số lượng cũng rất là cao, nên điểm chuẩn trúng tuyển chỉ là một yếu tố để tham khảo chứ không nói lên chất lượng tuyển đầu vào của một chương trình đào tạo nào đó. Hãy quan sát đến: một là số lượng thí sinh giỏi, căn cứ vào mức điểm của họ trên điểm chuẩn trúng tuyển vào ngành đó, thứ hai xem quy mô tuyển sinh của ngành đó là bao nhiêu thì ta mới đưa ra được nhận xét hoàn toàn hợp lý về bức tranh toàn cảnh.
PV: Thưa ông, những năm gần đây bức tranh tuyển sinh của trường đại học uy tín như Đại học Bách Khoa Hà Nội thì nó cũng vẫn có hiện tượng có một số ngành có điểm đầu vào cao và có số lượng thí sinh xét tuyển lớn, tuy nhiên bên cạnh đó thì cũng có một số ngành truyền thống, nhu cầu xã hội thì đang rất cần nhưng các em thí sinh lại không mặn mà. Tình trạng đấy năm nay có được cải thiện không và cụ thể là như thế nào ạ?
PGS Nguyễn Phong Điền: Năm nay cũng rất mừng là mức độ chênh lệch điểm chuẩn giữa ngành thấp nhất và ngành cao nhất thì đã được cải thiện, giảm thiểu. Đặc biệt là các chương trình liên kết quốc tế, các chương trình đặc biệt dạy bằng tiếng Anh thì bắt đầu có điểm chuẩn là cũng không thua kém các chương trình đại trà có học phí thấp. Vấn đề ở chỗ việc mà chúng ta phải cân đối giữa sức thu hút của một ngành nào đó nhưng nó phù hợp với ưu điểm của ngành đó với sự phát triển kinh tế xã hội. Nói một cách dễ hiểu hơn, chúng ta luôn luôn đối mặt với hiện tượng là một số ngành, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước nhưng không có sức thu hút. Nếu không có sức thu hút thì thí sinh đăng ký vào sẽ giảm. Chúng ta nhìn thấy một bức tranh là các ngành truyền thống của các trường vẫn khẳng định là rất quan trọng và là một thế mạnh đào tạo của trường đó. Nhưng những ngành đó nếu xét theo điểm tuyển sinh đại học lại là ngành loại 2 trong trường đó. Đây là một điều hết sức bất cập.
PV : Có giải pháp nào để giải quyết tình trạng bất cập ấy không, thưa ông?
PGS Nguyễn Phong Điền: Tôi cũng đã có một vài tham luận trong một số hội nghị bàn về chủ đề này rồi. Cũng là điều rất trăn trở của lãnh đạo của rất nhiều trường đào tạo về kỹ thuật công nghệ ví dụ như Đại học Xây Dựng Hà Nội, Đại học Thủy Lợi, ĐH Mỏ Địa Chất hay là ĐH Giao thông Vận tải cũng như ĐH Bách Khoa Hà Nội. ĐH Bách Khoa Hà Nội có những ngành thực sự rất quan trọng đối với sự phát triển về công nghiệp của đất nước như là Kỹ thuật hóa học hay là Kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật vật liệu nhưng luôn là tốp điểm chuẩn thấp hơn các ngành khác, đấy là điều hết sức trăn trở.
Tuy nhiên cái này thì bản thân một trường có phát huy hết hệ thống truyền thông quảng bá và giải thích thì cũng không đạt được mục tiêu. Cái này cần phải có sự chung tay của cơ quan truyền thông thấu hiểu và đưa ra những nội dung phù hợp. Thứ hai là cũng cần có những cơ chế chính sách của nhà nước ưu tiên phát triển những ngành này. Tôi muốn nói đến cơ chế chính sách đặt hàng đào tạo của nhà nước với những ngành cốt lõi phát triển kỹ thuật công nghệ trong đó thì có những ưu tiên nhất định về học phí và học bổng cho các em để thí sinh giỏi và có điều kiện khó khăn hoàn toàn có thể theo học được. Đấy là một trong những bước đầu tiên có thể cải thiện được tình hình.
PV : Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
Từ khóa: Chính sách, thu hút, thí sinh, ĐH Bách Khoa Hà Nội, thiếu cân đối, điểm đầu vào, phát triển
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2