Cải cách hành chính đã đáp ứng được yêu cầu hay chưa?

Cập nhật: 18/03/2021

VOV.VN - Chương trình tổng thể về cải cách thủ tục hành chính được triển khai từ năm 2011, nhưng cho đến những năm gần đây, khi Tổ công tác của Thủ tướng đi kiểm tra, đôn đốc mới thấy còn rất nhiều phiền hà, rườm rà.

Chiều nay (17/3), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình tổng thể Cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011-2020. Có thể nói Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến công tác này, bởi tác động trực tiếp tới hiệu quả, niềm tin của doanh nghiệp và người dân trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội. Kết quả đạt được là tích cực, song thực tế vẫn còn rất nhiều việc phải làm và điều đó phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Tôi đã nói rất nhiều lần rồi, cấp vụ, cấp sở, cấp phòng, cấp huyện, cấp xã phải chuyển biến đồng bộ với những chủ trương của Trung ương trong vấn đề giải quyết thủ tục và môi trường đầu tư kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp. Đây là khâu yếu cần tập trung. Mà không chuyển biến phải có chế tài. Anh không chịu cải cách thì những cán bộ đó phải đưa ra khỏi bộ máy Nhà nước và phải truyền thông mạnh mẽ để nêu những tấm gương mà chúng ta cần phải xử lý".

Đây là thông điệp rất mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc về cải cách thủ tục hành chính chiều 16/8/2017. Và như cam kết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay từ đầu nhiệm kỳ về việc chỉ đạo các bộ, ngành cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp, trong giai đoạn 2016-2020, đã có 3.893 trong tổng số 6.191, tức hơn 63% số điều kiện kinh doanh được cắt giảm. Tương tự, 6.776/9.926, tương đương 68% dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành đã được cắt giảm, đơn giản hóa. Các bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.500 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền. Các việc cắt giảm đó đã giúp tổng chi phí xã hội tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương khoảng 6.300 tỷ đồng. Và quan trọng hơn cả, điều đó mang lại niềm tin của doanh nghiệp, người dân và xã hội với Chính phủ, với Đảng, Nhà nước ta.

Từ năm 2012 đến nay, việc công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được tiến hành hằng năm. Việc khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và công bố Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính hàng năm (SIPAS) đã trở thành thước đo đánh giá khách quan chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Điều tích cực hơn theo đánh giá mới đây của Thủ tướng Chính phủ, đã hạn chế được nhiều tình trạng lợi ích nhóm hay tham nhũng chính sách trong xây dựng chính sách. Đó thực sự là điều đáng mừng đối với doanh nghiệp và người dân.

Song, liệu những kết quả đó đã thực sự đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, yêu cầu của người dân và doanh nghiệp hay chưa?! Câu trả lời là chưa.

Chương trình tổng thể về cải cách thủ tục hành chính được triển khai từ năm 2011, nhưng cho đến những năm gần đây, khi Tổ công tác của Thủ tướng đi kiểm tra, đôn đốc mới thấy còn rất nhiều phiền hà, rườm rà. Do vậy mới có câu chuyện từ đầu năm 2018 trở về trước, một sản phẩm socola đến tay người tiêu dùng chịu sự quản lý của 13 giấy phép thì sửa đổi quy định, số giấy phép quản lý là bằng 0.

Thực tế cho thấy, chủ trương và chỉ đạo của Trung ương là đúng hướng, nhưng vấn đề lại nằm ở khâu thực hiện. Lãnh đạo một doanh nghiệp từng đặt vấn đề: câu chuyện chậm cải cách thủ tục hành chính không phải vi phạm pháp luật, nhưng nếu cán bộ công chức làm không tốt thì có thể chuyển công tác, thậm chí là sa thải. Cũng như ở doanh nghiệp, một công nhân làm không tốt thì chủ doanh nghiệp có quyền sa thải chứ không phải nhận vào làm không hiệu quả mà vẫn được trả lương.

Do đó, cải cách hành chính đã tạo sự “bứt phá, hiệu quả” như yêu cầu của Thủ tướng hay chưa; việc áp dụng công nghệ thông tin đề hình thành các dịch vụ công trực tuyến đã đáp ứng được yêu cầu của người dân và doanh nghiệp hay chưa; còn tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng vặt ở những cơ quan hành chính hay không, rồi bao nhiêu cán bộ sai phạm bị đưa ra khỏi bộ máy?… Đây là những vấn đề được nêu ra tại Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình tổng thể Cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011-2020./.

Từ khóa: cải cách hành chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, doanh nghiệp, thủ tục hành chính

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập