CamaUP – Nơi người trẻ Đất Mũi thể hiện khát vọng vươn lên

Cập nhật: 3 ngày trước

VOV.VN - Ngày hội Khởi nghiệp tỉnh Cà Mau năm 2024 (CamaUP’24) được cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau tổ chức vừa qua, thu hút nhiều người tham gia. Đây là dịp những người trẻ đang nung nấu khởi nghiệp ở “Vùng Đất Mũi” thể hiện ý tưởng, dự án của mình, qua đó, có điều kiện hoàn thiện hơn và tìm kiếm cơ hội phát triển.

Vườn ươm khởi nghiệp

CamaUP’24 có nhiều hoạt động, đáng mong đợi nhất là Cuộc thi Khởi nghiệp, với chủ đề: “Khởi nghiệp xanh – Xu hướng phát triển bền vững”.  Giải nhất cuộc thi thuộc về Dự án “MudBot-Clean – robot tự động vớt rác trên sông” của nhóm sinh viên Trường Cao đẳng  nghề Việt Nam – Hàn Quốc Cà Mau.

Em Quách Bình Phước, Trưởng nhóm Dự án chia sẻ: “Trong quá trình học em có tham gia một số chiến dịch bảo vệ môi trường như Chủ nhật Xanh, thu gom rác trên sông. Trong quá trình hoạt động, có nhiều khó khăn và mất sự an toàn. Nhân viên vệ sinh môi trường hàng ngày đang phải đối diện với lượng rác thải lớn, sự nguy hiểm như vậy. Từ đó, ấp ủ làm ra sản phẩm nào đó và nhóm đã thực hiện dự án rô bot vớt rác tự hành”.

Nhóm phát triển Dự án đã ứng dụng AI, IoT và năng lượng tái tạo để giúp Robot tự hoạt động thông qua bộ điều khiển từ xa. Bạn Nguyễn Triển Lãm, thành viên Nhóm nghiên cứu cho biết, Robot được lấy cảm hứng từ loài cá thòi lòi ở quê hương Cà Mau. Hình dạng Robot được thiết kế giống với đầu cá thòi lòi đang há lớn miệng để ăn mồi. Mặc dù Dự án đã làm ra sản phẩm mẫu và chạy thử nghiệm thành công, tuy nhiên, hiệu quả chưa cao nên Nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp sản phẩm để phù hợp với thực tế, đạt được ước muốn đóng góp cho môi trường.

“Em muốn thể hiện được khả năng của mình, những gì mình đã học ở trong trường và những gì mình nghiên cứu biết đến. Em mong đóp góp sức mình để góp phần cho những người công nhân thu gom rác đỡ vất vả hơn, giảm nguy cơ mất an toàn. Em cũng muốn góp sức mình để môi trường thêm xanh, sạch hơn”, Triển Lãm cho biết thêm.

Cuộc thi Khởi nghiệp tỉnh Cà Mau có 135 dự án tham gia. Đa số các dự án đều đến từ những người trẻ tuổi. Có nhiều dự án đến từ các tỉnh thành khác, nhưng số nhiều các dự án là của tỉnh Cà Mau. Cuộc thi là nơi để những người trẻ Cà Mau có mong muốn khởi nghiệp “phô diễn” những ý tưởng, dự án của mình. Cũng giống như em Quách Bình Phước với Dự án Robot tự động vớt rác trên sông hướng tới “Giải pháp xanh cho các dòng sông sạch”; các thí sinh khác tham gia cuộc thi đều mong muốn tạo ra những sản phẩm, giải pháp hữu ích để đóp góp cho quê hương, đất nước.

Bà Nguyễn Thị Thương Linh, Phó Giám đốc VCCI ĐBSCL, người đã nhiều năm làm giám khảo Cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Cà Mau, đánh giá: “Lãnh đạo tỉnh hay các anh chị trong các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau luôn có những hoạt động rất thiết thực, hỗ trợ cho các bạn khởi nghiệp hay những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thông qua những hành động đồng hành, hỗ trợ để các bạn có đủ kiến thức tham gia các cuộc thi tại địa phương, khu vực cũng như vươn ra cấp quốc gia. Qua đó, tạo động lực rất lớn cho cộng đồng khởi nghiệp ở Cà Mau nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung”.

Cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Cà Mau đã được tổ chức lần thứ 4. Qua các cuộc thi trước đó, đã có nhiều dự án đạt kết quả tốt, mang lại hiệu quả thiết thực, như: Dự án tái hiện nghề truyền thống địa phương phát triển du lịch cộng đồng - Đất Mũi; dự án chế biến Ba khía Đầm Dơi; dự án nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh bằng công nghệ tuần hoàn ít thay nước;…

Cần được “trợ lực” nhiều hơn

Dự án chế biến Ba khía Đầm Dơi do chị Trần Thị Xa và chồng là anh Nguyễn Văn Miên phát triển. Cả hai vợ chồng vốn là tri thức trẻ của tỉnh Cà Mau. Sau khi kết thúc đề án đã tập trung phát triển sản phẩm ba khía muối và thành lập HTX Ba khía Đầm Dơi. Năm 2020, chị Trần Thị Xa đưa Dự án Ba khía Đầm Dơi dự Cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Cà Mau, đạt giải Nhất. Sau đó, Dự án đạt giải Nhất Cuộc thi khởi nghiêp vùng ĐBSCL.

Sau khi đoạt giải, vợ chồng chị Xa đã nhận được nhiều hỗ trợ để nâng cao kiến thức về khởi nghiệp. Đây chính là một trong những tiền đề quan trọng để phát triển dự án. Đã qua, HTX Ba khía Đầm Dơi cũng được tham gia nhiều chương trình xúc tiến đầu tư, hội trợ thương mại để trưng bày, giới thiệu sản phẩm rộng rãi hơn. Với sự năng động của người trẻ, chị Trần Thị Xa đang tiếp tục phát triển dự án để cụ thể hóa ước muốn, đưa nghề ba khía truyền thống địa phương vươn xa.

“Mình xây dựng chất lượng, sau đó mình sẽ xây dựng thương hiệu. Hiện đã nâng cấp lên được sản phẩm OCOP 4 sao, tiếp theo sẽ phấn đấu lên 5 sao. Sẽ tiếp tục phát triển, làm sao có thể ký được những hợp đồng ngoài nước, mang thương hiệu đi xa hơn. Đặc biệt, muốn góp phần xây dựng nhãn hiệu Ba khía Cà Mau, khi du khách đến Cà Mau sẽ biết đến ba khía Cà Mau là rất ngon”, chị Xa cho biết.

Ngày hội khởi nghiệp Cà Mau đã được tổ chức lần thứ 3 liên tiếp. Ngày hội còn có Diễn đàn khởi nghiệp - nơi những người khởi nghiệp được trau dồi thêm kỹ năng, kiến thức cần thiết. Startup được trực tiếp trao đổi và nhận lại những tư vấn, định hướng từ các chuyên gia hàng đầu trong nước về khởi nghiệp.

 CamaUP năm nay còn có thêm Cuộc thi Mời gọi đầu tư, hình thức giống như chương trình Shark tank để các thí sinh có Dự án vào vòng chung kết cuộc thi khởi nghiệp Cà Mau biết cách để đi mời gọi vốn. CamaUP đang như những vườn ươm khởi nghiệp của vùng Đất Mũi - Cà Mau.

 

Bà Nguyễn Thị Thương Linh, Phó Giám đốc VCCI ĐBSCL cho rằng, tỉnh Cà Mau mặc dù có vị trí địa lý rất xa nhưng đã luôn thể hiện tư duy, cách làm đổi mới. Trong bối cảnh, Đảng và Nhà nước khuyến khích phát triển tăng trưởng, chuyển đổi xanh, Cà Mau là một trong những địa phương đi đầu, cụ thể như cuộc thi khởi nghiệp năm nay cũng ưu tiên về phát triển xanh.

“Cộng đồng khởi nghiệp ở Cà Mau đang đi đúng hướng, tôi muốn nhắn nhủ với các bạn khởi nghiệp ở đây, nhất là các bạn sinh viên hãy quan tâm đến các xu hướng khởi nghiệp hiện nay. Các bạn hãy cùng tham gia vào cộng đồng khởi nghiệp của các anh chị, bởi đó là vốn kiến thức rất quý để sau khi các bạn rời ghế nhà trường hạn chế được rủi ro trong quá trình khởi nghiệp phải đối mặt. Tôi cũng mong đợi tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ, đưa ra những chính sách hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp, đặc biệt là chính sách về tài chính và thị trường”, bà Linh góp ý.

“Ngày hội Khởi nghiệp Cà Mau được tổ chức nhằm khơi dậy khát vọng khởi nghiệp. Các hoạt động hướng đến tăng cường kết nối với các nhà đầu tư, các chuyên gia; tạo cơ hội giao lưu, học hỏi giữa các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp. Đồng thời, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Cà Mau. Khởi nghiệp trong bối cảnh hội nhập hiện nay là khó khăn, người khởi nghiệp cần dấn thân, dám đối mặt với thách thức để thành công. Tôi tin rằng, khi tinh thần khởi nghiệp, văn hóa khởi nghiệp nở rộ trong nhân dân, đặc biệt là trong thế hệ trẻ, sẽ thực sự trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển nền kinh tế - xã hội”, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phát biểu trong lễ khai mạc CamaUP’24

Từ khóa: Khởi nghiệp , Khởi nghiệp ,CamaUP,Cà Mau,Đất Mũi,Cộng đồng Startup,người trẻ đầu tư,Hợp tác đầu tư,Xúc tiến thương mại

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: trần hiếu/vov- đbsc

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập