Cần chế tài đồng bộ để kiểm soát sàn thương mại điện tử
Cập nhật: 09/11/2024
Phụ nữ khởi nghiệp vì sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững (24/11/2024)
Mua sắm mùa Giáng sinh, khách hàng muốn trực tiếp “mắt thấy, tay cầm”
VOV.VN - Thời gian qua các nền tảng bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới như Temu, Shein... ồ ạt bán hàng giá rẻ vào Việt Nam, trước thực tế này, nhiều doanh nghiệp cho rằng, hoạt động của các sàn thương mại điện tử sẽ gây khó khăn về tốc độ bán hàng, mất thị trường và tồn kho cho các doanh nghiệp Việt.
Mặc dù vừa mới xuất hiện nhưng sàn thương mại điện tử Temu đã gây xôn xao thị trường tiêu dùng Việt Nam với mức giá hàng hóa rẻ hơn 70% so với mặt bằng chung, bước đầu gây tâm lý lo ngại hàng hóa từ các sàn giao dịch xuyên biên giới ồ ạt vào nước ta sẽ chiếm lĩnh thị trường nội địa, làm giảm sự cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước.
Ông M ạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội cho rằng, không chỉ gây trở ngại cho doanh nghiệp sản xuất trong nước trong ngắn hạn, hoạt động các sàn thương mại điện tử sẽ gây khó khăn về tốc độ bán hàng, mất thị trường và tồn kho cho các doanh nghiệp dẫn đến lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng.
Lượng hàng tồn kho sẽ nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước, vấn đề nữa là sẽ ảnh hưởng tốc độ bán hàng và chiếm lĩnh thị trường vì khi mà tốc độ ảnh hưởng như vậy chúng ta thấy lợi nhuận của các doanh nghiệp của sản xuất của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng. Trước thì mức lợi nhuận có thể 10-20% nhưng để cạnh tranh với những Sàn thương mại điện tử lớn, với quy mô lớn với tính chất toàn cầu thì lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất chắc chắn là sẽ bị giảm so với cùng kỳ năm trước.
Theo các chuyên gia kinh tế, không thể cấm các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới bán hàng tại Việt Nam, vì đây là xu thế của thế giới hiện đại và chúng ta đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Điều quan trọng là Nhà nước cần phải có các chế tài, giải pháp kiểm soát sàn thương mại điện tử mang tính đồng bộ, để đảm bảo các hoạt động trên sàn thương mại điện tử diễn ra an toàn, hiệu quả, minh bạch và đúng pháp luật quy định.
Chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân đề xuất, cần có các giải pháp về hàng rào thuế quan nhằm bảo vệ các nhà sản xuất nhỏ lẻ trong nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước cũng cần tự mình không ngừng nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh để ứng phó với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường: "Chúng ta phải hành động và phải nhìn thấy rõ đây là một tác hại rất nghiêm trọng đối với nền kinh tế của Việt Nam chúng ta, để chúng ta có một ứng phó đúng mực về những hàng rào về thương mại, rào cản về vấn đề thuế, rào cản về chất lượng chúng ta cần phải đặt ra. Song song với đó là phải đảm bảo sự minh bạch sự công bằng cho những nhà sản xuất kinh doanh trong nước, điều này không có nghĩa là chúng ta ngăn cấm thương mại điện tử, mà ở đây là để chúng ta đảm bảo được môi trường pháp lý nó minh bạch và công bằng hơn".
Trước thực tế này, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý Thị trường phối hợp với Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát, phát hiện và xử lý các kho hàng, điểm tập kết hàng hóa của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký tại Việt Nam, nhằm bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp trong nước và người tiêu dùng, đồng thời góp phần duy trì một môi trường thương mại điện tử công bằng.
Từ khóa: thương mại, Cần chế tài, đồng bộ để kiểm soát, sàn thương mại điện tử
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: thúy hằng/vov1
Nguồn tin: VOVVN