Các trường loay hoay tìm kinh phí khi dạy thêm miễn phí cho học sinh cuối cấp

Cập nhật: 6 giờ trước

VOV.VN - Áp dụng Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT, nhiều trường đã quyết định dừng hẳn hoạt động dạy thêm cho học sinh, bao gồm cả các lớp cuối cấp. Một số trường cố gắng vận động sự tự nguyện của giáo viên để ôn tập miễn phí cho học sinh trước các kỳ thi lớn, song đây không phải giải pháp dài hạn.

Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT quy định, từ ngày 14/2, hoạt động dạy thêm tại nhà trường sẽ không được thu phí và chỉ dạy học sinh có kết quả học tập môn học cuối kỳ liền kề ở mức chưa đạt, học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Thông tư này có hiệu lực vào giữa tháng 2, cũng là thời điểm thầy và trò các trường THCS, THPT đang dồn sức chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT đang cận kề.

Việc dừng học thêm tại trường khiến nhiều học sinh, phụ huynh như “ngồi trên đống lửa”, gấp rút tìm chỗ học mới để ôn tập, nhất là khi thông tư cũng quy định giáo viên sẽ không được dạy chính học sinh của mình ngay cả ở ngoài nhà trường. Nhưng nếu áp dụng quy định dạy thêm không thu phí theo thông tư và không có nguồn ngân sách từ nhà nước cũng khiến các trường gặp không ít khó khăn.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, thầy Trần Hùng Hiệu, Hiệu trưởng Trường THPT Ninh Giang, Hải Dương cho biết, tuân thủ theo Thông tư 29, đến nay toàn bộ khối 10, 11 đã dừng việc học thêm tại trường, khối lớp 12 cũng sẽ dừng trước ngày 14/2.

Hiệu trưởng Trường THPT Ninh Giang cho biết, dù nhiều phụ huynh học sinh mong muốn nhà trường có phương án tổ chức dạy học cho các em, nhưng điều này là rất khó bởi trường không có kinh phí trả cho giáo viên cũng như các chi phí liên quan khi mở lớp.

“Ngân sách nhà nước cấp hàng năm cho các trường công chủ yếu chỉ đủ trả lương giáo viên và sửa chữa nhỏ về cơ sở vật chất. Các trường cũng đã có ý kiến, đề nghị Sở GD-ĐT có văn bản trình UBND tỉnh xem xét cấp kinh phí cho các trường, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn. Nhiều trường vẫn dạy cố cho các em thêm vài buổi, nhưng đến ngày 14/2 cũng phải tạm dừng”, thầy Hiệu băn khoăn.

Thầy Trần Hùng Hiệu cũng cho rằng, việc dừng học thêm với học sinh cuối cấp ở giai đoạn này cũng sẽ gây ra những khó khăn nhất định. Bởi khi học thêm tại trường 2 tiết, học sinh chỉ phải đóng 16.000 đồng, nhưng khi ra các trung tâm, mức học phí có thể cao hơn rất nhiều, thấp nhất cũng khoảng 50.000 đồng/buổi học 2 tiếng, với phụ huynh ở khu vực nông thôn, áp lực chi phí học tập cũng sẽ tăng lên.

Nói thêm về Thông tư 29, Hiệu trưởng Trường THPT Ninh Giang nhận định, quy định có nhiều mặt tích cực khi hạn chế được tình trạng giáo viên giảng dạy trên lớp chưa thực sự hiệu quả. Với Thông tư này, để có thể dạy thêm ngoài nhà trường, mỗi giáo viên cũng sẽ cần tự khẳng định chất lượng, uy tín của bản thân để thu hút học sinh. Với những giáo viên giỏi, vững chuyên môn khi ra các trung tâm giảng dạy vẫn sẽ đông người học và đảm bảo nguồn thu. Tuy nhiên, lộ trình thực hiện quy định về dạy thêm học thêm khá gấp rút, với học sinh cuối cấp, khi áp dụng quy định mới việc học sẽ có những xáo trộn nhất định.

Vận động giáo viên dạy miễn phí nhưng chỉ là giải pháp tạm thời

Thầy Hoàng Đức Thuận, Hiệu trưởng Trường THPT Cao Bá Quát (Gia Lâm, Hà Nội) cũng cho biết, sau khi Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm, ban giám hiệu đã họp với toàn bộ giáo viên trong trường, phổ biến rõ về quy định mới, đồng thời thống nhất cần mở các lớp bồi dưỡng cho học sinh cuối cấp có nhu cầu, nhưng không được thu phí.

“Nhà trường vận động giáo viên tất cả vì học sinh thân yêu, có trách nhiệm với chất lượng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Chúng tôi lấy ý kiến dân chủ để giáo viên tự nguyện đăng ký tham gia dạy miễn phí cho học sinh cuối cấp. Bên cạnh đó, trên cơ sở tính toán ngân sách, trường trích một phần kinh phí nhỏ dự kiến là 70.000 đồng/tiết học để động viên, bồi dưỡng thêm cho giáo viên, mức tiền này không phải thù lao. 

Thông thường, nếu chưa tính theo mức tiền dạy thừa giờ, thì thầy cô cũng đã nhận khoảng 200.000 đồng/tiết, nếu nhân với hệ số dạy thừa giờ theo quy định thêm 150% nữa, thì mức thù lao sẽ rất cao, nhà trường không có đủ quỹ để bù đắp vào phần kinh phí tổ chức dạy học. 

Trên tinh thần tự nguyện, đa phần thầy cô đều sẵn sàng, trước đó một số giáo viên đã tự có ý kiến với lãnh đạo nhà trường, mong muốn được tiếp tục dạy học sinh không thu tiền, đề nghị nhà trường hỗ trợ về cơ sở vật chất. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có những thầy cô còn e ngại, mong được tính thù lao theo mức tiền dạy thêm giờ. Sau quá trình làm công tác tư tưởng, giáo viên toàn trường đã thống nhất sẽ dạy học sinh lớp 12 mà không thu phí”.

Thầy Hoàng Đức Thuận cho biết thêm, trường sẽ tổ chức các lớp học thêm cho học sinh lớp 12 ở tất cả các môn thi tốt nghiệp. Một số môn có khá ít học sinh như Sinh học có 11 em đăng ký, nhà trường vẫn tổ chức lớp học. “Quan điểm của trường là có 3-4 học sinh/lớp cũng dạy".

Tuy nhiên, theo thầy Thuận, việc vận động giáo viên dạy miễn phí như hiện nay chỉ là giải pháp tạm thời, cấp bách, về lâu dài vẫn cần sự hướng dẫn cụ thể cũng như có nguồn ngân sách hỗ trợ cho các hoạt động dạy thêm tại nhà trường.

“Nếu với số học sinh lớp 12 hiện nay tại trường, và áp dụng mức thu tiền học thêm theo quy định của TP Hà Nội là 7.000 đồng/tiết học, thì sẽ mất khoảng 140 triệu đồng/tháng với khối 12. Điều này rất khó cho các trường, hoàn toàn không có đủ nguồn ngân sách để bù đắp kinh phí.

Trong giai đoạn ôn thi nước rút, cũng là năm đầu tiên áp dụng quy định có thể vận động giáo viên hỗ trợ, chia sẻ, nhưng nếu tiếp tục kéo dài ở những năm học sau rất khó để các trường duy trì việc dạy miễn phí”, thầy Thuận lo ngại.

Thầy Nguyễn Công Sở, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Văn Thiêm (Hà Nội) cũng cho biết, ngay từ đầu năm học, các trường đã có kế hoạch tăng cường kiến thức cho học sinh ở các môn cơ bản như Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ bởi nếu theo đúng số tiết ở khung chương trình thì không đủ thời gian cung cấp kiến thức cho học sinh. Nhưng việc tổ chức dạy thêm ở trường công lập cũng gặp nhiều khó khăn hơn các trường tư thục. 

Từ phản ánh của dư luận, thầy Nguyễn Công Sở cho rằng, khá nhiều ý kiến bức xúc với hiện tượng học sinh bị “lùa ép” đi học thêm. Đây là mặt trái không thể phủ nhận, song bên cạnh đó cũng cần nhìn nhận học thêm là nguyện vọng của nhiều học sinh, phụ huynh nhất là ở giai đoạn cuối cấp đang chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng.

“Như với kỳ thi vào lớp 10 vô cùng khốc liệt, nhưng có thể khẳng định nếu chỉ học trên lớp là chưa đủ. Với bậc THPT, học sinh cũng mong đạt điểm số cao để xét tuyển vào các trường đại học. Đây là nguyện vọng chính đáng. 

Bộ GD-ĐT và các Sở cần sớm có hướng dẫn cụ thể trong việc thực hiện Thông tư 29. Khi chưa có hướng dẫn, nhiều trường sẽ chọn giải pháp dừng toàn bộ hoạt động dạy thêm, ngay cả với học sinh cuối cấp. Trong khi đây là giai đoạn các em đang tăng tốc để về đích. Nếu dạy miễn phí sẽ rất khó cho các trường cả về cơ sở vật chất lẫn thời gian, giáo viên cũng khó chấp nhận dạy miễn phí được mãi, điều này là không thực tiễn”, thầy Sở nói.

Từ khóa: học thêm, dạy thêm, học thêm, học sinh cuối cấp, dừng dạy thêm

Thể loại: Xã hội

Tác giả: nguyễn trang/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập