Các hoạt động kinh doanh, mua sắm Tết của người tiêu dùng giảm do dịch bệnh

Cập nhật: 07/02/2021

VOV.VN - Báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho thấy hoạt động kinh doanh và mua sắm của người tiêu dùng tiếp tục chịu những tác động tiêu cực từ dịch bệnh.

Tại Hải Dương, tình hình kinh doanh, dịch vụ hạn chế, các siêu thị lượng mua hàng giảm đi nhiều so với những ngày thường. Một số cửa hàng hộ kinh doanh đã đóng cửa, một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm vẫn được bán tại các cửa hàng và trung tâm thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, không có hiện tượng găm hàng và tăng giá đột biến. Các mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ Tết lưu thông chậm do dịch bệnh, sức mua giảm.

Tại Quảng Ninh, tình hình giá cả các mặt hàng vật tư y tế, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn cơ bản không biến động, không có hiện tượng găm hàng, tăng giá. Tình hình giá cả lương thực, thực phẩm ổn định, không có hiện tượng người dân tích trữ lương thực. Tại các địa phương giãn cách xã hội nguồn cung nhu yếu phẩm cơ bản ổn định.

Còn tại Điện Biên, trên địa bàn toàn tỉnh tình hình mua bán hàng hóa vẫn diễn ra bình thường, tại các cơ sở kinh doanh như Siêu thị, chợ, các cửa hàng tạp hóa bán nhu yếu phẩm, trang thiết bị vật tư y tế mở cửa bán hàng bình thường. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu như khẩu trang vải, khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang y tế, nước sát khuẩn, lương thực, thực phẩm, xăng dầu, gas, ... cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh.

Riêng trên địa bàn xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé đến 14h00 chiều ngày 5/2/2021 các cơ sở kinh doanh dược phẩm và vật tư y tế không còn khẩu trang y tế để bán.

Tại Gia Lai, các mặt hàng nước sát trùng, găng tay y tế… được bày bán ở các cửa hàng bách hóa tổng hợp, các cơ sở kinh doanh thuốc tây, các hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh với giá cả phù hợp (khẩu trang: 40.000 đồng/hộp đến 50.000 đồng/hộp; nước sát khuẩn khô lifebuoy loại 235ml giá 75.000 đồng/chai). Đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm giá cả ổn định. Qua công tác rà soát, trinh sát, tại thời điểm hiện tại hầu hết các cơ sở đều bán hàng hóa theo đúng quy định, có nguồn gốc và giá bán hợp lý, chưa phát hiện tình trạng đầu cơ găm hàng, bán cao hơn giá niêm yết.

UBND thành phố Hà Nội ban hành Chỉ thị số 03 về thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên toàn cả nước. Chỉ thị trên yêu cầu tất cả các cửa hàng kinh doanh dịch vụ Karaoke, vũ trường, quán Bar, quán game trên địa bàn thành phố tạm dừng hoạt động để đảm bảo công tác phòng dịch bệnh Covid-19 cho đến khi có chỉ đạo cho phép tiếp tục hoạt động của thành phố; các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống phải có biện pháp giãn cách, phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế; dừng các hoạt động lễ hội, sự kiện có tập trung đông người.

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh, mua sắm của người tiêu dùng. Tính đến thời điểm hiện tại, tình hình cung cầu hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên thị trường thành phố vẫn giữ ổn định. Giá cả các mặt hàng thiết yếu không có biến động lớn.

Theo báo cáo của lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhìn chung các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh tương đối đầy đủ./.

Từ khóa: hoạt động kinh doanh, mua sắm Tết, người tiêu dùng, dịch bệnh, dịch Covid-19

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập