Các cuộc xung đột tiềm tàng trên thế giới và khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân
Cập nhật: 04/10/2020
VOV.VN - Khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc chiến tranh tổng lực là cực kỳ nhỏ nhưng không thể loại trừ. Điều đó có thể xảy ra ở đâu và vì những lý do nào?
Không gian hậu Xô viết
Phân tích về sự phát triển của tình hình quân sự-chính trị cho thấy, mối đe dọa nghiêm trọng sẽ phát sinh từ sự bất ổn tại khu vực Anatoli-Kavkaz, chủ yếu là các cuộc xung đột Georgia-Abkhaz, Georgia-Ossetian và Armenia-Azerbaijan. Việc khó điều tiết chúng tạo ra các điểm nóng nguy hiểm và mất ổn định ở Nam Âu, xung đột vũ trang nội bộ ở miền đông Ukraine cũng sẽ tiếp tục. Từ đó, có thể giả định rằng, trong trung hạn có khả năng phát sinh các cuộc xung đột vũ trang giữa các phía của Gruzia là Abkhazia và Nam Ossetia.
Điều kiện tiên quyết cho sự xuất hiện của cảnh nồi da xáo thịt sẽ là việc lên nắm quyền của một ban lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc cấp tiến ở Gruzia, cùng sự ủng hộ công khai đối với hành động xâm lược của họ từ Mỹ và các nước NATO khác. Xung đột có khả năng bắt đầu bằng một cuộc xâm lược quy mô lớn của một nhóm đã được chuẩn bị trước. Mặc dù có khả năng xảy một giai đoạn "đối đầu lai" (hybrid) dưới hình thức kích hoạt "đội quân thứ năm" ở Nam Ossetia và Abkhazia - việc chuẩn bị theo theo kịch bản này đang diễn ra. Số lượng của các nhóm đối lập có thể là 3.000-7.000 người mỗi bên.
Trong những cuộc xung đột này, các loại vũ khí thông thường độc quyền sẽ được sử dụng, với ưu thế về tầm quan trọng của lực lượng mặt đất. Các hoạt động tác chiến chính thường là các hành động tấn công và phòng thủ của các đơn vị cấp chiến thuật, tác chiến theo các hướng biệt lập. Tổng thời gian của một cuộc xung đột như vậy có thể từ vài ngày đến 1 tháng hoặc hơn. Sự tham gia của Nga vào cuộc xung đột này là điều gần như không thể tránh khỏi. Ít có khả năng lực lượng lớn quân đội chính quy của Mỹ hoặc các nước NATO khác sẽ bị lôi kéo vào cuộc xung đột do nguy cơ leo thang thành một cuộc chiến quy mô lớn giữa Nga và các đồng minh chống lại các nước NATO.
Nhìn chung, khả năng phát triển của tình hình như vậy trong trung hạn là không lớn. Với sự xuất hiện của mối đe dọa việc Mỹ chuyển sang sử dụng vũ khí hạt nhân, nước Nga, dựa vào quy định của “Các nguyên tắc cơ bản của chính sách nhà nước trong lĩnh vực răn đe hạt nhân”, có thể tuyên bố quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật chống lại những kẻ xâm lược.
Cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan về Nagorno-Karabakh đang gây bất ổn nghiêm trọng. Quân số các nhóm lên đến 2 hoặc 3 sư đoàn và lữ đoàn mỗi phía. Cơ sở của cuộc đối đầu vũ trang sẽ là các hoạt động tác chiến của lực lượng mặt đất, trong khi đó, phía Azerbaijan sở hữu ưu thế trên không, sẽ tích cực sử dụng không quân. Tổng thời gian của một cuộc xung đột như vậy có thể từ vài ngày đến 1 tháng hoặc hơn. Quốc tế hóa cuộc xung đột có thể có sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng chỉ hạn chế với sự tham chiến của các lực lượng đặc nhiệm. Sự tham gia của Nga vào cuộc xung đột này được coi là khó có thể xảy ra.
Ở Ukraine, xung đột vũ trang nội bộ chỉ có thể kết thúc khi lực lượng tinh hoa dân tộc cực đoan thân phương Tây sụp đổ. Cho đến lúc đó, cuộc đối đầu vũ trang sẽ tiếp tục diễn ra theo hình thức chậm - các cuộc pháo kích có hệ thống của quân Ukraine vào các vùng lãnh thổ của DPR và LPR. Các hoạt động phá hoại của các lực lượng tác chiến đặc biệt Ukraine trên lãnh thổ của các nước cộng hòa tự xưng này chống lại các nhà lãnh đạo của cuộc kháng chiến, sẽ gia tăng. Có khả năng xảy ra các cuộc tấn công với tối đa 2 tiểu đoàn. Các hành động thù địch quy mô lớn chỉ có thể xảy ra khi tình hình chính trị nội bộ ở Ukraine trở nên trầm trọng đặc biệt, đe dọa đối với giới cầm quyền ở đó…, như một cách để hướng sự chú ý của người dân khỏi các vấn đề nội bộ.
Có một điểm nữa trong khu vực này cực kỳ nguy hiểm đối với Nga là Transnistria. Nước cộng hòa chưa được công nhận này là nơi sinh sống của khoảng 200.000 công dân Nga - một nửa dân số ở đây, cũng như một căn cứ quân sự của Nga với kho vũ khí khổng lồ còn sót lại từ thời Liên Xô. Transnistria nằm giữa Ukraine - quốc gia thù địch với Nga và Moldova - nước coi Transnistria là một phần của mình. Trong những điều kiện như vậy, nguy cơ Transnistria bị phong tỏa hoàn toàn là rất cao, điều này sẽ khiến Nga vốn đang bùng phát cuộc chiến với Ukraine hoặc Moldova với sự tham gia của các lực lượng NATO, đứng trước sự cần thiết phải can thiệp để cứu công dân của mình.
Khả năng diễn biến như vậy của tình hình trong trung hạn, xét theo xu hướng hiện tại, có thể được đánh giá là có mức độ. Trong cuộc chiến này, từ phía Transnistria, thành phần đầy đủ của các lực lượng vũ trang của họ sẽ hoạt động - khoảng 5.000 người, và từ phía Nga là các lực lượng chính của Hạm đội Biển Đen (bao gồm trung đoàn lính thủy đánh bộ), nhóm Lực lượng Hàng không vũ trụ và Lực lượng Phòng không ở Crimea, cũng như các bộ phận Lực lượng Mặt đất... Phía Ukraine và Moldova, các đơn vị chủ lực sẵn sàng chiến đấu với tổng số lên tới 20.000 người sẽ được sử dụng.
NATO sẽ có thể cử lực lượng của hạm đội các nước thuộc lưu vực Biển Đen - thành viên của liên minh, cũng như lực lượng chính của Hạm đội 6 của Mỹ, bao gồm tối đa 2 tàu sân bay với các tàu hộ tống, cùng tối đa 2 nhóm tàu tấn công được triển khai tại Biển Đen. Một cuộc xung đột như vậy có thể được phân biệt bởi cường độ đặc biệt cao của các hoạt động chiến đấu, chủ yếu có tính chất trên không-trên biển. Thời hạn của xung đột sẽ ngắn - từ vài ngày đến 2 tuần. Nguy cơ thất bại quân sự của Nga trong cuộc xung đột này là rất cao.
Khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong các cuộc xung đột này trên lãnh thổ của các quốc gia hậu Xô viết chỉ nảy sinh nếu Mỹ và các nước NATO khác bị lôi kéo vào cuộc. Tuy nhiên, xác suất để sự việc phát triển đến mức độ đó là cực kỳ nhỏ, vì trong trường hợp này, nguy cơ leo thang xung đột thành một cuộc xung đột hạt nhân toàn diện sẽ rất cao. Tuy nhiên, nếu vũ khí hạt nhân được sử dụng, chỉ là các cuộc tấn công đơn lẻ của các loại vũ khí hạt nhân đặc biệt có công suất thấp với sự chấm dứt nhanh chóng sau đó của cuộc đấu tranh vũ trang nói chung.
Trung và Cận Đông
Ở phía Nam, các mối nguy hiểm quân sự chính có liên quan đến tình hình bất ổn tại các quốc gia Trung Á của Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (SNG) - chủ yếu là mâu thuẫn giữa các nước và nội bộ ở Tajikistan, Kyrgyzstan và Uzbekistan về các vấn đề sắc tộc và tôn giáo, ở Iraq, Syria và Afghanistan, cũng như do căng thẳng quân sự ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Iran, và trong quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan.
Các cuộc nội chiến ở Syria và Afghanistan sẽ tiếp diễn trong một thời gian khá dài - từ vài tháng đến vài năm. Sự ổn định sẽ sớm diễn ra ở Iraq. Vấn đề người Kurd, mà Mỹ đang cố gắng khai thác vì lợi ích của mình, vẫn chưa được giải quyết. Sự can thiệp của Mỹ và các đồng minh vào cuộc chiến Syria vẫn tiếp tục. Việc củng cố vị trí của Nga và Iran trong khu vực này sẽ kích thích việc tăng cường hoạt động quân sự của Mỹ, Israel và các đồng minh Arab của họ.
Hoạt động quân sự của Mỹ ở Syria còn khá hạn chế, tuy nhiên, nguy cơ xảy ra một cuộc xâm lược toàn diện vẫn còn. Lý do cho sự phát triển của tình hình có thể là sự gia tăng hiện diện của Iran, đặc biệt là ở các khu vực phía nam của Syria. Trong trường hợp này, có thể xảy ra một cuộc xâm lược toàn diện nhằm vào Syria của Mỹ, Israel và các đồng minh của họ. Quy mô của nhóm Lực lượng vũ trang Mỹ có thể là 1 hoặc 2 tàu sân bay với 10-15 tàu nổi và 5-8 tàu ngầm, tối đa 1 đơn vị không quân chiến thuật (sử dụng tới 300-400 tên lửa Tomahawk) và tối đa 1 hoặc 2 sư đoàn lực lượng trên bộ hoặc Thủy quân lục chiến với sự hỗ trợ thích hợp.
Nhóm của lực lượng phòng vệ Israel sẽ tham gia vào các cuộc chiến. Các lực lượng này sẽ tiến hành một chiến dịch tấn công đường không, sau đó là các hành động của nhóm mặt đất. Tổng thời gian của hoạt động đầu tiên như vậy có thể lên đến 1 tháng. Khả năng diễn biến như vậy của tình hình vào thời điểm hiện tại, cũng như khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân có thể coi là cực kỳ thấp do một đất nước Syria kiệt quệ sẽ không thể chống lại kẻ xâm lược.
Ngay cả sự tham gia của người Nga trong cuộc xung đột này, với sự cô lập và xa cách với lãnh thổ của nước Nga, cũng như khả năng hạn chế của Hải quân Nga trong việc hỗ trợ các hoạt động của nhóm quân, sẽ không trở thành lý do để Mỹ và các đồng minh sử dụng vũ khí hạt nhân. Và vì lợi ích của việc cứu chế độ của Bashar al-Assad và căn cứ ở Syria, giới lãnh đạo Nga cũng không có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân.
Ở đây còn có khả năng gây hấn của Mỹ, Israel, các nước NATO và các đồng minh của họ chống lại Iran. Trong trường hợp tình hình diễn biến như vậy, một cuộc chiến tranh cục bộ quy mô khá lớn sẽ nổ ra. Để đạt được thành công, Mỹ và các đồng minh sẽ cần tạo ra một nhóm không quân với tổng số ít nhất 1000-1500 máy bay, bao gồm tối đa 400 máy bay chiến đấu và đến 40-50 máy bay ném bom chiến lược, sử dụng lực lượng chính của hạm đội - lên đến 7-8 tàu sân bay, 35-40 tàu chiến mặt nước và tàu ngầm, cũng như lực lượng trên bộ lên tới 300.000 quân.
Ngoài ra, khoảng 1.500 đến 2.500 tên lửa hành trình có khả năng được sử dụng, chủ yếu bởi Không quân Chiến lược và Hải quân. Điều kiện để bùng nổ một cuộc chiến như vậy sẽ là việc Iran nối lại chương trình tên lửa hạt nhân hoặc bắt đầu xung đột quân sự giữa Iran và một trong những quốc gia đứng đầu vùng Vịnh Ba Tư, rất có thể là với Saudi Arabia. Thời gian của một cuộc chiến như vậy sẽ kéo dài vài tháng. Việc kết thúc có thể xảy ra sau khi các nhóm chính của Lực lượng vũ trang Iran bị đánh bại với sự thay đổi chế độ chính trị trong nước, hoặc việc Mỹ từ chối tiếp tục chiến tranh do tổn thất đáng kể và sự phản đối lớn của người dân Mỹ.
Nguy cơ Nga bị lôi kéo vào cuộc xung đột này là vừa phải, vì sự xuất hiện của một quốc gia thù địch gần biên giới của Nga, mà Iran có thể trở thành nạn nhân của cuộc xâm lược, là hoàn toàn không thể chấp nhận đối với Nga. Trong cuộc chiến này, nguy cơ Mỹ và Israel chuyển sang sử dụng vũ khí hạt nhân tương đối cao. Thứ nhất, không thể tiêu diệt các đối tượng chủ chốt của chương trình hạt nhân Iran nằm trong các hầm đá bằng vũ khí thông thường. Thứ hai, sức mạnh của các lực lượng vũ trang Iran, cụ thể là hệ thống phòng không và tiềm lực tên lửa.
Do đó, để trấn áp các nhóm quân mạnh nhất của Iran, vũ khí hạt nhân có thể được cần đến, và điều này có khả năng xảy ra sau một cuộc khiêu khích quy mô lớn với việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt phi hạt nhân nhằm vào dân số các nước tiếp giáp với Iran hoặc chống lại các đơn vị riêng lẻ của quân đội Mỹ, sau một chiến dịch thông tin ngắn, một số các cuộc tấn công hạt nhân riêng lẻ có sử dụng các tên lửa đạn đạo Trident-2D5 của tàu ngầm, tên lửa đạn đạo tầm trung của Israel và các máy bay chiến thuật có sử dụng bom hạt nhân với mức công suất nổ tối thiểu nhằm vào các đối tượng quan trọng của tổ hợp hạt nhân Iran và các cánh quân mạnh nhất của nước này.
Nếu những cuộc tấn công này là không đủ, việc lặp lại ở quy mô lớn hơn có thể xảy ra, với việc tấn công không chỉ các mục tiêu quân sự thuần túy mà còn cả các trung tâm hành chính và chính trị riêng lẻ. Xét đến tầm quan trọng của việc duy trì Iran thân thiện đối với an ninh của Nga, cũng như hậu quả môi trường của các vụ ném bom hạt nhân gần biên giới của Nga, khả năng Nga can thiệp vào cuộc xung đột này, đặc biệt là trong trường hợp kẻ xâm lược có nguy cơ chuyển sang sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Iran, là rất cao. Ban đầu, đây có thể là hỗ trợ ngoại giao thuần túy với sự chuyển đổi sau đó sang cung cấp hỗ trợ kỹ thuật-quân sự.
Và với sự xuất hiện của mối đe dọa Mỹ chuyển sang sử dụng vũ khí hạt nhân, Nga dựa vào các quy định của Chính sách cơ bản của Nhà nước trong lĩnh vực răn đe hạt nhân, có thể tuyên bố quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật chống lại kẻ xâm lược, thực hiện tuyên bố này trong trường hợp nghiêm trọng nhất bằng cuộc tấn công tượng trưng vào các khu vực không có người ở. Tuy nhiên, một bước như vậy phải được coi là khó xảy ra.
Châu Á và châu Phi
Nguy cơ xảy ra đụng độ vũ trang ở châu Phi, và cuộc chiến ở Yemen ở phía nam bán đảo Arab sẽ tiếp tục ngày càng lớn. Những xung đột này, về khía cạnh địa chính trị, sẽ là tranh giành ảnh hưởng ở khu vực này bởi một bên là Saudi Arabia và Mỹ và bên kia là Trung Quốc và Iran. Cơ sở và điều kiện trực tiếp để bùng nổ chiến tranh ở đây là sự hiện diện của những mâu thuẫn nội bộ nghiêm trọng, chủ yếu là đạo đức và tôn giáo, sẽ bị các thế lực bên ngoài lợi dụng để mở rộng vùng ảnh hưởng của họ.
Do mức độ tham gia kinh tế và chính trị của Nga vào các tiến trình tại đây, khả năng Nga bị lôi kéo vào các cuộc xung đột ở lục địa này được coi là thấp trong trung hạn. Tuy nhiên, việc mở rộng các hoạt động kinh doanh của Nga trong khu vực này có thể dẫn đến thực tế là nước Nga sẽ cần phải bảo vệ lợi ích hợp pháp của các công ty và công dân của họ bằng vũ lực.
Sự can thiệp của Nga vào các cuộc xung đột như vậy có thể được thực hiện chủ yếu bởi các lực lượng với số lượng hạn chế của các nhóm không quân và hải quân. Hình thức chủ yếu của cuộc đối đầu vũ trang sẽ là các hoạt động tác chiến theo đội hình bất thường, hoạt động trên quy mô chiến thuật của quân đội chính quy, và các cuộc tấn công riêng lẻ của máy bay và tàu hải quân. Cường độ của cuộc giao tranh có khả năng tương đối thấp. Về thời gian, các cuộc xung đột quân sự như vậy có thể diễn ra trong ngắn hạn - vài ngày và tương đối dài - từ vài tháng đến vài năm.
Cuộc chiến ở Afghanistan sẽ còn tiếp diễn trong một thời gian dài, do Mỹ không muốn thừa nhận thất bại và rút khỏi đây, mà Mỹ không rút thì việc hòa giải dân tộc là không thể. Trong bối cảnh đó, người ta có thể mong đợi sự tăng cường hơn nữa các nỗ lực thâm nhập vào khu vực này của các tổ chức Hồi giáo cực đoan từ các nước Arab và châu Phi, đặc biệt là từ Syria và Iraq, khi các tổ chức khủng bố hoạt động ở đây bị đánh bại. Điều này sẽ dẫn đến việc gia tăng quy mô đối đầu quân sự ở chính Afghanistan, cũng như xuất khẩu một làn sóng chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan mới sang các quốc gia láng giềng của Trung Á là các nước cộng hòa trước đây của Liên Xô.
Tình hình kinh tế - xã hội không ổn định ở các quốc gia này, cộng với mâu thuẫn dân tộc, tôn giáo sâu sắc đã tạo cơ sở thuận lợi cho việc nảy sinh các cuộc xung đột vũ trang, chủ yếu là nội bộ. Tình hình sẽ trở nên trầm trọng hơn khi Mỹ muốn phá vỡ hoặc cản trở việc hình thành và hoạt động bình thường của "Con đường tơ lụa mới", nhằm hạn chế ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc tại các tiền đồn này. Những xung đột này sẽ có bản chất và nguồn gốc tương tự như những xung đột được thảo luận liên quan đến châu Phi.
Khả năng bị lôi kéo vào các cuộc xung đột này của Nga, nước liên kết với các nước đó bởi Hiệp ước An ninh Tập thể, là rất cao, thậm chí gần như không thể tránh khỏi. Không thể loại trừ hoàn toàn sự tham gia của Trung Quốc, vốn đã thâm nhập triệt để vào nền kinh tế của các nước cộng hòa Trung Á. Sự tham gia của Nga trong các cuộc xung đột này có thể được thể hiện bằng một căn cứ quân sự với hàng nghìn nhân viên, với khả năng tăng cường lên đến 1 lữ đoàn lực lượng đặc biệt và tối đa 2 hoặc 3 phi đội không quân.
Việc chuyển đổi sang sử dụng vũ khí hạt nhân trong các cuộc xung đột ở châu Phi và các nước cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô cũ được cho là không thể xảy ra trên thực tế, vì không có điều kiện tiên quyết về quân sự-chiến lược hoặc quân sự-chính trị cho một bước đi như vậy. Nhưng ở Afghanistan, điều này có thể xảy ra nếu giới lãnh đạo quân sự-chính trị Mỹ quyết định bằng bất cứ giá nào giữ gìn và củng cố vị thế của họ ở đó. Trong trường hợp này, có khả năng để tiêu diệt các căn cứ và nhóm phiến quân Afghanistan và Taliban trên các dãy núi, nơi các loại bom đạn thông thường không có tác dụng, Mỹ có thể tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân đơn lẻ nhằm vào các mục tiêu được bảo vệ chắc chắn nằm trong các hẻm đá.
Để làm điều này, rất có thể có thể họ sử dụng bom hạt nhân chính xác cao từ máy bay chiến thuật, trên tàu sân bay hoặc chiến lược. Mặc dù không thể loại trừ khả năng sử dụng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm. Trong trường hợp này, Nga rất có thể sẽ tự giới hạn mình trong các ranh giới ngoại giao, vì các hành động như vậy rõ ràng không đe dọa trực tiếp đến lợi ích quốc gia và hệ sinh thái của nước Nga./.
Từ khóa:
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN