Bổ sung hành vi bị cấm trong chứng khoán: “Không thể vì không quản được thì cấm”
Cập nhật: 29/10/2024
VOV.VN - Quy định không công bố thông tin về "dự kiến giao dịch” trong chứng khoán là một hành vi bị cấm, có thể khiến hàng loạt các giao dịch nhỏ lẻ phải công bố, làm tăng thêm gánh nặng pháp lý không cần thiết cho cả doanh nghiệp và các cơ quan quản lý.
Chiều 29/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Đại biểu Nguyễn Như So, đoàn Bắc Ninh cho rằng trước sự thay đổi của tình hình kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, các văn bản pháp luật về tài chính đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc và cần phải được rà soát, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung.
Do vậy, việc ban hành dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia là vô cùng cấp thiết và cần thiết.
Đối với Luật Chứng khoán, qua nghiên cứu, đại biểu đánh giá cao việc dự thảo Luật bổ sung thêm các hành vi bị cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán nhằm tăng cường tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật.
Tuy nhiên, theo đại biểu, việc bổ sung hành vi không công bố thông tin của người nội bộ công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, quỹ đại chúng và người có liên quan của các đối tượng này (khoản 4 điều 1 dự thảo Luật) là chưa phù hợp.
Bởi lẽ, việc công bố thông tin theo luật hiện hành là nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chứng khoán; trường hợp các tổ chức, cá nhân này vi phạm thì phải chịu chế tài xử phạt theo quy định tương ứng của pháp luật.
Việc tổng kết, nghiên cứu các tình huống thực tế để xây dựng các quy định pháp luật điều chỉnh là cần thiết, nhưng cần xem xét đến tính bao quát, đại diện, tránh điều chỉnh từng hành vi, vụ việc riêng lẻ dẫn đến bỏ sót, bỏ lọt.
“Chúng ta không thể vì không quản lý được thì cấm, mà nên căn cứ theo mức độ nghiêm trọng của các hành vi để xử lý theo hướng thật nặng đối với các hành vi cố tình vi phạm và xử lý ở mức độ hợp lý đối với các vi phạm do vô ý”, đại biểu Nguyễn Như So nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng lưu ý cần xem xét để đảm bảo tính phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành mà không gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp vì khoản 1 Điều 33 của Thông tư 96 năm 2000 của Bộ Tài chính đang cho phép người nội bộ và người có liên quan không phải công bố thông tin đối với các giao dịch trong ngày có trị giá dưới 50 triệu đồng.
“Nếu quy định cấm sẽ khiến cho hàng loạt các giao dịch nhỏ lẻ phải công bố sẽ làm tăng thêm gánh nặng pháp lý không cần thiết cho cả doanh nghiệp và các cơ quan quản lý. Điều này sẽ dẫn đến sự trì trệ trong các quyết định giao dịch, làm ảnh hưởng đến thanh khoản, tính linh hoạt của thị trường”, đại biểu đoàn Bắc Ninh nêu ý kiến.
Do đó, đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần nghiên cứu bỏ nội dung bổ sung “không công bố thông tin về dự kiến giao dịch” là một hành vi bị cấm.
Đại biểu Lê Quân, đoàn Hà Nội đánh giá cao việc phải phải sửa đổi một số điều của Luật Chứng khoán, nhất là các quy định về phát hành trái phiếu, về các nhà đầu tư riêng lẻ, về hành vi thao túng thị trường chứng khoán…
Dẫn ví dụ về việc thực tế thời gian vừa qua xảy ra một số vụ án nghiêm trọng liên quan đến mua bán trái phiếu và thao túng thị trường chứng khoán, đại biểu Lê Quân cho rằng, nguyên nhân đều xuất phát từ các kẽ hở của pháp luật.
“Với các quy định hiện hành nếu không sửa ngay thì bản thân tôi thấy rất khó tin khi mang tiền cho người khác tiêu”, đại biểu đoàn Hà Nội bày tỏ.
Phân tích kỹ hơn, đại biểu Lê Quân cho rằng, thị trường trái phiếu Việt Nam phát triển không đúng nguyên lý thị trường. Nguyên lý của phát triển thị trường trái phiếu, chứng khoán là thu hút vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh, nhằm phục đích phát triển bền vững, đầu tư dài hạn.
Đại biểu đề nghị, phải kiểm soát chặt hơn việc phát hành trái phiếu và đảm bảo sự minh bạch, công khai trong thị trường trái phiếu để giúp người dân yên tâm hơn khi đầu tư. Muốn vậy, cần gắn trách nhiệm của các đơn vị kiểm toán; siết chặt các quy định về thao túng thị trường chứng khoán, trái phiếu…
Cùng góp ý về Luật Chứng khoán, đại biểu Nguyễn Thị Yến, đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu nhận xét: Dự luật bổ sung quy định về các hành vi thao túng thị trường theo hình thức liệt kê các hành vi cụ thể nhưng vẫn thiếu các biện pháp xử lý rõ ràng đối với những hành vi này. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần cân nhắc bổ sung thêm quy định về mức độ xử phạt và biện pháp phòng ngừa thao túng chứng khoán.
Đối với sửa đổi điểm c khoản 1 Điều 31: “Bán cổ phiếu chào bán riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ”, đại biểu Yến cho biết tại điểm c, khoản 1, Điều 31 quy định thời hạn hạn chế chuyển nhượng 3 năm là dài đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Điều này có thể ảnh hưởng đến thanh khoản của thị trường.
Theo nữ đại biểu, cần cân nhắc giảm thời gian hạn chế chuyển nhượng từ 3 năm xuống còn 2 năm, đồng thời cho phép chuyển nhượng nội bộ trong vòng 1 năm giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
“Vì việc điều chỉnh thời gian sẽ làm tăng sự linh hoạt cho nhà đầu tư mà không ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường chứng khoán”, đại biểu Nguyễn Thị Yến nêu rõ.
Từ khóa: chứng khoán, chứng khoán, luật chứng khoán, hành vi bị cấm trong chứng khoán, đại biểu quốc hội
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: vân anh/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN