Dự án bao gồm chuỗi hoạt động truyền thông phong phú, thiết thực đem đến kiến thức, sự hiểu biết và những thay đổi hành động, thói quen mới về phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Các hoạt động của dự án đã tiếp cập đến đông đảo cán bộ, nhân viên y tế, các cấp hội, ban, ngành, đoàn thể và các tiểu thương dân tộc thiểu số tại 4 huyện: Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh và thành phố Hà Giang trên địa bàn tỉnh.
Những hỗ trợ của dự án đã giúp chính quyền địa phương có thêm các nguồn lực thiết yếu thực hiện công tác phòng, chống dịch trên địa bàn và hướng dẫn người dân, đặc biệt là các tiểu thương dân tộc thiểu số được cung cấp kiến thức và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn các biện pháp phòng dịch cần áp dụng trong khi tham gia vào hoạt động sản xuất kinh tế. Điều này sẽ giúp giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 để người dân vẫn có thể tiếp tục phát triển kinh tế bền vững, ổn định đời sống vượt lên những thiếu thốn, ít đất canh tác, thiếu nước sinh hoạt, chống chọi với khắc nghiệt của thiên nhiên.
|
Bộ ảnh gồm 50 bức ảnh được chụp vào thời điểm cuối năm 2020, đầu năm 2021 tại 4 huyện cao nguyên đá gồm Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ của tỉnh Hà Giang thuộc diện địa phương nghèo nhất cả nước và đông người Mông sinh sống nhất. Thông qua bộ ảnh, nét đẹp trong lao động của các tiểu thương dân tộc thiểu số được phác họa qua các khoảnh khắc ảnh và càng trở nên đẹp hơn khi các biện pháp phòng dịch được thực hiện nhằm đem đến sự an toàn sức khỏe cho cá nhân và cộng đồng.
Huyện Đồng Văn là nơi cư trú của 17 đồng bào các dân tộc như: Mông, Tày, Dao, Nùng, Hoa, La Chí, Lô Lô… Trong đó, dân tộc Mông là chủ yếu. Thông qua gói hỗ trợ, đồng bào dân tộc của huyện Đồng Văn đã được nhân viên y tế phổ biến kiến thức và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Từ đó, trong lao động sản xuất đảm bảo kinh tế gia đình, người dân cũng đồng thời thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống dịch: đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống,…
|
Chùm ảnh huyện Đồng Văn đã cho thấy nét đẹp của người dân khi thực hiện phát triển du lịch gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Cho chúng ta thấy cách làm riêng trong việc sản xuất, chế biến những sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương như bánh, kẹo từ hoa Tam giác mạch, đào tạo đội ngũ đầu bếp có đủ trình độ nấu các món ăn mang đậm bản sắc dân tộc như thắng cố, mèn mén, thịt hun khói, cháo ấu tẩu phục vụ du khách; quy hoạch, khôi phục các làng nghề truyền thống như: Làng nghề may quần áo Tả Pủ dân tộc Mông tại thị trấn Phố Bảng, Làng nghề thêu dệt váy áo phụ nữ dân tộc Lô Lô xã Lũng Cú,…