Bộ Y tế liên tục nhận được những phản ánh về việc mạo danh bài thuốc gia truyền

Cập nhật: 06/11/2024

VOV.VN - Thời gian qua, Cục quản lý Y, Dược Cổ truyền (Bộ Y tế) liên tục nhận được những phản ánh, khiếu nại của các lương y sở hữu bài thuốc y học cổ truyền bị mạo danh, quảng cáo quá lời trên mạng xã hội, gây mất uy tín và đe dọa sức khỏe của người dân. Việc xử lý vấn đề này đang gặp rất nhiều khó khăn.

Việt Nam được xếp thứ 2 trên thế giới về những thành tựu của nền y học cổ truyền với hơn 5000 loại cây thuốc có công dụng chăm sóc sức khỏe. Hiện có khoảng 40% bệnh nhân ở tuyến y tế cơ sở, 20% bệnh nhân ở tuyến tỉnh và 10% bệnh nhân ở tuyến Trung ương được điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền.

Cả nước hiện có gần 70.000 hội viên Hội Đông y, với hơn 11.000 phòng chẩn trị và trung tâm đông y. Trong đó có nhiều lương y sở hữu những bài thuốc quý giá, gia truyền nhiều đời. Tuy nhiên, hiện nay, các thành tựu của y học cổ truyền và cơ sở đông y uy tín đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng mạo danh, quảng cáo sai sự thật tràn lan trên mạng xã hội.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục quản lý Y, Dược Cổ truyền (Bộ Y tế)  cho biết: “Đây là vấn đề hết sức đau đầu, Cục đã nhận được nhiều phản ánh, khiếu nại của các cơ sở làm ăn chân chính bị mạo danh. Theo đúng thẩm quyền, Cục đã gửi công văn cho Sở Y tế thậm chí gửi cả cho Công an đến điều tra, lần theo cả số điện thoại và địa chỉ nhưng đến nơi thì không có. Tình trạng mạo danh rất phức tạp, cần rất nhiều cơ quan ban ngành phối hợp với nhau mới xử lý được. Việc quan trọng nhất hiện nay là tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân cảnh giác trước những đối tượng lừa đảo này”.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về khuyến khích, hỗ trợ, đầu tư, bảo tồn, phát huy tiềm năng thế mạnh của dược liệu và các sản phẩm y học cổ truyền, từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 11 tới, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC); số 799 Nguyễn Văn Linh, Quận 7, thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế tổ chức hội chợ dược liệu, y dược cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu toàn quốc lần thứ hai, năm 2024. 

Hội chợ sẽ có 425 gian hàng của hơn 300 tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền, cơ sở nuôi trồng dược liệu, thiết bị chăm sóc sức khỏe, y tế thông minh, phòng sạch, Bệnh viện Y học cổ truyền, Hội Đông y trong nước và quốc tế. 

Tiến sĩ Trần Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục quản lý Y, Dược Cổ truyền (Bộ Y tế) thông tin: “Trong thời gian hội chợ sẽ diễn ra các hoạt động như: Hội thảo “Ứng dụng các thành tựu y học cổ truyền trong điều trị, chăm sóc sức khoẻ”; hội thảo “Phát triển dược liệu Việt Nam trong thời kỳ 4.0”; Hội nghị kết nối giao thương phát triển vùng trồng dược liệu, sản phẩm từ dược liệu vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Hoạt động giao thương, giới thiệu công nghệ, sản phẩm mới của Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp; Cung cấp kiến thức và cách phân biệt các loại dược liệu, thuốc cổ truyền; Giới thiệu sản phẩm thuốc đặc trưng vùng, miền, địa phương; Chương trình giao lưu, tư vấn về chính sách pháp luật, cơ chế chính sách hỗ trợ cơ sở, cá nhân khởi nghiệp cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ; Trải nghiệm các sản phẩm dược liệu trưng bày tại Hội chợ; Giới thiệu quảng bá, Tư vấn, khám bệnh miễn phí và các kiến thức về dược liệu, thuốc cổ truyền …” 

Từ khóa: bài thuốc, Bộ y tế, bài thuốc gia truyền, lương y, mạo danh bài thuốc gia truyền, y học cổ truyền,bài thuốc y học cổ truyền

Thể loại: Xã hội

Tác giả: văn hải/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan