Cải tiến các mô hình, tổ chức lại sản xuất để nuôi tôm hiệu quả

Cập nhật: 19/09/2020

VOV.VN - Trong kế hoạch hành động phát triển ngành tôm đến năm 2025, tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu đạt sản lượng 320.000 tấn tôm nuôi nước lợ/năm. Mục tiêu ngắn hạn năm nay là hơn 230.000 tấn.

Tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước với khoảng 280.000 ha, nhưng sau khoảng thời gian dài canh tác, các loại hình nuôi tôm đều bộc lộ những khó khăn nhất định.

Gia đình anh Lê Văn Minh (xã Tân Bằng, huyện Thới Bình) có 1,5 ha đất nuôi tôm. Vào đầu mùa hạn hán gay gắt vừa qua, độ mặn trong vuông tôm của gia đình đã tăng cao nên con tôm sú không thể phát triển. Không chỉ anh Minh gặp khó mà nhiều hộ dân nuôi tôm khác tại địa phương cũng bị thiệt hại. Từ đó, bà con thực hiện chuyển đổi qua nuôi tôm thẻ hai giai đoạn và anh Minh cũng học hỏi làm theo.

Qua hai đợt thả nuôi, với thời gian chưa tới nửa năm, gia đình anh có nguồn thu hơn 60 triệu đồng. Cao hơn nguồn thu từ nuôi tôm sú của gia đình cả năm trước cộng lại.

Nói về bí quyết thành công, anh Lê Văn Minh cho biết, sau nhiều năm nuôi tôm sú ao nuôi của người dân bị ô nhiễm nên dễ thất bại. Đặc biệt, hạn hán đã làm tình hình khó khăn hơn. Sức chịu đựng của con tôm thẻ mạnh hơn tôm sú, nhanh lớn hơn nên nuôi tự nhiên dễ thành công. Từ đó, gia đình anh chuyển qua nuôi thử. Ban đầu không biết kỹ thuật, nhưng nhờ sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông đã dần nắm vững quy trình từ cải tạo đến chăm sóc.

Trước đây, bà con không biết bón phân gây màu nước, cũng không biết sử dụng vi sinh để tạo tảo làm thức ăn cho tôm nhưng bây giờ mọi thứ đều trong tầm tay. Đặc biệt, với những người dân chịu tìm tòi thì họ còn học hỏi qua báo, đài để nâng cao trình độ, đạt hiệu quả cao.

“Chúng tôi phải xem thêm trên báo đài những lĩnh vực nuôi trồng thủy sản liên quan để học hỏi thêm. Vừa qua, khi chuyển qua nuôi thẻ tôi cũng tìm xem những chương trình hướng dẫn, rồi chắt lọc học hỏi để biết độ mặn, kềm, PH nuôi thẻ bao nhiêu cho phù hợp. Khi người ta hướng dẫn thì mình nằm nghe, cái nào hay thì lấy về để làm kinh nghiệm”, anh Minh chia sẻ.

Tại vùng đất Cuối trời – Cà Mau, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh mới phát triển được vài năm.  Mô hình đòi hỏi kỹ thuật cao này được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn cho sản lượng tôm của tỉnh vì cho siêu năng suất, mỗi năm đạt sản lượng khoảng 70 tấn/ha.

Trước tình hình nuôi tôm gặp khó khăn chung do môi trường suy thoái, những hộ nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh tại Cà Mau đang được tổ chức thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để hỗ trợ nhau cùng vươn lên. Tiêu biểu cho mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh Cà Mau là Hợp tác xã nuôi tôm Hòa Hiệp (xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân).

Hợp tác xã có 16 thành viên, trong đó đa số các thành viên đều thực hiện nuôi tôm siêu thâm canh. Theo ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Hợp tác xã Hòa Hiệp, khác với các loại hình nuôi tôm còn lại, nuôi tôm siêu thâm canh đòi hỏi kỹ thuật cao và phải đầu tư rất lớn.

Trong 1 ha đất nuôi tôm, người nuôi phải làm hệ thống ao lắng, ao xử lý, ao vèo, ao nuôi,... với số tiền hàng trăm triệu đồng. Nhưng nhờ được đầu tư bài bản nên các vấn đề xử lý dịch bệnh, quản lý rủi ro dễ dàng hơn, đảm bảo tỷ lệ thành công cao hơn. Gia đình ông Luân đã nuôi tôm siêu thâm canh 3 năm nay, không phải không có thất bại nhưng mỗi năm gia đình ông đều có lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng.

Ông Luân cho biết, bí quyết thành công của các thành viên trong Hợp tác xã chính là sự liên kết. Đầu tiên là sự liên kết giữa các thành viên trong hợp tác xã để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm. Bên cạnh đó, việc liên kết với doanh nghiệp cũng mang lại nhiều lợi ích cho người nuôi.

Ngoài đảm bảo đầu ra thuận lợi, việc liên kết doanh nghiệp còn giúp người dân có điều kiện được tập huấn, nâng cao trình độ. Các doanh nghiệp thuốc thú y thủy sản, vẫn thường xuyên tạo điều kiện cho người dân đi thực tế, trao đổi kinh nghiệm ở những nơi làm ăn hiệu quả nên bà con có điều kiện chắt lọc, học hỏi.

Theo ông Nguyễn Minh Luân, người dân hiện nay đủ trình độ, bản lĩnh để nhận biết được các “bí quyết” của doanh nghiệp nên chỉ làm ăn chân chính mới có thể cùng tồn tại, tạo ra liên kết bền vững. Cũng từ đó, người dân nuôi tôm ngày càng nâng cao “tay nghề” và đảm bảo vụ mùa thành công.

“Một ha đạt tới 50 – 60 tấn, tùy theo nuôi dày thưa. Nuôi mấy giai đoạn là cái kiểu nuôi sau đó tỉa bớt ra. Như tôi thả 1 m2 300 con giống, khi về được 60 con/kg thì nó dày quá, muốn thiếu oxy thì mình tỉa bớt ra. Khi về tới hơn 30 con lại thiếu oxy nữa thì kêu thương lái bán bớt, còn lại mình có thể nuôi về tới hơn 20 con/kg”, ông Luân nói.

Ông Mã Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến Nông – Khuyến ngư Cà Mau cho biết, trong sáu tháng đầu năm, mặc dù dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến các mặt đời sống kinh tế, xã hội của người dân, trong đó có những nông hộ nuôi tôm nhưng sản lượng thủy sản của tỉnh Cà Mau nói chung, sản lượng tôm nói riêng vẫn tăng trưởng. Tổng sản lượng thủy sản của tỉnh vẫn đạt khoảng 293.000 tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ và chủ lực trong đó vẫn là tôm nuôi.

Thành công này một phần đến từ việc các cơ quan chức năng đã quan tâm phổ biến các quy trình kỹ thuật nuôi, tổ chức lại sản xuất. Nhưng quan trọng nhất, vẫn là tay nghề của người dân. Bà con nuôi tôm hiện nay như một kỹ sư chuyên sâu vì bên cạnh kiến thức kỹ thuật được chuyển giao họ còn là người có kinh nghiệm thực tế. Từ đó, việc bà con tiếp nhận kỹ thuật và chọn lọc vận dụng hữu hiệu vào thực tế giúp người nuôi tôm ngày càng hiệu quả.

“Tại Cà Mau trước đây chủ yếu nuôi theo hình thức quảng canh, sau đó một phần diện tích trồng lúa chuyển sang tôm – lúa. Tiếp đến phát triển hình thức nuôi thâm canh, rồi sau đó chuyển sang nuôi siêu thâm canh. Người dân chuyển lên để có năng suất cao hơn, thu nhập cao hơn. Cũng từ đó, dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn. Xét cho cùng, đến thời điểm hiện nay hộ nào còn nuôi thâm canh, siêu thâm canh thì phải nói những người này có trình độ kỹ thuật cao. Họ tiếp nhận được tiến bộ kỹ thuật tốt nếu không sẽ bị đào thải theo tự nhiên”, ông Huy cho biết thêm.

Trong kế hoạch hành động phát triển ngành tôm đến năm 2025, tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu đạt sản lượng 320.000 tấn tôm nuôi nước lợ mỗi năm. Mục tiêu ngắn hạn của tỉnh trong năm nay sẽ đạt sản lượng hơn 230.000 tấn. Những nỗ lực của cơ quan chức năng và người dân địa phương trong phát triển nuôi tôm đang ngày càng cụ thể hóa những mục tiêu này./.

Từ khóa:

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập