Bộ Ngoại Giao hai nước Việt Nam và Nhật Bản ra thông cáo báo chí chung
Cập nhật: 20/08/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Zurich bắt đầu tham dự Hội nghị WEF Davos
Việt Nam và Séc tiếp tục phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương
VOV.VN - Bộ Ngoại Giao hai nước Việt Nam và Nhật Bản ra Thông cáo báo chí chung, trong đó thống nhất 25 điểm quan trọng nhằm tiếp tục tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Nhân dịp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn thăm chính thức Nhật Bản và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 12 Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, Bộ Ngoại Giao hai nước đã ra Thông cáo báo chí chung, trong đó thống nhất 25 điểm quan trọng nhằm tiếp tục tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực như: chính trị-ngoại giao, kinh tế, chuyển đối số, phát triển nguồn nhân lực, văn hóa, du lịch, giao lưu địa phương và giao lưu nhân dân...
Thông cáo báo chí cho biết, Kỳ họp lần thứ 12 Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đã được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản, vào ngày 7/8/2024. Hai bên hoan nghênh việc tái khởi động Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản sau 5 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19.
Đây là kỳ họp đầu tiên được tổ chức sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới, thể hiện quyết tâm của Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành hai nước trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam - Nhật Bản phát triển mạnh mẽ, thực chất, toàn diện cả về lượng và chất, tương xứng với tầm vóc của khuôn khổ quan hệ mới.
Hai bên bày tỏ vui mừng trước những tiến triển vượt bậc của quan hệ hai nước kể từ sau kỳ họp Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 11 diễn ra vào tháng 5/2019, bất chấp những tác động của đại dịch COVID-19 và nhấn mạnh một số thành quả nổi bật trong hợp tác song phương.
Hai bên nhất trí nỗ lực duy trì giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp, phấn đấu thực hiện ít nhất mỗi năm có 01 đoàn Lãnh đạo cấp cao mỗi bên thăm lẫn nhau. Hai bên khẳng định tầm quan trọng về tăng cường liên kết kinh tế, hợp tác trong lĩnh vực an ninh kinh tế thông qua thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế.
Phía Nhật Bản tái khẳng định tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hướng tới mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Phía Nhật Bản đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư, bao gồm bảo đảm nguồn cung điện ổn định, tạo thuận lợi trong các thủ tục hành chính… Hai bên khẳng định sự cần thiết của việc cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam nhằm thúc đẩy đầu tư, thương mại của doanh nghiệp Nhật Bản.
Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ nhằm triển khai cụ thể, hiệu quả và thực chất Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, giai đoạn 1, mang lại lợi ích cho cả hai bên, vì sự phát triển hơn nữa của hai nền kinh tế, và thúc đẩy trao đổi về hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)… tìm kiếm cơ hội hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư, thương mại, chuyển giao khoa học công nghệ... Phía Nhật Bản nhất trí xem xét tích cực khả năng hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực viễn thông, (bao gồm mạng 5G-6G), công nghệ thông tin, an toàn, an ninh thông tin, xã hội số...
Hai bên hoan nghênh những tiến triển tại các dự án trong Danh mục các dự án hợp tác kinh tế trọng điểm (fact-sheet) đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Kishida Fumio nhất trí vào tháng 12/2023. Hai Bộ trưởng nhất trí tổ chức kỳ họp tiếp theo (kỳ họp lần thứ 13) của Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản vào năm 2025 tại Việt Nam. Thời gian cụ thể của kỳ họp sẽ được thu xếp qua các kênh ngoại giao.
Từ khóa: việt nam, việt nam nhật bản, ủy ban hợp tác việt nhật, tokyo nhật bản, đối tác chiến lược, hòa bình thịnh vượng, nhật bản
Thể loại: Nội chính
Tác giả: pv/vov-tokyo
Nguồn tin: VOVVN