Các hoạt động thể chất phù hợp với trẻ em
Cập nhật: 16/06/2021
Chồng đã ngoại tình còn ngang nhiên mang tiền cho gái
Vợ đẹp, con ngoan nhưng tôi vẫn muốn "qua lại" với người yêu cũ
[VOV2] - Cho trẻ vận động, tập các môn thể thao là xu hướng rèn luyện sức khỏe được nhiều cha mẹ lựa chọn. Tuy nhiên, vận động ra sao để phù hợp với trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện cũng như không gây chấn thương cho trẻ là điều không hề đơn giản.
Vai trò của thể dục thể thao với trẻ
Theo PGS.TS.BS Võ Tường Kha- Giám đốc Bệnh viện Thể thao, tập vận động giúp trẻ phát triển thể lực, thể chất và trí tuệ. Ngoài ra, vận động còn giúp các bé hoàn thiện các kỹ năng của các cơ quan trong cơ thể, giúp tăng cường sức khỏe và sức đề kháng. Việc hoạt động thường xuyên các môn thể thao cũng giúp tăng tầm vóc, thể lực giúp cơ thể phát triển cân đối ở các bộ phận. Chính vì vậy, cơ thể các bé có thể phòng chống bệnh tật, có tác dụng phục hồi chức năng các cơ quan bị bệnh lý sau khi điều trị hoặc các chức năng bị khiếm khuyết trên cơ thể của trẻ.
Chọn các hoạt động thể chất phù hợp
Về nguyên tắc phải lựa chọn những môn tập thể hiện được cả 4 tố chất, đó là: Sức mạnh, sức nhanh, sức bền và sự khéo léo. Theo BS Võ Tường Kha, muốn làm được việc này phải đánh giá, kiểm tra sức khỏe, thể lực trước khi lựa chọn một bài tập, môn tập nào đấy. “Các cha mẹ nên nhờ bác sĩ y học thể thao, bác sĩ chuyên khoa, huấn luyện viên chuyên sâu về thể dục thể thao hướng dẫn, tư vấn. Trên cơ sở đó sẽ lựa chọn môn tập phù hợp với tình trạng, thế chất, bệnh lý của từng cháu”- BS Võ Tường Kha nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, muốn tập luyện sức bền, cha mẹ có thể cho con tập bơi, chạy bộ, đi bộ, đi xe đạp hoặc các trò chơi. Nếu muốn các bé tăng cường sức nhanh nên chọn môn võ, bóng, môn cầu và các trò chơi. Để các bé tăng sự khéo léo, cha mẹ nên cho các bé chơi môn bóng hoặc các trò chơi.
Các mẹ nếu có thời gian thì có thể cho bé ra ngoài vui chơi cùng bạn bè, nếu cha mẹ bận thì có thể cho bé tham gia vận động bằng cách, lau dọn nhà cửa, những việc đơn giản như lau bàn, quét bụi sẽ phù hợp với bé, vừa giúp bé vận động cơ thể vừa tập thói quen giữ gìn vệ sinh.
Thời gian vận động hợp lý
Căn cứ vào thể chất, bài tập sẽ đưa ra được cường độ vận động (cường độ tập luyện, thời gian tập luyện, thời gian nghỉ ngơi), để mỗi buổi tập đảm bảo được hiệu quả của luyện tập thể thao nhưng không gây tác dụng xấu do tập luyện quá sức gây nên. BS Võ Tường Kha lưu ý, “đối với trẻ em có thể tập thể dục thể thao hằng ngày. Các bài tập sức nhanh khoảng 30 phút trở lên, bài tập sức mạnh tập theo khối lượng vận động, thời gian tập khoảng 30 phút như vậy bài tập tổng họp cho mỗi cháu khoảng 90 phút mỗi ngày. Một tuần tập từ 2-3 lần. Tập riêng từng môn có thể tập hằng ngày thời lượng vận động tùy thuộc vào HLV hoặc BS tư vấn”.
Phòng tránh chấn thương cho trẻ
Đặc điểm hệ cơ xương khớp của trẻ là tính non yếu, dễ chấn thương, dễ phục hồi, tổn thương nặng sẽ ảnh hưởng về sau. Theo PGS.TS.BS Võ Tường Kha - Giám đốc Bệnh viện Thể thao, để phòng ngừa chấn thương, các bé cần được khám, phân loại thể lực để chọn bài tập, môn tập phù hợp.
Trước mỗi buổi tập cần kiểm tra để điều chỉnh lượng vận động, thời gian và cường độ vận động. Tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh tập luyện như dụng cụ, sân bãi, kỹ thuật tập luyện phải đúng quy định, lượng vận động phải phù hợp.
Tuân thủ kỹ thuật tập luyện và phải có khởi động 15-30 phút trước khi vào một buổi tập. Sau tập luyện có hồi phục chủ động, hồi phục tích cực. Trong quá trình tập luyện phải chuẩn bị đầy đủ trang phục phù hợp, nước uống dinh dưỡng phù hợp, để bổ sung năng lượng và lượng nước bị.
Quan trọng nhất vẫn là các bậc phụ huynh nên trở thành người bạn đồng hành cùng con để các bé lấy đó làm hình mẫu mà noi theo, từ đó việc dạy bé thói quen tạp thể thao cũng trở nên dễ dàng hơn.
Từ khóa: trẻ em, vận động, tập thể dục thể thao, PGS- TS-BS Võ Tường Kha- Bệnh viện Thể thao
Thể loại: Đời sống
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2