Các nhà khoa học tha thiết đề nghị phát triển nông nghiệp bền vững
Cập nhật: 03/11/2020
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Góp ý dự thảo văn kiện ĐH XIII, các ý kiến cho rằng, cần áp dụng phát triển nông nghiệp sinh thái, với nhiều kỹ thuật khác nhau, giảm thiểu sử dụng hóa chất, xói mòn, đất được phủ xanh quanh năm…
Góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức sáng 3/11, các ý kiến đề nghị, vấn đề phát triển nhanh và bền vững về nông nghiệp, lâm nghiệp, nông dân, nông thôn cần được quan tâm để đưa ra được đường lối phát triển bền vững trong trong thời gian tới. Chủ trì hội nghị có Ủy viện Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, trong nhiệm kỳ vừa qua cũng như trong suốt quá trình đổi mới, nông nghiệp đã đạt được khá nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, hiện lĩnh vực này đang phải đối mặt với vấn đề thiếu bền vững, được thể hiện cụ thể như: nông nghiệp sử dụng quá nhiều hóa chất, thuốc trừ sâu… gây ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, không đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Cùng với đó là các rủi ro về biến đổi khí hậu, lũ lụt, hạn hán… ngày càng thể hiện rõ rệt, gây ra nhiều tiêu cực trong đời sống. Do đó, các ý kiến cho rằng, vấn đề phát bền vững về nông nghiệp, lâm nghiệp, nông dân, nông thôn cần được quan tâm để đưa ra được đường lối phát triển bền vững trong trong thời gian tới.
Tiến sĩ Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng, nội dung này đã được Văn kiện đề cập tương đối đầy đủ, tuy nhiên ở góc độ của người làm công tác khoa học, có một số nội dung cần được đề cập chi tiết hơn nữa để sau này có thể làm định hướng cho việc hoạch định chính sách của nhiệm kỳ tới.
Khẳng định trong nhiệm kỳ vừa qua, cũng như trong suốt quá trình đổi mới, ngành nông nghiệp đã đạt được khá nhiều thành tựu, nhưng cũng còn không ít thách thức phải đối mặt khiến lĩnh vực này thiếu bền vững. Đơn cử, như ngành nông nghiệp vẫn còn sử dụng quá nhiều hóa chất, thuốc trừ sâu… ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, không đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; các rủi ro về biến đổi khí hậu, lụt lội, hạn hán thời gian qua có nguyên nhân từ việc nông nghiệp phát triển chưa đúng; an ninh dinh dưỡng chưa được đảm bảo, đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa, miền núi, hay ĐBSCL, Tây Nguyên. Xuất khẩu nhiều như vậy, nhưng tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em vẫn còn cao…
Để đối mặt với những thách thức này, trong giai đoạn tới, theo Tiến sĩ Đào Thế Anh, chúng ta đặt ra nhiệm vụ phát triển nhanh, bền vững của toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên cần phải phân định rõ nhiệm vụ: phát triển nhanh là nhiệm vụ của ngành công nghiệp, dịch vụ, còn nông nghiệp phải ưu tiên để phát triển bền vững. Bền vững ở đây là có sự tăng trưởng ổn định trong cả quá trình và có khả năng phục hồi tốt khi gặp rủi ro như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai… Phải làm thế nào để bà con nông dân, nông nghiệp có thể phục hồi nhanh và giảm thiểu thất thoát.
Để thực hiện nhiệm vụ này, chiến lược đặt ra là cần áp dụng phát triển nông nghiệp sinh thái, với nhiều kỹ thuật khác nhau. Cách làm này cho phép chúng ta giảm thiểu sử dụng hóa chất, giảm thiểu xói mòn, đất được phủ xanh quanh năm…
Đáng nói, nông nghiệp sinh thái vẫn cho phép sản xuất hàng hóa chứ không đi ngược với sản xuất hàng hóa. Vì vậy, chiến lược phát triển nông nghiệp cần áp dụng nông nghiệp sinh thái và một nền nông nghiệp sinh thái sản xuất hàng hóa hiện đại. Nông nghiệp rất đa dạng về điều kiện ở các vùng miền và việc ứng dụng công nghệ là do lựa chọn của doanh nghiệp, vấn đề là phải phù hợp với từng điều kiện và trình độ của từng địa phương. Tránh trường hợp ứng dụng công nghệ cao nhưng ảo tưởng, chí phí cao, không thể tồn tại lâu, sau một thời gian lại phải chuyển đổi như vậy là thiếu bền vững.
Băn khoăn về đời sống của người dân, đặc biệt là người nông dân vẫn còn nhiều khó khăn, chỉ cần một cơn bão đi qua, nhiều hộ dân phải trắng tay… Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, Tổng Thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam, mong muốn, trong Đại hội lần này cần phải quan tâm đến nội dung mở ra đường hướng, để bà con có thể vươn lên làm giàu một cách bền vững. Phát triển kinh tế song cần bảo vệ được rừng, giữ được rừng: Làm thế nào để bà con có cuộc sống tốt hơn, vươn lên trong cuộc sống, đồng thời chống đỡ được thiên tai.
Theo Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, điều này đòi hỏi trong Nghị quyết lần này cần tạo ra khí thế mới giúp cho nông thôn được vươn lên mạnh mẽ hơn. Sau Đại hội các cơ quan Trung ương, các cơ quan đoàn thể, những người làm khoa học cần có giải pháp giúp cho khu vực nông thôn phát triển.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học. Các ý kiến đa phần đánh giá cao công tác chuẩn bị và tán thành với nhiều nội dung đặt ra trong Dự thảo văn kiện và đã tập trung 7 nhóm vấn đề, đề nghị được Ban soạn thảo văn kiện lưu ý khi đề cập vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn: Cơ chế chính sách với nông nghiệp, nông thôn đi vào thực tế tốt hơn; Vai trò dẫn dắt người dân thôn bản sản xuất, tiếp cận thị trường; Cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp nông thôn an toàn cho cuộc sống người dân; Mô hình kinh tế cần được khẳng định và định hướng rõ ràng hơn; Thúc đẩy khoa học công nghệ đóng góp tốt hơn cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân; Chuyển giao công nghệ cho nông dân hợp lý với điều kiện của nông dân ở các vùng miền; Phát huy vai trò của kinh tế hộ; nông nghiệp sinh thái nông thôn văn minh, nông dân trẻ khởi nghiệp, phá vỡ rào cản cho kinh tế hộ./.
Từ khóa: phát triển bền vững, nông nghiệp, nông thôn, góp ý văn kiện, văn kiện Đại hội XIII
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN