Bộ VHTT&DL lên tiếng về chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng văn hóa

Cập nhật: 11/10/2023

VOV.VN - Ngày 9/10, Bộ VHTT&DL tổ chức họp báo thường kỳ quý III/2023. Tại họp báo, đại diện nhiều cơ quan báo chí quan tâm tới Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam, với kinh phí 350.000 tỷ đồng gây xôn xao dư luận thời gian qua.

Liên quan đến nội dung được báo chí, truyền thông dành nhiều sự quan tâm trong thời gian qua: Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, tại họp báo, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính Lê Hồng Phong nhấn mạnh: “Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa khi được ban hành sẽ góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn cấp bách của văn hóa trong thời kỳ mới. Đồng thời, Chương trình nhằm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ, phát triển văn hóa bền vững”.

Tại kết luận số 42-KL/TW về kinh tế xã hội năm 2022-2023 (Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành) nêu rõ: “Triển khai Chương trình quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2022-2030”. Nghị quyết số 68/2022/QH15, Nghị quyết số 572/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 15 tiếp tục giao Chính phủ xây dựng Chương trình hoặc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2022-2030 trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Tuy nhiên, theo ông Lê Hồng Phong, văn hóa là một lĩnh vực rất rộng, quan điểm tiếp cận đầu tiên khi thiết kế Chương trình là ưu tiên những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để đầu tư, tránh dàn trải, cào bằng.

Do đó, Bộ VHTT&DL đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo tham vấn, xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa; đánh giá tổng kết các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, các đề án, dự án giai đoạn trước để có cơ sở cho những chương trình tiếp theo, đề xuất các nội dung đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm. Trên tinh thần đó, Chương trình được thiết kế với tổng số 10 nội dung thành phần.

“Hiện giờ, việc triển khai nhiệm vụ này dừng ở bước xin chủ trương đầu tư; tổng hợp những nội dung, nhu cầu có tính cấp thiết từ các Bộ, ngành Trung ương, địa phương. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước để thẩm định chủ trương đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá trước khi trình Quốc hội”, ông Phong bày tỏ.

Thông tin thêm về việc chưa chi trả tiền thưởng cho 114 tác giả đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước, dù họ đã nhận giải thưởng được hơn 4 tháng, ông Lê Hồng Phong cho biết, 2 giải thưởng trên đã trao vào ngày 19/5 vừa qua tại Nhà hát Lớn, Hà Nội.

Những vướng mắc sẽ được các cơ quan liên quan giải quyết đồng bộ để các tác giả nhận được thù lao nhanh nhất. "Văn phòng Chính phủ đã giao cho Bộ VH,TT&DL thống kê toàn bộ địa chỉ cụ thể các tác giả đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước cho Bộ Tài chính.

“Ngày 3/10, Bộ Tài chính đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, toàn bộ thủ tục để trao tiền thưởng cho các tác giả đã xong", ông Phong chia sẻ.

Từ khóa: bộ vhtt&dl, lên tiếng, chương trình, mục tiêu, chấn hưng, văn hóa

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả: ctv phương cúc/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập