Bộ Quốc phòng tổng kết 5 năm thực hiện Đề án tuyên truyền về Công ước chống tra tấn

Cập nhật: 22/01/2021

VOV.VN - Cán bộ, chiến sĩ, nhất là những người trực tiếp làm công tác điều tra, kiểm sát, xét xử, tạm giữ, tạm giam, thi hành án, xử lý vi phạm hành chính đã tôn trọng và có ý thức trách nhiệm trong chấp hành Công ước chống tra tấn.

Sáng 22/1, Bộ Quốc phòng tổng kết 5 năm thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến nội dung công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; pháp luật Việt Nam về chống tra tấn trong quân đội giai đoạn 2016-2020”.

Báo cáo tại Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, cho biết, thực hiện kế hoạch của Bộ Quốc phòng, 100% cơ quan, đơn vị xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án đồng bộ, toàn diện, sát với tình hình thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ; đồng thời đưa nội dung Đề án vào kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, chương trình giáo dục chính trị cho các đối tượng hàng năm, chương trình đào tạo trong các nhà trường quân đội.

Sau 5 năm triển khai thực hiện, các mục tiêu của Đề án cơ bản hoàn thành; cấp ủy, chỉ huy các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đồng bộ, toàn diện các nội dung của Đề án; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết về ý nghĩa, vai trò, nội dung Công ước chống tra tấn, pháp luật Việt Nam về chống tra tấn, các quy định của Bộ Quốc phòng về chống quân phiệt được tăng cường.

Cán bộ, chiến sĩ nhất là những người trực tiếp làm công tác điều tra, được giao tiến hành một số hoạt động điều tra, kiểm sát, xét xử, tạm giữ, tạm giam, thi hành án, xử lý vi phạm hành chính đã tôn trọng và có ý thức trách nhiệm trong chấp hành Công ước chống tra tấn, pháp luật Việt Nam về chống tra tấn; bảo đảm thực hiện có hiệu quả quyền con người theo tinh thần của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, đặc biệt chưa xảy ra trường hợp bức cung, dùng nhục hình do người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp gây ra; chấp hành nghiêm điều lệnh, điều lệ của quân đội, các hành vi quân phiệt, hành hung đồng đội ở các đơn vị cơ sở giảm; góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, bảo đảm cho quân đội hoàn thành chức năng, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được qua 5 năm thực hiện Đề án trong toàn quân. Kết quả đó thể hiện sự phấn đấu nỗ lực, trách nhiệm cao của cấp ủy, chỉ huy các cấp và của cán bộ, chiến sĩ toàn quân đối với công tác phổ biến giáo dục pháp luật nói chung, thực hiện Đề án nói riêng.

Qua 5 năm thực hiện Đề án đã có nhiều mô hình, biện pháp, cách làm mới, sáng tạo, đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật nói chung, tuyên truyền, phổ biến Công ước chống tra tấn nói riêng. Tiêu biểu có các cơ quan, đơn vị như: Cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Kỹ thuật, các Quân khu, Quân chủng, Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Quân đoàn 1, Quân đoàn 2, Binh chủng Công binh, Binh đoàn 16…

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, các đơn vị trong toàn quân tiếp tục quán triệt sâu sắc nội dung cơ bản của Công ước chống tra tấn; quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền con người nói chung, phòng, chống tra tấn nói riêng và công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong tình hình mới; gắn với thực hiện nghị quyết của Quân ủy Trung ương, quy định của Bộ Quốc phòng và hệ thống điều lệnh, điều lệ trong Quân đội. Trên cơ sở đó xác định rõ chủ trương, biện pháp lãnh đạo, kế hoạch triển khai với các nội dung cụ thể, sát đối tượng, sát tình hình, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Tạo bước chuyển biến về chất lượng, hiệu quả trong thực hiện Đề án của toàn quân.

Phát huy vai trò, trách nhiệm và đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp. Tập trung đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, tạo sự chuyển biến tích cực về chất lượng, hiệu quả tuyên truyền Công ước chống tra tấn, pháp luật Việt Nam về chống tra tấn; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức tôn trọng, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội nói chung, pháp luật về chống tra tấn, các quy định của Bộ Quốc phòng về phòng, chống quân phiệt ở đơn vị cơ sở nói riêng, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của Quân đội trong giai đoạn mới.

Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nêu rõ: “Việc thực hiện Đề án gắn với thực tiễn của quân đội là cần thiết và quan trọng. Quân đội có mạnh là nhờ giáo dục khéo, kỷ luật nghiêm, kỷ luật làm nên sức mạnh quân đội. Đặc biệt, tiếp tục phát huy các cách làm hay, mô hình tốt để tiếp tục xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, chấp hành pháp luật, kỷ luật. Tiếp tục làm nổi bật hình ảnh bộ đội cụ Hồ với những phẩm chất ý chí, đạo đức, năng lực, tinh thần quyết chiến, quyết thắng, nhưng quan trọng nhất là tinh thần thương yêu đồng chí, đồng đội, thương yêu nhân dân”.

Tại Hội nghị, 88 tập thể, 139 cá nhân đã được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về thành tích trong thực hiện Đề án. Hội nghị cũng đã trao giải cho 84 tác giả, nhóm tác giả đoạt giải trong Cuộc thi video tuyên truyền Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; pháp luật Việt Nam về chống tra tấn được tổ chức trong toàn quân./.

Từ khóa: công ước của Liên Hợp Quốc, chống tra tấn, đối xử tàn bạo, nhục hình, bức cung, quân đội

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập